Đúng pháp lý, có nhân văn trong giám định y khoa người khuyết tật

(Baohatinh.vn) - Sáng 3/3, Ban Văn hóa HĐND tỉnh Hà Tĩnh có cuộc làm việc với Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh về tình hình hoạt động của đơn vị và việc tổ chức giám định mức độ khuyết tật cho các đối tượng bảo trợ xã hội. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải cùng dự.

Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Đoàn Đình Anh: "Qua giám sát cho thấy,kết quả thực hiện Nghị định 136 của Chình phủ giữa các địa phương vẫn còn rất chênh nhau. Đề nghị Trung tâm GĐYK tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực giám định để đạt được kết quả khách quan và chính xác nhất"

Trung tâm giám định Y khoa (TTGĐYK) là cơ quan thường trực của Hội đồng giám định Y khoa (HĐGĐYK) tỉnh, có nhiệm vụ tham mưu cho tỉnh và Sở Y tế về lĩnh vực hoạt động giám định Y khoa trên địa bàn Hà Tĩnh và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động GĐYK trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Trung tâm có 10 cán bộ viên chức, trong đó có 6 cán bộ chuyên môn; có 2 phòng chức năng, nghiệp vụ. Cơ cấu của HĐGĐYK hiện có 28 thành viên, trong đó có 7 thành viên chính thức và 21 giám định viên.

GĐ Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh Đặng Quang Thạch báo cáo kết quả hoạt động của đơn vị

Quy trình, thủ tục thực hiện khám GĐYK được thực hiện theo nguyên tắc và căn cứ pháp lý về GĐYK. Về trình tự khám bao gồm: tiếp nhận hồ sơ; khám giám định cho đối tượng; hội chẩn chuyên môn; họp HĐGĐYK kết luận và ban hành biên bản GĐYK.

Khám giám định cho người khuyết tật được triển khai tại HĐGĐYK Hà Tĩnh bắt đầu từ năm 2014. Kết quả, tổng số người khám giám định và kết luận từ năm 2014-2016 là 2.924 người, trong đó số người khám khuyết tật là 347 người, chiếm tỷ lệ 11,87%.

Mức độ khuyết tật do HĐGĐYK kết luận: mức độ nhẹ là 98 người (28,24%), mức độ nặng là 202 người (58,21%), đặc biệt nặng là 42 người (12,1%), khuyết tật nằm trong danh mục bệnh tật để sinh con thứ 3 là 5 người (1,44%). Số người khuyết tật được HĐGĐYK kết luận mức độ khuyết tật cao hơn so với hội đồng khuyết tật cấp xã là 40/347 người khám khuyết tật (tỷ lệ 11,53%); số người không thay đổi mức độ khuyết tật là 40/347 (11,53%).

Phó Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch HĐGĐYK tỉnh Trần Xuân Dâng: "Về giám định thương tật có danh mục về tỷ lệ tổn thương, còn giám định khuyết tật đến nay vẫn chưa có hướng dẫn danh mục, tỷ lệ tổn thương nên gây khó khăn trong kết luận về GĐYK cho người khuyết tật "

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc khám giám định cho người khuyết tật vẫn còn những tồn tại cần được quan tâm khắc phục. Công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế dẫn đến thực trạng người dân và đối tượng rất ít hiểu biết về lĩnh vực này. Việc lập hồ sơ và kết luận của hội đồng cấp xã trong một số trường hợp chưa sát đúng tình hình bệnh tật của đối tượng, không đánh giá đầy đủ tình trạng bệnh tật của đối tượng trong hồ sơ gửi lên HĐGĐYK; kết luận của HĐGĐYK là đánh giá tình trạng bệnh tật, tỷ lệ % tổn thương cơ thể và khả năng tự chăm sóc bản thân của người khuyết tật nên thực tế đã xảy ra tình trạng có một số trường hợp được HĐGĐ kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể như nhau nhưng mức độ có thể khác nhau nên đã dẫn đến những thắc mắc không đáng có…

Tại buổi làm việc, các thành viên Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đã chất vấn để làm rõ một số nội dung về kết quả giám định xung quanh một số trường hợp cụ thể có những biểu hiện chưa thực sự công tâm, khách quan qua hoạt động giám sát Ban Văn hóa- xã hội HĐND tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải nhấn mạnh, kết quả giám định của HĐGĐYK tỉnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vừa đảm bảo sự công bằng cho đối tượng, vừa tạo sự đồng thuận và niềm tin ở địa phương.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chia sẻ những áp lực do điều kiện làm việc và tính nhạy cảm công việc đối với Trung tâm GĐYK tỉnh, đồng thời đề nghị đơn vị và HĐGĐYK tỉnh phối hiện với các ngành, địa phương liên quan khắc phục, chấn chỉnh những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc, tiếp tục triển khai nhiệm vụ với tinh thần công tâm, khách quan, đảm bảo tính pháp lý và thể hiện rõ tính nhân văn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói