Mặt đường bong tróc, lề đường sạt lở ra tận bờ ruộng tạo thành những “vồng khoai”, “sống trâu” và ổ voi. (Ảnh chụp tại đoạn đường đi qua thôn Kỳ Sơn, xã Thạch Đài)
Tuyến đường đi qua 2 xã của huyện Thạch Hà là Thạch Đài - Thạch Xuân. Trên suốt chiều dài gần 5 km đi qua xã Thạch Đài đầy rẫy ổ trâu, ổ voi. Mặt đường bong tróc, nền đường sụt lún tạo thành sống trâu, lề đường “rách toạc”, tạo nên những “vồng khoai”, “thách thức” người và phương tiện tham gia giao thông.
Bà Đào Thị Phương - một người dân ở xã Thạch Đài cho biết: “Mang tiếng là sống ven thành phố nhưng đi lại còn hết sức khó khăn, mùa nắng thì bụi bặm, mùa mưa thì lầy lội. Điều lo nhất là mỗi khi ra đường sợ xẩy ra tai nạn giao thông do đường xuống cấp, ổ trâu, ổ voi chi chít”.
Một trong những đoạn bị hư hỏng nặng nhất là điểm đi qua thôn Kỳ Sơn, xã Thạch Đài. Trên chiều dài gần 1 km, mặt đường hầu như đã biến dạng hoàn toàn. Có những vị trí sụt lún với chiều sâu chục cm, chiều dài từ 7-10m, khi trời mưa sẽ tạo thành những cái bẫy đe dọa đến sự an toàn của người và phương tiện tham gia giao thông.
Thời gian qua đã có rất nhiều vụ va quệt hay ngã xe xảy ra, gây thương tích cho người tham gia giao thông khi lưu thông trên cung đường này.
Đường xuống cấp gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. (Ảnh chụp tại điểm giáp ranh giữa xã Thạch Đài và Thạch Xuân)
Tiếp xúc với phóng viên, nhiều người dân ở xã Thạch Đài tỏ ra băn khoăn lo lắng về những phiền toái do con đường xuống cấp gây ra. Mùa mưa thì ngập nước lầy lội, ngày nắng thì bụi bặm mù mịt. Mặc dù nhà nào cũng dùng bao bạt để che chắn phòng tránh bụi bay vào nhà, nhưng không mấy hiệu quả. Mỗi lần xe ô tô chạy qua thì cả tuyến đường mù mịt không nhìn thấy bất cứ thứ gì.
Ông Bùi Quang - Trưởng thôn Kỳ Sơn, xã Thạch Đài cho biết: “Thôn đã nhiều lần kiến nghị lên xã nhưng chỉ nhận được câu trả lời là chưa có kinh phí để nâng cấp, sửa chữa...”.
Theo ông Trương Quang Anh - Chủ tịch UBND xã Thạch Đài: “Tuyến huyện lộ 92 nối Thạch Đài với Thạch Xuân đã được đầu tư xây dựng cách nay hơn 10 năm, nhưng giờ đây đã xuống cấp nghiêm trọng, phần vì do tuổi thọ của con đường, phần vì do xe quá tải tàn phá. Địa phương cũng đã nhiều lần có văn bản kiến nghị lên huyện nhưng do chưa có vốn để nâng cấp sửa chữa nên đành phải để vậy.
Để khắc phục khó khăn cũng như hạn chế tai nạn giao thông, dịp tết vừa qua, địa phương cũng đã trích kinh phí mua vật liệu về đắp những đoạn bị sụt lún, “sống trâu”, ổ trâu, ổ gà... để nhân dân đi lại thuận tiện hơn, nhưng chỉ sau vài đợt mưa là đâu lại vào đấy”.
Ổ gà chi chít, mặt đường đọng nước tạo thành những cái bẫy. (Ảnh chụp tại thôn Kỳ Phong, xã Thạch Đài)
Tuyến huyện lộ 92 qua xã Thạch Đài - Thạch Xuân không chỉ xuống cấp hư hỏng mà còn rất chật hẹp.
Trên tuyến đường có 3 trường học liền kề (Trường THPT Lê Quý Đôn, Trường THCS Hàm Nghi, Trường Tiểu học Thạch Đài). Mỗi lần tan trường, chỉ tính riêng Trường THPT Lê Quý Đôn đã có 1.200 học sinh đổ ra đường, khiến giao thông ách tắc, nguy cơ tai nạn tiềm ẩn bởi sự lộn xộn.
Để đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh, thời gian qua, Trường THPT Lê Quý Đôn đã tăng cường tuyên truyền, vận động, giúp học sinh nêu cao ý thức, nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, thậm chí đưa ra các hình thức xử phạt nếu học sinh vi phạm.
Nếu không cẩn thận, nhiều phương tiện sẽ vị “cạt” gầm xe. (Ảnh chụp tại thôn Kỳ Sơn, Thạch Đài)
Thầy Thái Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết: “Nếu đường không được nâng cấp sửa chữa thì rất dễ xẩy ra tai nạn giao thông đối với học sinh.
Đề nghị các cấp cần sớm bố trí nguồn vốn để nâng cấp tuyến đường nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến, nhất là các em học sinh”.
Mặc dù người dân, chính quyền địa phương đã rất nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay tuyến đường vẫn chưa được nâng cấp sửa chữa. (Trong ảnh: Tuyến đường huyết mạch phục vụ đi lại sản xuất của xã Thạch Đài).
Thiết nghĩ, nguyện vọng được đầu tư sửa chữa nâng cấp tuyến đường của hàng ngàn hộ dân ở 2 xã Thạch Đài và Thạch Xuân là hết sức chính đáng, bởi điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu thông thương, tạo diện mạo cho làng quê nông thôn mới, mà còn hạn chế những rủi ro tiềm ẩn về tai nạn giao thông.