Dứt điểm việc thu hồi đất, tài sản dự án Làng TNXP nuôi trồng thủy sản Thạch Kênh

(Baohatinh.vn) - Dự án Làng Thanh niên xung phong nuôi trồng thủy sản Thạch Kênh (Thạch Hà, Hà Tĩnh) được phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 10/2008, đến nay đã cho thấy tính kém hiệu quả, trong đó bộc lộ phần nào sự lãng phí các nguồn lực.

Hiện trạng 120 ha đất dự án.

Dự án Làng Thanh niên xung phong (TNXP) nuôi trồng thủy sản Thạch Kênh do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 360/QĐ-TWĐTN ngày 29/10/2008 và giao Tỉnh đoàn Hà Tĩnh làm chủ đầu tư với tổng mức 32,283 tỷ đồng.

Dự án ra đời với mục tiêu khai thác 120 ha đất hoang hóa để phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, tạo việc làm cho khoảng 150 thành viên lập nghiệp cùng nhân dân địa phương.

Ngày 12/5/2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1263/QĐ-UBND về việc phê duyệt mặt bằng sử dụng đất xây dựng dự án Làng TNXP nuôi trồng thủy sản Thạch Kênh Hà Tĩnh. Quá trình thực hiện dự án, nhiều hạng mục đã được xây dựng như: trạm điện, nhà điều hành, công trình phụ trợ, các hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản (đê bao chính, bờ bao, trạm bơm, cống cấp thoát, kênh…) và đường giao thông.

Nhà điều hành hiện nay đã xuống cấp.

Sau khi các hạng mục được hoàn thành, ngày 01/8/2016, Ban Quản lý dự án đã tiến hành bàn giao dự án cho UBND xã Thạch Kênh. Do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên trong tháng 8/2016, UBND xã Thạch Kênh đã cho HTX Hùng Đại Vương thuê quỹ đất để nuôi trồng thủy sản.

Khu vực nuôi trồng thủy sản đã không phát huy hiệu quả như mục tiêu đề ra.

Nhìn nhận thực tế tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kênh Nguyễn Duy Hoàng cho hay: Dự án này được triển khai từ năm 2008, thời gian thực hiện từ 2009 đến 2012, nay đã trải qua nhiều công đoạn thủ tục. Sau khi hình thành đến nay, dự án chưa phát huy được mục tiêu đề ra. Hiện nay, tài sản hình thành từ dự án đã xuống cấp nghiêm trọng như: nhà cấp IV không đảm bảo, các ao nuôi bị bồi lắng, bờ đê bao, đường dân sinh bị xói lở…

Trước thực tế kém hiệu quả của dự án, nhiều năm qua, UBND xã Thạch Kênh đã nhiều lần kiến nghị cấp trên tiến hành thu hồi tài sản và đất của dự án.

Từ tháng 8/2016, UBND xã Thạch Kênh đã đồng ý cho HTX Hùng Đại Vương thuê quỹ đất để nuôi trồng thủy sản.

Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kênh Nguyễn Duy Hoàng trao đổi: Chính quyền địa phương rất trăn trở trước hoạt động của dự án nhưng hướng giải quyết vượt ngoài khả năng của địa phương, trong đó, quỹ đất do xã quản lý nhưng tài sản trên đất lại thuộc Trung ương Đoàn quản lý. UBND xã đã chủ động ban hành nhiều văn bản đề xuất UBND huyện và cấp trên có giải pháp tháo gỡ, trong đó có tài sản hình thành từ dự án. Địa phương mong muốn kêu gọi các nhà đầu tư lớn vào khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế khu vực này, tránh lãng phí, nhưng vướng mắc pháp lý nên không thể thực hiện.

Tháng 4/2023, tại cuộc làm việc với huyện Thạch Hà do Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, UBND huyện đề nghị UBND tỉnh có giải pháp đối với dự án này do kém hiệu quả, không phát huy được nguồn lực đầu tư. Kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh đoàn, UBND huyện Thạch Hà và các đơn vị liên quan soát xét, căn cứ quy định và thực tiễn tham mưu, đề xuất phương án xử lý.

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Tài chính đã chủ động phối hợp các sở, ngành liên quan cùng địa phương tiến hành kiểm tra và tổ chức làm việc, đánh giá hiện trạng dự án vào cuối tháng 6/2023.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kênh Nguyễn Duy Hoàng, dự án đã không phát huy được hiệu quả, rất mong chính quyền các cấp có giải pháp phù hợp.

Biên bản làm việc giữa Sở Tài chính và các sở, ngành, địa phương liên quan ghi rõ: vùng dự án là đất hoang hóa phù sa ven sông nên tồn dư nhiều chất độc trong chiến tranh, cũng như dư lượng phèn, lưu huỳnh vượt quá mức cho phép: việc ngọt hóa sông Nghèn, hình thành bara Đò Điệm khiến quá trình nuôi trồng kém hiệu quả. Bên cạnh đó, việc hạn chế trong khả năng quản lý của chủ đầu tư, địa phương, việc thay đổi xu thế hướng nghiệp của thanh niên trong vùng cũng dẫn đến không có hiệu quả trong việc thực hiện dự án.

Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Quốc Hương cho hay: “Từ cơ sở pháp lý và hiện trạng tài sản hình thành từ dự án Làng Thanh niên xung phong xã Thạch Kênh, các yếu tố khách quan, chủ quan đã được xem xét trong buổi làm việc, định hướng thu hồi để bán đấu giá dự án, tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng là việc cần thiết nhằm cải tạo, nâng cấp, đầu tư, phát huy cơ sở hạ tầng hiện có để phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế vùng, tạo việc làm cho người lao động địa phương. Sau cuộc làm việc, Sở Tài chính đã ban hành Văn bản số 2931/STC-GCS&TCDN, ngày 12/7/2023 với nhiều nội dung, trong đó đề nghị UBND tỉnh đồng ý chủ trương thu hồi tài sản hình thành từ dự án và đất dự án”.

Gần đây, tại văn bản thông báo kết luận cuộc họp UBND tỉnh ngày 4/8/2023, đã nêu rõ: “Về phương án quản lý và xử lý tài sản hình thành từ dự án Làng thanh niên xung phong nuôi trồng thủy sản Thạch Kênh: Đồng ý chủ trương như đề nghị của Sở Tài chính tại Văn bản số 2931/STC-GCS&TCDN ngày 12/7/2023”.

Đứng từ góc độ hiệu quả đầu tư và công tác quản lý đối với tài sản công, việc thu hồi đất, tài sản của dự án nêu trên là hoàn toàn hợp lí. Tuy nhiên, để thực hiện dứt điểm việc này, nhiều nội dung pháp lý đang cần các ngành liên quan chung tay thực hiện như: phương án xử lý đối với toàn bộ khu đất và tài sản trên đất dự án; rà soát, trích đo khu đất, cập nhật chính xác toàn bộ khu đất; thu hồi đất và xây dựng phương án xử lý đất, tài sản gắn liền trên đất; kinh phí phát sinh nếu có trong quá trình thực hiện của các cơ quan…

Gần 15 năm được hình thành và hoạt động, đã đến lúc cần có tiếng nói sau cùng cho một chu kỳ không vui của dự án Làng TNXP nuôi trồng thủy sản xã Thạch Kênh.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói