EU trừng phạt Nga

EU áp gói trừng phạt mới nhằm vào Nga để hạn chế hơn nữa năng lực tác chiến của nước này tại Ukraine.

Quyết định được Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 16/12 là gói trừng phạt thứ 9 của khối nhằm vào Nga sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi cuối tháng 2. Gói trừng phạt mới nhằm hạn chế hơn nữa năng lực tác chiến của Nga ở Ukraine.

Theo gói trừng phạt mới, EU hạn chế xuất khẩu động cơ máy bay không người lái (UAV) sang Nga hoặc các nước định cung cấp vũ khí cho họ. Thêm gần 200 cá nhân và tổ chức bị EU liệt vào danh sách đen, bị phong tỏa tài sản và cấm cấp thị thực. 4 mạng lưới truyền hình Nga bị cấm phát sóng trong khối.

EU cấm đầu tư vào lĩnh vực khai thác mỏ của Nga, ngoại trừ một số nguyên liệu thô, cũng như cấm xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng có thể phục vụ chiến dịch quân sự của nước này. Các doanh nghiệp trong khối EU cũng bị cấm cung cấp dịch vụ như nghiên cứu thị trường và quảng cáo cho đối tác Nga.

EU trừng phạt Nga

UAV tự sát của Nga bay trên thủ đô Kiev của Ukraine ngày 17/10. Ảnh: Reuters.

Một số thành viên EU tại Đông Âu phàn nàn rằng gói trừng phạt là “một cơ hội bị bỏ lỡ” sau khi các quốc gia như Bỉ và Hà Lan yêu cầu miễn trừ lệnh trừng phạt với các hãng sản xuất phân bón.

Hai nước này lập luận rằng cần nới lỏng lệnh trừng phạt để tạo thuận lợi cho xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp Nga ra thế giới và giảm nguy cơ xảy ra nạn đói, song Ba Lan và Litva bác bỏ.

Bất đồng khiến EU trì hoãn thông qua gói trừng phạt mới nhằm vào Nga tới các đại sứ của khối gặp nhau ngày 15/12. Một số miễn trừ đối với lương thực và phân bón được thông qua trong khuôn khổ thỏa thuận.

EU công bố gói trừng phạt thứ 9 trong bối cảnh Nga tăng dùng tên lửa và UAV tập kích hạ tầng chỉ huy quân sự, năng lượng và kho đạn của Ukraine . Nga tuyên bố các đợt tập kích làm gián đoạn hoạt động chở quân, khí tài và đạn dược bằng đường sắt của Ukraine ra tiền tuyến.

Các quan chức ngoại giao EU cảnh báo khối này ngày càng không còn cách nào để gây tổn hại cho nền kinh tế Nga. EU tránh nhắm mục tiêu vào nguồn cung khí đốt trong các gói trừng phạt do lo ngại giá năng lượng bị đẩy lên cao, cũng như tránh những lĩnh vực hoặc hàng hóa quan trọng với từng quốc gia thành viên của khối như kim cương.

Theo Nguyễn Tiến (VNE)

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.