Không thể phủ nhận những tiện ích, hiệu ứng tích cực của facebook và cũng không thể cấm giới trẻ sử dụng mạng xã hội này, nhưng làm thế nào để con người không biến thành “nô lệ” của nó lại hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ sống của mỗi chúng ta.
Khi giá trị” ảo lên ngôi
Ngày nay, có những bạn trẻ ngồi hàng giờ lướt facebook, twitter, zalo… mà không thấy chán. Họ lý giải rằng, thế giới ảo giúp họ làm được những điều mà trong cuộc sống thực họ không thể hoặc không dám làm. Với họ, việc đăng những status tâm trạng, bày tỏ cảm xúc tiêu cực hay tích cực, nói lên những suy nghĩ của mình trên thế giới ảo dễ dàng hơn nhiều so với cuộc sống thực vì không phải đối diện với người nghe. Thậm chí, bạn Lệ Q. (TP Hà Tĩnh) còn tâm sự: “Nếu không có thế giới ảo, không có mạng xã hội thì em không biết phải thể hiện bản thân như thế nào. Ở đó, em được là mình và em có cảm giác an toàn”.
Một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay xem mạng xã hội là nơi thể hiện bản thân và "đo lường" tình bạn bằng số lượt "thích" ảo. Minh họa từ Internet.
Không khó để bắt gặp một xã hội thu nhỏ với đủ đầy cung bậc cảm xúc, một “ma trận” thông tin trên các trang mạng xã hội. Người ta có thể đi chơi, đi uống cà phê với nhau trong cùng một không gian nhưng trên tay mỗi người là một chiếc smartphone và làm những việc như “check in”, up ảnh, lướt facebook… Thay vì chuyện trò, hỏi han, tâm sự, chia sẻ cùng nhau thì giới trẻ lại “cắm mặt” vào thế giới ảo đó.
Khi mà giá trị con người trên thế giới ảo được đo đếm bằng những cái like, những dòng comment thì dường như những giá trị nhân văn thật sự đang bị lấn át dần. Và nhiều bạn trẻ đã chạy theo những điều phù phiếm, thậm chí, ngông cuồng được lăng xê bởi những con người mù quáng. Trào lưu “Nói là làm. Like là triển khai” đang là một “thách thức” đối với các nhà tâm lý học khi không thể nào lý giải được tâm lý, hành vi của những con người “cuồng sống ảo”.
Những con người “thèm khát” like đến mức bất chấp danh dự, nhân phẩm, thậm chí, cả tính mạng bản thân và sự an nguy của người khác để làm những điều điên rồ trong sự tung hê của cộng đồng giờ đã không còn là chuyện hiếm. Đủ lượng like sẽ tẩm xăng tự thiêu rồi nhảy xuống sông, đủ like sẽ không mặc quần áo đi khắp khuôn viên trường, đủ like sẽ ăn chất thải của mình… Và đỉnh điểm của sự mù quáng là đủ like sẽ châm lửa đốt trường như cô bé Trần Thị Ngọc Trâm (một học sinh lớp 8 ở Khánh Hòa). Không chỉ gây thiệt hại cho nhà trường, kẻ gây tội đã tự chuốc lấy họa khi hai chân em bị bỏng nặng và đang phải điều trị. Ngoài sự đau đớn về thể xác, cô bé dại dột đó còn phải nhận lấy vô vàn thái độ lên án của cả cộng đồng.
Hàng tỷ người trên thế giới nhìn cuộc đời qua lăng kính Facebook. Minh họa từ Internet.
Những gì là tiêu cực, giật gân thường nhận được sự ủng hộ lớn và không ít các bạn trẻ khi coi mỗi cái like là một “lá phiếu của niềm tin”, là thước đo sự thành công của họ trên thế giới ảo. Đắm chìm trong mạng xã hội, dường như những người trẻ đang dần quên đi cuộc sống thực của mình.
Facebook không… “có tội”
Công bằng mà nói, sự ra đời và thịnh hành của mạng xã hội thực sự mang lại nhiều tiện ích cho công việc cũng như quan hệ của mỗi cá nhân. Mọi người dễ dàng tìm hiểu, trao đổi thông tin, chia sẻ với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp khi cần thiết một cách nhanh chóng, dễ dàng với chi phí rẻ nhất. Sẽ là thiếu công bằng nếu vì những con người sống ảo mà "kết tội" mạng xã hội, đặc biệt là facebook. Bởi cái gì cũng có tính hai mặt mà người sử dụng phải tự điều chỉnh hành vi để công nghệ phục vụ đời sống của mình một cách văn minh, hiệu quả nhất. Nếu sử dụng có chừng mực và đúng mục đích, mạng xã hội sẽ trở thành một kênh giải trí hoàn hảo và lành mạnh của con người trong cuộc sống hiện đại.
Nhờ sự kết nối tuyệt vời của face mà những người thân, bạn bè lạc nhau từ rất lâu đã đoàn tụ, những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn được giúp đỡ, sẻ chia kịp thời; những tình cảm yêu thương nồng ấm được trao gửi, những kỷ niệm được lưu giữ, những hạnh phúc được dựng xây…
Tham gia các hoạt động tình nguyện giúp thanh niên sống đẹp, sống có ích.
Tiếc thay, không phải bạn trẻ nào cũng biết tận dụng những tác dụng tích cực đó để làm cho cuộc sống đẹp hơn. Không phải ai cũng hiểu được rằng, một hình ảnh đẹp, một status lôi cuốn chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó mang đến một cảm xúc tích cực, tốt đẹp cho chính bạn và bạn bè của bạn trong cuộc sống thực chứ giá trị không đo đếm bằng những nút like vô hồn.
“Ma lực” của nút like đã mê hoặc những con người thiếu lý tưởng sống nhưng thừa sự ngông cuồng và ảo tưởng. Và càng tệ hại hơn, sự ngông cuồng, ảo tưởng của những cá nhân sống ảo đó lại được tiếp thêm sức mạnh bằng sự tung hê, đồng tình của một cộng đồng mù quáng. Ngọc Trâm – cô bé “câu like đốt trường” là một ví dụ minh chứng cho điều đó. Sau hành động ngu dại, em ngờ nghệch khai rằng, thực chất em chỉ đăng status để gây sự chú ý nhưng không ngờ đạt lượng like khủng và em đã bị cộng đồng mạng ép phải đốt trường nếu không sẽ bị đánh. Đã đến lúc, những cái bấm like vô thức không còn là vô hại. Xét cho cùng, Ngọc Trâm cũng chỉ là nạn nhân của những kẻ “cuồng like”.
Không chỉ Ngọc Trâm mà rất nhiều bạn trẻ đã trở thành “nạn nhân” của những cú bấm like như thế. Có những bạn trẻ không chịu được áp lực từ cộng đồng ảo đã phải tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Đúng như nhà văn Trang Hạ xót xa: “Không ngạc nhiên vì sự ngông cuồng của người trẻ nhưng lại kinh hãi trước sự tàn nhẫn, thiếu tính nhân văn của những người bấm like”.
Trao đổi xung quanh vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tịnh - Trưởng bộ môn Tâm lý và Giáo dục - Đại học Hà Tĩnh có một lời khuyên cho các bạn trẻ: “Trong hàng trăm, thậm chí, hàng ngàn bạn bè trong friendlist, người ta sẽ like, sẽ comment nhưng có mấy người chạy đến bên bạn khi bạn đăng một status buồn chán. Vậy nên, dù muốn hay không, có một cuộc sống thực ngoài kia vẫn đang chờ bạn. Nơi đó, có những người yêu thương bạn bằng trái tim và khối óc, chứ không bằng những cái like vô hồn. Hãy sống thông minh để lựa chọn cho mình những điều tốt đẹp và vì một cuộc sống thực ý nghĩa”.