Formosa phải thực hiện các cam kết về môi trường bằng hành động thực tế

(Baohatinh.vn) - Chiều 3/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng cùng đại diện đoàn công tác về môi trường tỉnh có buổi làm việc với Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) về một số nội dung liên quan đến công tác khắc phục sự cố môi trường như đã cam kết.

Đặt vấn đề tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng cho rằng, sau khi Bộ TN&MT công bố thông tin liên quan đến vụ chôn lấp chất thải tại phường Kỳ Trinh cho thấy, các mẫu bùn đó là chất thải nguy hại. Buổi làm việc nhằm làm rõ, kiểm soát tất cả các nguồn thải của công ty, trong đó vấn đề quan tâm nhất hiện nay là khối lượng bùn thải nguy hại này công ty còn lưu giữ là bao nhiêu; khối lượng hàng ngày thải ra thực tế tại FHS.

Phó tổng phụ trách về môi trường dự án Formosa - Lý Mộc Văn báo cáo quy trình xử lý bùn thải

Theo báo cáo của FHS, bùn thải sinh hoạt hình thành từ 12/2013, bùn công nghiệp từ tháng 10/2015 và bùn sinh hóa từ 4/2016. Khối lượng bùn thải là cứ 1000 m3 nước thải ra sẽ cho ra khoảng 0,4 tấn bùn. Hiện trung bình sử dụng 1.140m3 nước/ngày đêm thì cho ra khối lượng bùn thải khoảng 0,5 tấn bùn/ngày.

Về chất thải chôn lấp tại Kỳ Trinh mà Bộ TN&MT kết luận là chất thải nguy hại, hiện toàn bộ số bùn thải đang chưa vận chuyển ra khỏi FHS đang được bảo quản tại kho. FHS đã thuê một đơn vị tại TP.HCM để phân tích mẫu bùn đang tồn đọng trong kho. Dự kiến sẽ cho kết quả vào ngày 5/8.

Đoàn công tác cho rằng khối lượng nước sử dụng/ngày là không thực tế, cần có sự kiểm tra, tính toán lại. Bùn sinh hóa, bùn công nghiệp đều là chất thải nguy hại nên việc quan trọng nhất là phải kiểm soát cho được lượng bùn thực tế thải ra, con số này phải chính xác. Vì việc kiểm soát tốt môi trường, đảm bảo môi trường không chỉ bảo vệ sức khỏe, cuộc sống cho người dân mà còn chính là bảo vệ cho FHS, vì FHS đang sản xuất, kinh doanh ở địa phương trong một thời gian dài.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng đề nghị FHS phải thực hiện các cam kết bằng các hành động thực tế và báo cáo trung thực các chỉ số, khối lượng về các chất thải đang được lưu giữ tại khu vực của FHS để cho đoàn công tác được biết và kiểm soát.

Doanh nghiệp cần có kiểm chứng thông qua tỉ lệ, lưu lượng nước thải, số lượng phát sinh hàng ngày; làm rõ các nguồn phát thải từ tất cả các khâu sản xuất; báo cáo đầy đủ việc sử dụng các loại hóa chất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị đoàn công tác phải kiểm soát được toàn bộ hệ thống; đầu tư về thời gian nhằm chất lượng, hiệu quả việc kiểm tra, giám sát. Các Sở TN&MT, Công thương tham mưu với tỉnh thuê chuyên gia độc lập để kiểm tra, đánh giá những khâu đoạn; việc kiểm tra, đánh giá phải làm một cách chi tiết, trung thực, trách nhiệm và báo cáo thường xuyên về UBND tỉnh. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện lỗi thì sẽ xử lý nghiêm trước khi để xảy ra hậu quả...

Chủ đề BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói