Công nhân làm việc tại Công ty may Chori, chi nhánh của Tập đoàn sản xuất sợi Toray Industries (Nhật Bản) tại Việt Nam
Sau Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các nhà sản xuất Nhật Bản đang hướng đến việc tìm kiếm và vận dụng các ưu tiên một cách tốt hơn ở khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó đặc biệt nhắm đến Việt Nam như là một nền tảng quan trọng để mở rộng hoạt động.
43,8% trong tổng số các nhà sản xuất Nhật Bản phản hồi một khảo sát của Viện Nghiên Cứu Mizuho (Mizuho Research Institute - MRI) cho biết ASEAN là khu vực mà họ có kế hoạch đặt trọng tâm lớn nhất trong tương lai. Tỷ lệ này cao hơn 2,3% so với kết quả của cuộc khảo sát năm ngoái, đồng thời đây là năm thứ 4 liên tiếp mà ASEAN đứng đầu danh sách của MRI.
Theo tạp chí Nikkei Asian Review, cuộc khảo sát của MRI được các chuyên gia tiến hành từ tháng 2/2016. Các đối tượng khảo sát là những nhà sản xuất Nhật Bản có tổng vốn từ 10 triệu yen (92.000 USD) trở lên. 1.100 phản hồi từ các nhà sản xuất trong nước sau đó đã được gửi về cho viện nghiên cứu.
Nổi bật trong số các phản hồi gửi về chính là sự gia tăng mức độ quan tâm của các nhà sản xuất Nhật đối với thị trường Việt Nam.
Khi được yêu cầu liệt kê danh sách các nước ASEAN mà các hãng sản xuất Nhật Bản có kế hoạch tập trung phát triển hoạt động, 53,5% nhà sản xuất nhắc đến Việt Nam, tăng 4,9% so với năm ngoái. Thái Lan – nơi tăng trưởng ngành công nghiệp ô tô đang có xu hướng chậm lại – cũng được 59,7% trên tổng số các công ty đề cập đến, giảm 2,2% so với năm ngoái. Indonesia được 41,5% nhà sản xuất liệt kê, giảm 4,7% so với năm ngoái.
Sau khi TPP chính thức được ký kết ở New Zealand vào tháng 2 vừa rồi, Việt Nam nhận được nhiều chú ý và kỳ vọng sẽ trở thành một công xưởng mới của thế giới về xuất khẩu hàng dệt may và các sản phẩm khác.
Khi được hỏi trong số 12 quốc gia thành viên của TPP, các nhà sản xuất Nhật Bản có kế hoạch mở rộng đầu tư vào đất nước nào? 12,8% trên tổng số công ty trả lời Việt Nam, 10,7% công ty muốn tiếp tục gia tăng đầu tư trong nước và 4,9% muốn đầu tư thêm vào Hoa Kỳ.
Trong bối cảnh suy giảm kinh tế tại Đại lục, các nhà sản xuất xứ Phù Tang đang tiếp tục “rút chân” ra khỏi Trung Quốc. Có 67,4% các nhà sản xuất Nhật Bản hiện có nhà máy đặt tại Trung Quốc, giảm 2% so với năm ngoái, đây cũng là lần suy giảm thứ hai liên tiếp của Trung Quốc trong khảo sát của MRI.