Doanh nghiệp lo “đội” vốn!
Hiện nay, giá thép có dấu hiệu giảm nhưng vẫn neo ở mức cao, dao động từ 18 – 19,2 triệu đồng/tấn.
Sau nhiều lần tăng giá liên tiếp, giá thép các loại trên thị trường Hà Tĩnh thời điểm này dao động từ 18 - 19,2 triệu đồng/tấn. So với cuối năm 2020, giá thép hiện nay đã tăng khoảng 3,7 triệu đồng/tấn. Ngoài ra, nhiều loại vật liệu xây dựng khác như gạch, cát, đá, xi-măng… cũng đồng loạt tăng giá theo.
Ông Nguyễn Minh Chiến – Giám đốc Công ty TNHH Hồng Chiến (TP Hà Tĩnh) chuyên cung cấp vật liệu xây dựng cho biết: “Hiện nay, giá thép các loại có dấu hiệu giảm nhưng vẫn đang neo ở mức cao, so với thời điểm giá ổn định (cuối năm 2020) có thời điểm tăng 40%. Bên cạnh đó, các loại vật liệu khác như: xi măng, cát, đá… cũng trên đà tăng”.
Gói thầu Nâng cấp hệ thống đường giao thông xã Thạch Hạ được ký kết theo hình thức đơn giá cố định khả năng bị “đội” vốn do giá vật liệu tăng cao.
Theo tính toán của các chuyên gia trong ngành xây dựng, chi phí thép chiếm 12 - 16% tổng chi phí xây dựng công trình. Nếu giá thép xây dựng tăng 10%, giá thành xây dựng các công trình sẽ tăng thêm 1%. Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định, trọn gói (hợp đồng có giá cố định, không thay đổi trong suốt thời gian thực hiện đối với toàn bộ nội dung công việc trong hợp đồng) cho nên phải tự bù lỗ khi giá nguyên vật liệu tăng. Như vậy, với mức tăng như hiện nay, các công trình sẽ “đội” thêm khoảng 4% chi phí xây dựng. Điều này khiến các nhà thầu “tiến thoái lưỡng nan” khi dừng thi công thì ảnh hưởng đến tiến độ mà tiếp tục thi công thì nguy cơ thua lỗ rất dễ xảy ra.
Ông Võ Tá Vinh – Giám đốc Công ty CP Xây lắp Thành Vinh (TP Hà Tĩnh) cho biết: Công ty chúng tôi đang thực hiện 2 gói thầu là Nâng cấp hệ thống đường giao thông xã Thạch Hạ và Xử lý sạt lở bờ biển xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh được ký kết theo hình thức đơn giá cố định và trọn gói. Tại thời điểm đấu thầu, giá thép là 11.500 – 13.900 đồng/kg nhưng hiện nay đã tăng lên hơn 18.000 đồng/kg nên ảnh hưởng rất lớn đến chi phí thi công gói thầu.
Gói thầu Đường giao thông nối xã Thạch Đồng - Thạch Môn dù đang được đẩy nhanh tiến độ nhưng cũng gặp khó do giá vật liệu tăng.
Cũng gặp khó khăn do chi phí vật liệu tăng cao, Công ty TNHH Xây dựng Khánh Môn (TP Hà Tĩnh) đã kiến nghị đến Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh về việc đề nghị các cấp, ngành liên quan cho chuyển các gói thầu từ hình thức đơn giá cố định, trọn gói sang đơn giá điều chỉnh (hợp đồng có đơn giá có thể được điều chỉnh căn cứ vào các thỏa thuận trong hợp đồng đối với toàn bộ nội dung công việc trong hợp đồng)...
Theo đó, công ty hiện đang thi công gói thầu Đường giao thông nối xã Thạch Đồng - Thạch Môn và Khắc phục, sửa chữa tuyến đê Hữu Nghèn được ký kết theo đơn giá cố định. Được biết, khi ký hợp đồng, giá thép chỉ ở mức 11.900 đồng/kg, chênh lệch ở thời điểm hiện tại gần 7.000 đồng/kg nên doanh nghiệp đang rất vất vả.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đức Thắng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Thực tế cho thấy, giá vật liệu tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xây dựng. Chúng tôi đã nhận được thông tin một số đơn vị trúng thầu nhưng chấp nhận bỏ thầu vì giá vật liệu tăng quá cao hoặc thi công cầm chừng, chờ giá ổn định trở lại.
Trước thực trạng đó, Hiệp hội đã kiến nghị lên UBND tỉnh và các đơn vị liên quan về việc cho phép các dự án xây dựng ký kết theo đơn giá cố định và trọn gói được bù giá các loại vật liệu chính theo giá thị trường.
Đồng hành với doanh nghiệp vượt “bão giá”
Với mức tăng các loại vật liệu như hiện nay, nhiều công trình xây dựng sẽ “đội” thêm khoảng 4% chi phí xây dựng.
“Thực hiện Văn bản số 1769/UBND-GT ngày 18/4/2022 của UBND tỉnh về việc giao triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về giá nhiên liệu, vật liệu đối với các công trình xây dựng giao thông và Văn bản số 911/UBND-GT ngày 1/3/2022 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18//NQ-CP ngày 11/2/2022 của Chính phủ, thời gian qua, Sở Xây dựng đã chủ động khảo sát, cập nhật và công bố giá vật liệu hằng tháng từ tháng 4/2021 đến nay (trước đó công bố định kỳ theo quý) để các tổ chức và cá nhân tham khảo, áp dụng, đặc biệt là những công trình dự án đang tổ chức cập nhật giá gói thầu, đang thẩm định dự toán xây dựng và các gói thầu thực hiện theo hợp đồng điều chỉnh giá.
Bên cạnh đó, sở cũng đã tổ chức khảo sát và công bố đơn giá nhân công xây dựng, đơn giá ca máy để làm cơ sở cho công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trên địa bàn tỉnh" - ông Trần Hữu Thắng, Phó Trưởng phòng Quản lý hoạt động xây dựng, Sở Xây dựng thông tin.
Xi-măng tăng khoảng 10% so với đầu năm 2021.
Đặc biệt, trên cơ sở lấy ý kiến của các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng đã kiến nghị Bộ Xây dựng một số giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng.
Theo đó, một số giải pháp được đưa ra như: Chính phủ và các bộ ngành cần xem xét hạn chế việc xuất khẩu nguyên vật liệu xây dựng để bảo đảm nhu cầu cung ứng cho thị trường trong nước, áp dụng thuế xuất khẩu nguyên vật liệu ở mức cao, giảm thuế nguyên vật liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Nhà nước cần nghiên cứu, có chính sách điều tiết khung giá trần nguyên vật liệu, tránh tình trạng giá thép tăng một cách bất thường như hiện nay, gây khó khăn trong dự toán xây dựng do không thể dự đoán trước biến động giá cả.
Ghi nhận kiến nghị của các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh, Sở Xây dựng cũng đã kiến nghị Bộ Xây dựng cần xem xét, báo cáo Chính phủ có giải pháp điều chỉnh giá đối với các dự án, gói thầu ký kết theo hình thức hợp đồng trọn gói và hợp đồng theo đơn giá cố định trên cơ sở cân đối được nguồn vốn của các chủ đầu tư. Việc điều chỉnh giá phụ thuộc rất lớn vào các quy định hiện hành nhưng đã cho thấy được sự lắng nghe, đồng hành của chính quyền để cùng doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn.