Giấc mộng dời đô của Indonesia

Quốc hội Indonesia ngày 18/1 đã thông qua luật dời thủ đô Jakarta - ý tưởng đã nhen nhóm từ nhiều thập niên trước nhưng chỉ được hiện thực hóa dưới thời Tổng thống Joko Widodo.

Thủ đô mới - được đặt tên là Nusantara - sẽ chiếm khoảng 56.000 ha ở Đông Kalimantan. Tổng thống Joko Widodo sẽ bổ nhiệm người đứng đầu chính quyền thành phố, và phải được quốc hội thông qua.

Theo Bloomberg , luật mới cho phép dự án dời thủ đô trị giá 34 tỷ USD được tiến hành trước kỳ bầu cử tổng thống năm 2024. Khi mọi công đoạn được hoàn tất, Indonesia sẽ là quốc gia thứ ba trong Đông Nam Á dời đô, sau Malaysia và Myanmar.

Theo Tổng thống Widodo, việc di dời là cần thiết, vì nó sẽ giảm bớt gánh nặng cho thành phố Jakarta, cũng như đảo Java. Hòn đảo này chiếm khoảng 60% dân số Indonesia, và hơn một nửa các hoạt động kinh tế. Trong khi đó, Kalimantan rộng hơn gấp bốn lần, nhưng chỉ chiếm chưa đến 10% GDP cả nước.

Những tranh luận về việc di dời thủ đô đã tồn tại hàng thập niên. Ông Sukarno - tổng thống đầu tiên của Indonesia, và là người truyền cảm hứng cho ông Widodo - đã đưa ra ý tưởng dời đô về miền Trung Kalimantan vào những năm 1950. Tuy nhiên, ý tưởng này không được thực hiện.

Từ ý tưởng đến hành động

Ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Joko Widodo, kế hoạch di dời được cho là bị phủ quyết ngay lập tức. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi ông Widodo tái đắc cử năm 2019, cùng với một kế hoạch cụ thể, theo Diplomat.

Giấc mộng dời đô của Indonesia

Thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh: Global Government Forum

Có hai lập luận chính cho quyết định dời đô của Indonesia. Thứ nhất, dân số đông khiến Jakarta trở nên quá tải, tắc nghẽn giao thông. Theo số liệu năm 2020 do City Population cung cấp, Mật độ dân số của riêng Jakarta là 15,907 người/km2, trong khi con số này trên toàn lãnh thổ Indonesia là khoảng 151 người/km2. Kalimantan - nơi chính phủ Indonesia dự định xây thủ đô mới - chỉ vỏn vẹn 28 người/km2.

Giấc mộng dời đô của Indonesia

Mật độ dân số đông ở Jakarta và đảo Java (màu đỏ), so với mật độ thưa thớt ở Kalimantan (phía bắc đảo Java, màu xanh lá cây). Ảnh: City Population

Bên cạnh đó, địa hình quá thấp khiến thành phố liên tục chịu những đợt lũ lụt nghiêm trọng. Khoảng 240 km2 đất (trên tổng diện tích 664 km2) của Jakarta được cho là nằm dưới mực nước biển. BBC năm 2018 ước tính đến năm 2050, 95% khu vực Bắc Jakarta có thể bị nhấn chìm hoàn toàn.

Môi trường cũng là một gánh nặng lớn với thủ đô hiện tại của Indonesia. Chất lượng không khí sụt giảm đến mức báo động. Nồng độ bụi PM2.5 của Jakarta gần đây đã đạt mức 18,9 µg/m3, cao hơn gấp bốn lần mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2021 (5 µg/m3).

Vì vậy, với nhiều người, việc dời thủ đô sẽ giúp giảm gánh nặng và rủi ro cho Jakarta - nơi đang là trung tâm hành chính và kinh tế của cả nước. Indonesia có tham vọng xây dựng một thành phố mới thông minh, hiện đại, nhiều cây cối, và là nơi tập trung của những phát kiến công nghệ trong tương lai.

Giấc mộng dời đô của Indonesia

Chất lượng không khí Jakarta nhiều thời điểm đạt mức báo động. Ảnh: Channel News Asia

Chính quyền Indonesia nói rằng họ sẽ bảo tồn những khu rừng lớn ở nơi xây dựng thủ đô mới, đồng thời sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch để giảm thiểu ô nhiễm.

Theo dự kiến, thành phố sẽ sử dụng hoàn toàn nguồn năng lượng sạch, đảm bảo 80% di chuyển bằng phương tiện công cộng, xe đạp, hoặc đi bộ. Đến năm 2030, thành phố sẽ có tuyến cao tốc nối liền sân bay đến cơ quan chính phủ - chỉ mất chưa đầy 50 phút di chuyển, theo Bloomberg.

Một lý do khác nằm ở việc chính phủ muốn mang lại sự phát triển đồng đều trên cả nước, thay vì chỉ riêng đảo Java. Tổng thống Widodo giải thích việc chọn xây dựng thủ đô ở Đông Kalimantan thể hiện tầm nhìn quốc gia về bình đẳng kinh tế và một Indonesia tiên tiến, trong khi vẫn duy trì Jakarta như trung tâm tài chính và thương mại của đất nước.

Do đó, quyết định này chỉ ra chính quyền ông Widodo hiểu rằng mô hình phát triển quốc gia nên được thay đổi từ “Tập trung vào Java” thành “Tập trung vào Indonesia”.

Bất bình đẳng giữa các đảo của Indonesia từ lâu là nguồn cơn cho những lo ngại và căng thẳng, đặc biệt là chính sách lấy đảo Java làm trung tâm cho sự phát triển - vốn bị cáo buộc phân biệt đối xử.

Góc nhìn văn hóa

Vẫn còn đó những nguyên nhân sâu xa, bên cạnh những lý do chủ đạo cho quyết định di dời thủ đô. Nhiều người có thể khó hiểu về quyết định chuyển thủ đô ra khỏi Java của ông Widodo, vì dù gì ông cũng là một người mang tư tưởng chính trị, văn hóa sâu đậm của hòn đảo này.

“Quyết định di dời thủ đô không chỉ đơn thuần là thay đổi địa điểm của phủ tổng thống hay các bộ ngành. Chúng tôi muốn thay đổi văn hóa làm việc, để xây dựng một hệ thống mới - nơi chúng tôi có thể giải quyết và ứng phó nhanh chóng với các mối đe dọa”, Tổng thống Widodo chia sẻ.

Giấc mộng dời đô của Indonesia

Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh: Jakarta Post

Hơn 83% dân số Jakarta theo đạo Hồi, và nhiều Hồi giáo quá khích xuất hiện hơn những tôn giáo còn lại. Những nhóm này thường có xu hướng phô trương quyền lực, thực hiện chính trị đường phố, và đẩy sự thù hận lên những nhóm tôn giáo khác. Điều này thách thức những giá trị lâu đời của quốc gia và quá trình xây dựng nền dân chủ, thậm chí gây áp lực chính trị về phía tổng thống.

Thực tế, các nhóm cực đoan nhận thấy những nơi công cộng ở Jakarta là địa điểm lý tưởng để thu hút sự chú ý của truyền thông, tham gia các hoạt động chính trị trong nước, và lôi kéo người khác bằng cách đem việc lên án những bất công về kinh tế xã hội thành một phần trong quan điểm của đạo Hồi.

Vì vậy, với ông Widodo - người mang tham vọng chống lại chủ nghĩa cực đoan - sẽ muốn dời thủ đô khỏi Jakarta. Theo đó, các nhóm cực đoan sẽ ít nhận được sự ủng hộ ở khu vực mới. Ngược lại, họ từng vấp phải sự phản đối từ người dân ở Kalimantan.

Như một nghịch lý, nhận thức văn hóa về vị trí mà ông Widodo có được trong những năm tháng ở Java lại thúc đẩy ông dời đô khỏi hòn đảo này. Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Widodo nói rằng việc xây dựng thủ đô mới ở Kalimantan có ý nghĩa chiến lược. Khu vực này nằm ở trung tâm của Indonesia, và gần với các khu đô thị.

Theo nhà triết học người Indonesia Franz Magnis-Suseno, vị trí chính là yếu tố quyết định trong thế giới quan của vị tổng thống người Java. Do vậy, tình trạng bất ổn, rối loạn, và xung đột, là những tác nhân chứng minh thủ đô nằm “sai vị trí”.

Nói cách khác, niềm tin vào việc chọn “đúng vị trí” có thể là một trong những cơ sở đằng sau quyết định dời đô của ông Widodo.

Những năm gần đây, đảo Java, đặc biệt là Jakarta, luôn tồn tại những căng thẳng, xung đột, và thù hận đẫm máu. Ngay ở thời điểm ông Widodo tái đắc cử năm 2019, đã có 6 người chết trong cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử.

Do đó, những hoạt động chống đối của các nhóm quá khích ở trung tâm Jakarta đã thúc đẩy chính phủ hiện tại biến một ý tưởng kéo dài hàng thập kỷ thành hành động cụ thể: Không chỉ dời thủ đô khỏi Jakarta, mà là ra khỏi đảo Java.

Dù vậy, những cơ sở, luận điểm khoa học ban đầu vẫn là lý do chính cho việc di dời thủ đô, hơn là nhận thức về văn hóa.

Nỗi lo về môi trường

Dù Nusantara được quy hoạch để trở thành thành phố thân thiện với môi trường, có nhiều lo ngại dự án hàng chục tỷ USD này sẽ đe dọa đến một trong những khu rừng nhiệt đới lâu đời nhất thế giới.

Các nhà phê bình nói rằng dự luật đã được thông qua vội vàng, không tham vấn công chúng rộng rãi, cũng như không đánh giá chi tiết các đe dọa đối với môi trường.

Giấc mộng dời đô của Indonesia

Tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo - nơi sẽ xây dựng thủ đô mới Nusantara. Ảnh: Nikkei Asia

Nhiều nhà hoạt động môi trường lo ngại việc di dời sẽ phá hủy những cánh rừng - môi trường sống quan trọng của các loài động vật hoang dã nhiệt đới, bao gồm những cá thể đười ươi còn sót lại.

Tình trạng ô nhiễm ở Kalimantan đã tăng cao do hoạt động khai thác than, ngành công nghiệp dầu cọ, và những vụ cháy rừng trên diện rộng. Điều này gây khó khăn cho các cộng đồng ở địa phương - những người sống dựa vào những khu rừng.

Ngoài ra, giữa những người di cư và người bản địa thường xuyên có những xung đột ở các vùng thưa thớt, cùng với đó việc chiếm đất ngày càng tăng, theo Diplomat.

Các nhà môi trường cảnh báo rằng việc di dời thủ đô cần phải được thực hiện cẩn thận, nếu không sẽ tiếp tục hủy hoại môi trường khác, sau khi rời khỏi Jakarta - vốn đã bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Với kế hoạch dời thủ đô đầy tham vọng, Tổng thống Joko Widodo được cho là muốn ghi dấu ấn trong trang sử của Indonesia hiện đại, với tư cách người bảo vệ các giá trị cốt lõi của quốc gia, sự đa dạng xã hội, cũng như trở thành nhà lãnh đạo đưa nền kinh tế của toàn bộ bán đảo tăng trưởng và phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Theo Zing

Đọc thêm

Phá mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Phá mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Cảnh sát tại nhiều nước châu Âu đã bắt giữ 43 người và thu giữ 520 triệu euro (547 triệu USD) trong cuộc điều tra của Văn phòng Công tố châu Âu (EPPO) và cảnh sát Italy về hành vi trốn thuế giá trị gia tăng (VAT) thông qua rửa tiền cũng như điều tra các hoạt động tội phạm có tổ chức.
Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Chính phủ Mexico hôm 12/11 (giờ địa phương) cho biết đã bắt giữ hơn 3.015 đối tượng và tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong các chiến dịch truy quét tội phạm được triển khai kể từ khi Tổng thống Claudia Sheinbaum nhậm chức ngày 1/10 đến nay.
Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.