Điều gì khiến ta mãi nhớ về “Titanic”?

Ta có thể bắt gặp hình ảnh rất dễ thương của các cặp đôi sau khi xem xong “”Titanic“” suất chiếu muộn, như các anh chàng thường phải vừa vỗ về, vừa dìu người yêu đang khóc òa ra khỏi phòng chiếu. Trở lại rạp sau 25 năm dưới định dạng 3D, tác phẩm kinh điển của đạo diễn James Cameroon vẫn cho thấy sức hút không hề bị thời gian bào mòn.

Điều gì khiến ta mãi nhớ về “Titanic”?

Poster Titanic ngày trở lại.

Khi nhìn lại top 5 những phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại, ta chợt nhận ra Titanic là phim lãng mạn duy nhất có mặt trong bảng xếp hạng này. Điều đó dấy nên một câu hỏi, phải chăng chúng ta đã xem hàng tá phim bom tấn thiếu đi yếu tố lãng mạn trong suất 25 năm qua?

Điều gì khiến ta mãi nhớ về Titanic?

Khi nhắc đến phim của James Cameroon, ta thường nghĩ ngay đến những chủ đề có quy mô lớn, đi trước thời đại như quái vật trong Alien, những cỗ máy hủy diệt do con người tạo ra trong Terminator, những vấn đề về môi trường được thể hiện qua hành tinh Pandora trong chuỗi phim Avatar hay vụ đắm tàu tai tiếng nhất lịch sử trong Titanic.

Đó chính xác là thương hiệu của James Cameron – người tạo ra thế giới trong điện ảnh, song ở một góc độ nhất định, điều người ta nhớ về vị đạo diễn này thực chất là “chủ đề” mà ông gợi lên hay “thế giới” do ông tạo ra chứ không hẳn là “câu chuyện”, “nhân vật” hay nói bao quát hơn, là bản thân bộ phim của ông.

Và khi đặt Titanic trong hạng mục “bom tấn”, ta nhận ra khác biệt rất cơ bản so với những phim còn lại: Nó đặt trọng tâm vào yếu tố lãng mạn, nó kể một chuyện tình đẹp và buồn, kết nối trực tiếp đến trái tim người xem thay vì chỉ đơn thuần làm thỏa mãn trải nghiệm nghe và nhìn.

Nhắc đến Titanic là nhắc đến Jack và Rose, được thể hiện qua diễn xuất trác tuyệt của cặp đôi màn ảnh Leonardo DiCarpio và Kate Winslet cùng những phân cảnh, lời thoại kinh điển, kèm theo ca khúc My Heart Will Go On qua giọng ca của Celine Dion. Chính câu chuyện được xây dựng có chiều sâu, có sức chạm mạnh mẽ, chính mối tình bất diệt vượt lên thời gian, nghịch cảnh và cái chết, đã khiến chúng ta luôn muốn trở lại với bộ phim để sống lại cảm giác được làm “vua của cả thế giới” và được tung cánh giữa đại dương bao la cùng cặp đôi “iconic” của điện ảnh thế giới.

Điều gì khiến ta mãi nhớ về “Titanic”?

Hình ảnh Jack và Rose đi vào lịch sử điện ảnh đương đại.

Trong cuộc trò chuyện với tờ El Pais (Tây Ban Nha), James Cameron chia sẻ rằng mặc dù doanh thu là yếu tố quan trọng, ông không làm ra phim Titanic với tham vọng càn quét phòng vé thế giới.

Titanic, hơn cả một phim bom tấn về sự kiện chấn động lịch sử, là tác phẩm chứa đựng tình yêu chân thành của James Cameron và nó đã thành công chiếm được chỗ đứng vững chắc trong trái tim của khán giả.

Titanic là phim rất cá nhân của James Cameron

“Không phải lúc nào ta cũng được chứng kiến cảnh tượng này”. Câu thoại, cũng là một câu cảm thán của nhân vật quý bà Margaret Brown khi ở trên thuyền cứu hộ, chứng kiến cảnh tượng con tàu nặng nghìn tấn Titanic - một trong những kỳ quan vĩ đại nhất do bàn tay con người tạo ra - dần vỡ vụn và chìm xuống đáy biển, dường như đã khái quát tầm nhìn của James Cameron khi thể hiện sự sụp đổ của Titanic ở nửa sau phim.

Dựa trên tính toán khoa học, phim đã tái hiện lại với độ chính xác từ đầu đến cuối quá trình thảm họa đắm tàu Titanic. Thậm chí James Cameron còn chu đáo đến mức dành hẳn một phân đoạn ở đầu phim để giải thích khái quát, giúp người xem dễ hình dung hơn.

Cái hay là ông không bị cuốn hoàn toàn vào việc tái hiện. Ta có thể thấy rõ quan điểm của nhà làm phim trong cách ông dựa vào tình huống, bối cảnh để nêu ra quan điểm về bản chất con người, về vấn đề giai cấp, về tình yêu, về sự sống và cái chết.

Phân đoạn các nhạc công vẫn bình tĩnh hoàn thành bản nhạc cuối cùng, cũng là bản nhạc hay nhất mà họ từng chơi khi xung quanh người người vẫn toán loạn tìm đường sống trông thì rất điêu nhưng lại có giá trị thẩm mỹ rất cao và hết sức cá nhân đến từ James Cameron. Chi tiết đó đã làm cho bầu không khí hỗn loạn từ trước bỗng dưng dịu lại và nên thơ, hợp lý một cách khó hiểu, cũng vừa là cho khán giả một quãng để thở, để chiêm nghiệm.

Xem Titanic, ta cảm thấy được hơi thở của James Cameron trong từng khung hình, cảm nhận được cách mà ông quan sát, nghiên cứu và thấu hiểu về con tàu cũng truyền tải tinh thần của nó bằng thứ ngôn ngữ điện ảnh chân thành và có tính duy mỹ. Chúng ta đều biết đến con tàu Titanic, nhưng nhờ Titanic của James Cameron, chúng ta mới thật sự hiểu về nó.

Tính cá nhân của tác giả là điều gần như không còn tồn tại ở các phim bom tấn về sau này. Hầu như tất cả đều là phim thương hiệu, là một phần của chuỗi phim, được đầu tư khủng để phục vụ tốt nhất trải nghiệm nghe nhìn và cũng là để bành trướng thế giới thương hiệu, tạo tiền đề cho những phần tiếp theo.

Thật sự nhàm chán nếu khi năm này qua năm khác ta cứ phải gặp lại Dominic Toretto chiến đấu cùng gia đình trong chuỗi phim Fast hay hãng Marvel cứ lặp đi lặp lại công thức cũ để giới thiệu những siêu anh hùng mới, mờ nhạt và lạc quẻ?

Điện ảnh thế giới cần những bom tấn độc lập, khán giả cần được tiếp xúc với những khung bậc cảm xúc mới lạ hơn thay vì quanh đi quẩn lại với hành động cháy nổ. Tuy nhiên thử nghiệm điều gì đó mới luôn là một canh bạc với các hãng phim.

Sau 25 năm chúng ta vẫn chờ đợi một Jack và Rose mới xuất hiện? Sau 25 năm vẫn chưa có một bom tấn nào khiến ta phải bồi hồi, day dứt và không ngừng nghĩ về nó như Titanic đã từng? Liệu trong tương lai chúng ta được gặp được một bom tấn lãng mạn như Titanic?

Theo Tiền Phong

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast