Giảm thời lượng nhiều môn học, hướng nghiệp được nhấn mạnh

GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới - lý giải 2 thay đổi đáng chú ý nhất trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, đó là giảm thời lượng nhiều môn học và nhấn mạnh đến tính chất hướng nghiệp ở bậc THCS.

Chỉ quy định cho trường có thời lượng học trung bình

Việc giảm giờ học trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, theo GS Nguyễn Minh Thuyết là để phù hợp với thực tế của các trường hiện nay.

Lý do, bởi hiện nay, học sinh chỉ có 6 buổi/ngày ở cấp THPT và THPT với tối đa 5 tiết/ngày. Tuy nhiên, nếu ngày nào cũng học 5 tiết sẽ hết sức căng thẳng.

Chương trình hiện hành, nếu cộng lại ở THPT, có những lớp học sinh phải học đến 33 tiết rưỡi 1 tuần. Trên thực tế không thể có thời gian, vật chất để học như vậy được.

Do đó, chương trình mới phải căn cứ vào giờ học của học sinh. Phải xây dựng một chương trình làm sao vừa đảm bảo cho các trường dạy học ít buổi trên tuần thực hiện được các nội dung giáo dục cốt lõi bắt buộc; đồng thời tạo điều kiện cho các trường có nhiều thời lượng học tập hơn phát triển được năng lực của mình.

"Quy định về thời lượng học trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là áp dụng cho các trường có thời lượng học tập trung bình.

Các trường có điều kiện dạy học cả ngày có thể sử dụng thời lượng giáo dục tăng thêm so để hướng dẫn học sinh tự học, dạy học các môn học tự chọn, tổ chức phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, tăng cường các hoạt động hướng nghiệp, giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống, hoạt động xã hội tại địa phương, hoạt động tập thể, văn nghệ, thể thao…" - GS Nguyễn Minh Thuyết nói rõ.

Giáo dục hướng nghiệp không làm thay chức năng của giáo dục nghề nghiệp

Liên quan đến sự thay đổi nhấn mạnh tính chất hướng nghiệp của cấp học THCS, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, đây là yêu cầu của Nghị quyết 29, Nghị quyết 88 của Quốc hội.

Nghị quyết của Đảng cũng như của Quốc hội xuất phát từ tình hình thực tế là đào tạo nhân lực của chúng ta hiện nay không cân đối. Số tốt nghiệp đại học quá nhiều, trong khi công nhân và trung cấp kỹ thuật còn ít. Để có nhân lực cân đối, giáo dục phổ thông phải góp phần bằng cách thực hiện giáo dục hướng nghiệp từ THCS.

Nhận định giáo dục hướng nghiệp ở trường THCS hiện không đạt được yêu cầu như mong muốn, GS Nguyễn Minh Thuyết làm rõ:

Giáo dục hướng nghiệp hiện nay thực hiện theo Nghị quyết 126CP của Hội đồng Chính phủ năm 1981 và có 4 hình thức hướng nghiệp, đó là: dạy hướng nghiệp qua các môn văn hóa; dạy học hướng nghiệp qua dạy nghề phổ thông; qua các hoạt động hướng nghiệp hay sinh hoạt hướng nghiệp; dạy hướng nghiệp qua hoạt động tham quan, tham gia lao động sản xuất.

Hai hình thức là sinh hoạt hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông không thành công, vì sinh hoạt hướng nghiệp không có giáo viên chuyên trách mà thường giao cho giáo viên chủ nhiệm; trong khi đó giáo viên chủ nhiệm không đủ khả năng dạy vì giáo dục hướng nghiệp rất phong phú ngành nghề.

Dạy nghề phổ cũng vậy, trường phổ thông không có đủ người dạy và trang thiết bị để làm việc này. Các nghề cũng cũng không phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Nên trong chương trình giáo dục mới, chúng tôi cho rằng, giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông không thay thế giáo dục nghề nghiệp, không làm thay chức năng của giáo dục nghề nghiệp. Mà giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông nhằm 3 mục đích:

Thứ nhất: cung cấp thông tin các ngành nghề chính, về thị trường lao động cho học sinh;

Thứ 2: Giúp học sinh tự đánh giá năng lực, sở thích, điều kiện của bản thân;

Thứ 3: Từ 2 cơ sở trên, giúp học sinh xác định hướng phát triển của mình sau THCS, hoặc tham gia lao động sản xuất, tham gia học nghề hoặc tiếp tục học lên THPT để vào ĐH, CĐ.

"Trong chương trình quy định rõ, một số môn có lợi thế phải có học phần và có chủ đề về giáo dục hướng nghiệp; môn học đã quy định thì SGK phải viết và giáo viên phải dạy" - GS Nguyễn Minh Thuyết trao đổi.

Theo Báo GD&TĐ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói