Phú Đức giành vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia 2024

Với 220 điểm, Phú Đức (học sinh Trường THPT Chuyên Quốc học, Thừa Thiên - Huế) là nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 24.

Võ Quang Phú Đức (học sinh Trường THPT Chuyên Quốc học, Thừa Thiên - Huế) là nhà vô địch đường lên đỉnh Olympia 2024 - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Võ Quang Phú Đức (học sinh Trường THPT Chuyên Quốc học, Thừa Thiên - Huế) là nhà vô địch đường lên đỉnh Olympia 2024 - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Sáng 13-10, 4 nhà leo núi gồm Trần Trung Kiên (học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong, Phú Yên), Nguyễn Quốc Nhật Minh (học sinh Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Gia Lai), Võ Quang Phú Đức (học sinh Trường THPT Chuyên Quốc học, Thừa Thiên - Huế), Nguyễn Nguyên Phú (học sinh Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm, Hà Nội) bước vào tranh tài gay cấn tại vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24.

Bên cạnh chiếc vòng nguyệt quế danh giá được mạ vàng 18K, quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24 nhận được giải thưởng trị giá 50.000 USD, cơ hội du học. Các thí sinh về Nhì và Ba lần lượt nhận giải thưởng trị giá 200 và 100 triệu đồng.

Đây là lần thứ 3 ngôi vô địch Đường lên đỉnh Olympia về với xứ Huế, vào các năm 2009, 2016 và 2024.

Sau khi Ban tổ chức công bố nhà vô địch, rất nhiều các thầy cô giáo, khán giả đã chia vui với nhà vô địch thứ 24 của Olympia Phú Đức. Chia sẻ với báo chí, Phú Đức bày tỏ niềm vui mừng, hạnh phúc.

Đức nói trong suốt chương trình chung kết, mọi thứ đều ổn và em đã giữ tâm lý ổn định.

Trả lời câu hỏi về bí quyết giúp vô địch, Phú Đức nói đó chính là "sự gan lì và thông minh". Sự thông minh theo Đức thể hiện ở khoảnh khắc quyết định ngôi vô địch. Trả lời câu hỏi về thời điểm căng thẳng nhất, Đức nêu rõ là thời điểm Nguyên Phú cách mình 20 điểm. Đây là "tình thế" em đã từng gặp ở trong quý 3 nên đã có kinh nghiệm.

Cuộc 'leo núi' gay cấn

Trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2024 bắt đầu với phần thi đầu tiên Khởi động. Mỗi thí sinh sẽ có 6 câu hỏi đầu tiên. Trước khi bước vào phần thi, cả 4 thí sinh đã chia sẻ về quyết tâm mang đến những không khí sôi động, quyết tâm, tinh thần kiên cường.

Ở lượt thi đầu tiên, là người trả lời 6 câu hỏi đầu tiên, Nguyên Phú dành được 40 điểm. Người tiếp theo tham gia phần thi là Nhật Minh đã dành được 20 điểm.

Thí sinh tham gia phần thi khởi động thứ 3 là Phú Đức đã dành tối đa 60 điểm trong phần thi này. Là thí sinh cuối tham gia phần thi khởi động, Trung Kiên dành được 40 điểm.

Sau lượt thi thứ 2, lần lượt điểm số của các thí sinh đã có thay đổi, cụ thể, Nguyên Phú 45 điểm, Nhật Minh 15 điểm, Phú Đức 75 điểm, và Trung Kiên 50 điểm.

Như vậy, sau phần thi khởi động, Phú Đức đang tạm thời dẫn đầu với 75 điểm.

Các thí sinh tiếp tục với phần thi Vượt chướng ngại vật, chương trình đưa ra thử thách với 7 chữ cái.

Là người tham gia trả lời đầu tiên, Nguyên Phú chọn hàng ngang thứ 2 song Phú Đức là người đã bấm chuông giành quyền trả lời ngay khi chưa có bất cứ gợi ý nào.

Phú Đức đã xuất sắc nhất khi đưa ra câu trả "Net-Zero" và lý giải Net-Zero đang là nỗ lực chung của đất nước chúng ta cũng như thế giới hướng đến mức phát thải dòng bằng 0 (Net-Zero) vào năm 2050.

Qua phần trả lời này, Phú Đức có thêm 80 điểm, nâng tổng số của em lên 155 điểm, tạm thời dẫn đầu.

Các thí sinh tiếp tục phần thi Tăng tốc. Ở câu hỏi đầu tiên, cả 4 cùng đưa ra câu trả lời là "4 tại chỗ", trong đó Phú Đức và Trung kiên phải sử dụng bảng viết tay do gặp trục trặc về máy móc.

Các bạn đều giành điểm: Nhật Minh nhanh nhất, được 40 điểm; Nguyên Phú 30, Phú Đức 20 và Trung Kiên 10.

Ở câu hỏi thứ 2 đưa ra yêu cầu các thí sinh sắp xếp các bức tranh với năm diễn ra sự kiện lịch sử. Trong đó, Phú Đức trả lời nhanh nhất được thêm 40 điểm.

Ở câu hỏi thứ 3, các thí sinh được yêu cầu tìm từ khóa trong mật mã gồm nhiều chữ cái và biểu tượng. Có 2 thí sinh đưa ra câu trả lời ở những giây cuối nhưng đáp án không đúng. Bởi đáp án chính xác "điểm tựa". Các không có thí sinh nào dành được điểm.

Trải qua phần thi này, Nhật Minh có 85 điểm, Nguyên Phú 105 điểm, Trung Kiên 120 điểm và Phú Đức tạm dẫn đầu 235 điểm.

Phú Đức liên tục dẫn đầu chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2024

Hình ảnh tại điểm cầu Thừa Thiên Huế cổ vũ cho Võ Quang Phú Đức - Ảnh: TRẦN THIỆN
Hình ảnh tại điểm cầu Thừa Thiên Huế cổ vũ cho Võ Quang Phú Đức - Ảnh: TRẦN THIỆN

Bước vào vòng thi Về đích, vòng thi cuối cùng, Phú Đức - người tạm dẫn đầu là thí sinh đầu tiên bước lên chọn gói câu hỏi. Đức dành lời cảm ơn quảng trường Ngọ Môn đã cổ vũ cho bạn. Đức chọn gói câu hỏi 60 điểm.

Tại câu hỏi đầu tiên Đức đã trả lời đúng tên gọi của 4 tàu tên lửa Gepard của Việt Nam là Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Quang Trung, Trần Hưng Đạo và dành 20 điểm. Ở câu hỏi thứ 2, Đức trả lời sai.

Ở câu hỏi thứ 3, Đức không chọn ngôi sao hy vọng và tiếp tục trả lời sai về tên gọi một loài cây trong bài thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa ở Trường Sa. Nguyên Phú bấm chuông trả lời đúng về "cây bão táp" và dành 20 điểm. Kết thúc phần thi này, Phú Đức có 235 điểm.

Thí sinh Nguyên Phú trong phần thi về đích - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Thí sinh Nguyên Phú trong phần thi về đích - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Bước vào vòng thi về đích, Nguyên Phú đã dành lời cảm ơn tới gia đình, thầy cô và các bạn. Bạn nói nếu hôm nay không mang về được chiến thắng thì các thế hệ sau sẽ làm tốt hơn, mang về chiến thắng.

Nguyên Phú chọn gói câu hỏi 20 - 30 - 20 điểm. Ở câu hỏi đầu tiên Phú đã trả lời đúng về tài nguyên "Liti" dành về 20 điểm. Đây là loại tài nguyên quan trọng trong ngành sản xuất pin cho xe điện.

Ở câu hỏi thứ 2, Phú trả lời sai nên bỏ lỡ cơ hội ghi điểm và bị trừ 15 điểm.

Ở câu cuối, Phú chọn ngôi sao hy vọng và khi MC Khánh Vy hô to "Chuyên Sư phạm tự hào về em", nam thí sinh đã dành 40 điểm, với câu trả lời đúng về "hiện tượng siêu dẫn". Kết thúc phần thi này, Nguyên Phú có 185 điểm.

Là thí sinh thứ 3 bước vào vòng thi về đích, Trung Kiên bày tỏ cảm ơn chân thành các cổ động viên ở Phú Yên đã cổ vũ nhiệt tình cho bạn.

Nguyễn Quốc Nhật Minh (học sinh Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Gia Lai) trong phần thi về đích - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Nguyễn Quốc Nhật Minh (học sinh Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Gia Lai) trong phần thi về đích - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Kiên chọn gói câu hỏi 30 - 20-30. Ở câu hỏi đầu tiên về lịch sử liên quan đến sân bay đầu tiên được xây dựng ở Tuyên Quang, Kiên đã trả lời đúng là "sân bay Lũng Cò" và xuất sắc dành 30 điểm.

Ở câu trả lời thứ 2, khi Trung Kiên tự tin vào câu trả lời "lưu huỳnh" thì MC Khánh Vy đã hô lớn "xuất sắc quá Trung Kiên" và em dành thêm 20 điểm.

Ở câu hỏi thứ 3 bằng tiếng Anh, Kiên đã chọn ngôi sao hy vọng. Tuy nhiên, Kiên trả lời không đúng.

Thí sinh Trần Trung Kiên (học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong, Phú Yên) - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Thí sinh Trần Trung Kiên (học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong, Phú Yên) - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Nguyên Phú sau đó đã nhanh chóng bấm chuông trả lời đúng câu hỏi về "IUU fishing" - đánh bắt cá trái phép và giành được 30 điểm.

Từ đó, nâng tổng số điểm Phú dành được là 215 điểm. Không khí trường quay đang rất sôi động, khi Nguyên Phú đang cách Phú Đức - thí sinh tạm dẫn đầu 20 điểm. Kết thúc phần thi này, Trung Kiên có số điểm là 125 điểm.

Nhật Minh là thí sinh cuối tham gia phần thi về đích. Trước khi bước vào phần thi, theo thông tin Nhật Minh sẽ được tặng 1 chiếc áo từ câu lạc bộ bóng đá Manchester United.

Minh chọn gói câu hỏi 20 - 20 - 30 điểm. Ở câu hỏi đầu tiên về các câu thơ được Trần Huy Liệu viết ca ngợi người anh hùng, Minh đã trả lời sai.

Sau đó, Trung Kiên đã nhanh chóng bấm chuông và trả lời đúng về nhân vật Phạm Hồng Thái, đồng thời, dành 20 điểm.

Ở câu hỏi thứ 2, về dự kiến tốc độ thiết kế đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Nhật Minh đã nhanh chóng trả lời đúng là 350km/h, dành 20 điểm.

Với câu hỏi cuối cùng, Nhật Minh tiếp tục không chọn ngôi sao hy vọng. Tuy nhiên, Minh không đưa ra câu trả lời. Phú Đức bấm chuông trả lời sau đó nhưng cũng đưa ra câu trả lời không đúng.

Kết thúc phần thi này, Nhật Minh dành 85 điểm. Dù đưa trả lời câu trả lời không đúng, bị trừ 15 điểm nhưng Phú Đức vẫn dành 220 điểm và chính thức dành ngôi vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2024.

Ông Nguyễn Phi Hùng (cậu ruột của Phú Đức) cho hay gia đình có anh và anh trai của Đức là Võ Quang Nhật ra trường quay, còn bố mẹ theo dõi chương trình ở Huế. Anh Hùng chia sẻ cảm thấy rất hạnh phúc khi Đức giành giải quán quân năm nay.

Theo anh, khoảnh khắc anh cảm thấy lo lắng nhất là khi Phú Đức và Nguyên Phú cách nhau chỉ 20 điểm. "Nhưng tất cả đều tin tưởng vào khả năng của cháu và Đức đã làm được. Rất hạnh phúc", anh Hùng cười lớn và bày tỏ cảm ơn tới khán giả cả nước, các thầy cô, bạn bè đã cổ vũ, động viên Đức.

tuoitre.vn

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.
Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.