Luồng gió mới trong hoạt động giáo dục mầm non ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Sau gần 3 năm thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, các trường học ở Hà Tĩnh đã có sự thay đổi rõ nét từ môi trường giáo dục đến phương pháp nuôi, dạy trẻ.

Buổi chuyên đề về “Đổi mới phương pháp giảng dạy, chăm sóc nuôi dưỡng, kiểm định chất lượng trong giáo dục mầm non” của thị xã Kỳ Anh thu hút đông đảo sự tham gia của đội ngũ cán bộ quản lý, các giáo viên mầm non trên địa bàn.

11-6351.png
Tiết dạy: Vẽ tranh chiếu bóng của cô Nguyễn Thị Hằng - giáo viên Trường Mầm non Kỳ Liên (thị xã Kỳ Anh).

Thông qua những tiết dạy sáng tạo và giàu tính ứng dụng như: cách làm máy lọc nước mini, làm quen chữ cái, cảm thụ âm nhạc… đã tạo cơ hội cho các giáo viên hiểu thêm về cách tổ chức hoạt động giáo dục, đồng thời trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những khó khăn và cách giải quyết khi áp dụng vào thực tế giảng dạy tại trường. Qua đó, giáo viên hiểu rõ hơn về các phương pháp giảng dạy mới, phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ trong thời đại số.

Cô Nguyễn Thị Tường Vân - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Kỳ Anh cho biết: “Việc đổi mới phương pháp giảng dạy, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, cùng với sự hỗ trợ của công nghệ số là xu thế tất yếu, góp phần tạo nên một môi trường giáo dục toàn diện, hiện đại và hiệu quả hơn cho trẻ em. Đây là một hoạt động chuyên môn quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và chăm sóc trẻ mầm non trên địa bàn".

19-7140.jpg
Môi trường giáo dục tại các trường mầm non ngày càng được cải thiện. (Ảnh chụp tại Trường Mầm non Sơn Lộc - Can Lộc).

Sinh hoạt chuyên đề cũng nhận được nhiều ý kiến thảo luận, đánh giá và phản hồi tích cực. Tất cả cho thấy, sự thành công của chương trình trong việc nâng cao năng lực chuyên môn và khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo trong giáo dục mầm non của các giáo viên.

Cô giáo Nguyễn Thị Hằng - giáo viên Trường Mầm non Kỳ Liên (thị xã Kỳ Anh) chia sẻ: “Đến với buổi sinh hoạt chuyên đề bằng tiết học “Vẽ tranh chiếu bóng”, tôi mong muốn tạo ra một sân chơi nghệ thuật đầy sáng tạo và mới mẻ, giúp trẻ tự do thể hiện ý tưởng và phát huy khả năng tưởng tượng của mình. Không riêng tôi mà với các giáo viên, những nỗ lực đổi mới phương pháp cũng chỉ một mục đích là khơi dậy sự hứng thú, tính chủ động sáng tạo, góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện”.

15-8845.jpg
Qua sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh Trường Mầm non Sơn tây (Hương Sơn) phát huy khả năng sáng tạo trong mỗi giờ học.

Tại Trường Mầm non Sơn Tây (Hương Sơn), việc thực hiện nội dung: xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm cũng đã mang đến luồng gió mới, tạo nên sự chuyển biến trong suy nghĩ, hành động của mỗi giáo viên.

Cô Nguyễn Thị Thu Hương – Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Tây cho biết: “Việc đổi mới, nâng cao chất lượng GD&ĐT xây dựng trường mầm non an toàn, hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm được bắt đầu từ những giờ học và các hoạt động trải nghiệm trong và ngoài nhà trường. Các hoạt động được tổ chức gắn với các sự kiện, ngày lễ, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, tạo sự đồng thuận của phụ huynh. Hiệu quả của sự đổi mới không chỉ được phản ánh rõ nét qua kết quả chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ những kiến thức đầu đời, rèn kỹ năng sống, mà còn gieo vào lòng trẻ những giá trị tốt đẹp, những hành động, việc làm về tình yêu thương, tình đoàn kết, sự chia sẻ, lòng kiên nhẫn và cả những kỷ niệm đẹp của thơ”.

17-7066.jpg
Giờ học ngoài trời của học sinh Trường Mầm non Sơn Lộc.

Tại Trường Mầm non Sơn Lộc (Can Lộc), việc triển khai chuyên đề giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đã được cụ thể hóa vào nhiệm vụ năm học. Theo đó, với sự chỉ đạo của phòng GD&ĐT, sự quan tâm của chính quyền địa phương và nỗ lực của giáo viên, phụ huynh, môi trường học tập ngày càng đổi mới. Đó là việc xây dựng môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học, tu sửa lại các hạng mục về cơ sở vật chất, đồ dùng đồ chơi, chỉnh trang, cắt tỉa bồn hoa, cây cảnh, trang trí lớp, các khu trải nghiệm, làm vườn. Mỗi góc lớp, mảng tường, góc cầu thang đều được các cô tận dụng trang trí theo các chủ đề mở để tạo thành các góc học tập, vui chơi, giúp trẻ phát triển năng khiếu, sở trường… Bếp ăn bán trú cũng được xây dựng theo mô hình 1 chiều, thực đơn phong phú, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chế độ dinh dưỡng cho trẻ.

18-5231.jpg
Mỗi khoảng sân, góc lớp đều trở thành nơi học tập của các em.

Cô Hoàng Thị Khiêm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Lộc cho biết: “Với sự chung tay, góp sức của các bậc phụ huynh, năm học vừa qua, chúng tôi huy động gần 500 triệu đồng cho việc bổ sung, nâng cấp cảnh quan môi trường, lớp học, đồ dùng, đồ chơi đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy. Trường học khang trang sạch đẹp đã mang đến một khí thế mới, niềm hạnh phúc cho giáo viên, học sinh trong mỗi buổi đến trường. Đó cũng là động lực để đội ngũ cán bộ, giáo viên phát huy tâm huyết, trách nhiệm trong giáo dục, chăm sóc và nuôi dạy trẻ”.

Đến thời điểm hiện tại, việc triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025 do Bộ GD&ĐT triển khai đã thực sự lan tỏa và phát huy hiệu quả ở tất các các trường mầm non trên địa bàn Hà Tĩnh, từ đó góp phần tạo môi trường học tập chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của xã hội đối với việc chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non.

Từ kế hoạch của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã ban hành kế hoạch triển khai chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, đồng thời, ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo việc thực hiện chuyên đề một cách sâu rộng, hiệu quả. 100% giáo viên mầm non đã chủ động lựa chọn các nội dung để xây dựng kế hoạch phát triển chương trình giáo dục mầm non phù hợp với trẻ và điều kiện của lớp, của trường; linh hoạt trong áp dụng các phương pháp đổi mới để tổ chức các hoạt động giáo dục; tăng cường tổ chức hoạt động thực hành trải nghiệm giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Từ việc triển khai chuyên đề của ngành, cảnh quan, diện mạo của các trường mầm non ngày càng thay đổi, đến tháng 10/2024, toàn tỉnh có 185 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 79 %, tăng 1,2 % so với năm 2023 (toàn quốc tỉ lệ 59,8%).

Cô Lưu Thị Phương

Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD&ĐT

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.
Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.