Sáng 26/8, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 cấp học giáo dục mầm non.
Năm học 2023-2024, tổng số trẻ đến cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) là: 75.993, đạt tỉ lệ 65,5%, tăng 1,1% so với năm học 2022-2023; trong đó, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường đạt 100%. Đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 185 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 79% (tăng 1,2 % so với năm học 2022-2023), trong đó, có 96 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, 89 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Cơ sở vật chất trường lớp ngày càng được quan tâm đầu tư. Năm học 2023-2024, các địa phương xây mới 136 phòng học, 81 phòng phục vụ học tập, 29 bếp ăn; môi trường trong lớp và ngoài trời tại các cơ sở GDMN cơ bản xanh, sạch, đẹp, an toàn; 100% cơ sở GDMN có môi trường giáo dục phù hợp các chủ đề, có tính sáng tạo, hấp dẫn, được xây dựng theo hướng mở; các trường mầm non của 13/13 huyện, thị xã, thành phố được xây dựng theo đúng quy hoạch.
Chất lượng hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em ngày càng được nâng cao. Các cơ sở giáo dục mầm non đều thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Sở GD&ĐT về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích và phòng chống bạo hành trẻ em; xây dựng phương án phòng chống rét, nắng nóng và phòng chống các bệnh truyền nhiễm; huy động lắp thêm quạt, điều hòa trong phòng học của trẻ. 100% cơ sở đã phối hợp tốt với các trạm y tế xã, phường tổ chức khám sức khỏe, đo chiều cao, cân nặng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ, theo dõi sức khỏe, đánh giá sự tăng trưởng bằng biểu đồ; 100% cơ sở giáo dục mầm non tổ chức cho trẻ ăn bán trú.
Thời gian qua, các cơ sở giáo dục mầm non cũng đã chủ động nghiên cứu, học hỏi, lựa chọn áp dụng một số phương pháp giáo dục tiên tiến như STEAM, Montessori trong đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục. Chất lượng, việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngày càng được quan tâm và nâng cao. Công tác xã hội hóa và hội nhập quốc tế ngày càng được đẩy mạnh.Trong năm học, các cơ sở giáo dục mầm non đã huy động được hơn 100 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa để tăng cường cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị, đồ dùng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng đã thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế trong năm học 2023 – 2024, từ đó đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2024 – 2025 như: Đổi mới công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường theo hướng tăng quyền tự chủ; tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục mầm non; phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
Nâng cao chất lượng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; phấn đấu tỉ lệ trẻ nhà trẻ đến cơ sở giáo dục mầm non tăng ít nhất 4%, trẻ đến các cơ sở ngoài công lập tăng ít nhất 2% .
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Nguyệt biểu dương những thành tích mà giáo dục mầm non đã đạt được trong năm học qua.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Giám đốc Sở GD&ĐT đề nghị các địa phương, các trường chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ, lựa chọn các nội dung trọng tâm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng địa phương; rà soát, sắp xếp hệ thống trường mầm non một cách phù hợp, nhất là đối với các địa phương thực hiện sắp xếp địa giới hành chính; thực hiện nghiêm việc xây dựng trường học an toàn, hạnh phúc, phòng, chống tai nạn thương tích; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của bếp ăn bán trú.
Xây dựng môi trường sư phạm đoàn kết, thân thiện, dân chủ và đổi mới; đẩy mạnh phát triển Đảng trong các trường học. Các phòng chuyên môn của Sở GD&ĐT và phòng GD&ĐT tại các địa phương tăng cường công tác hướng dẫn về chuyên môn cho các trường liên quan đến công tác quản lý, điều hành; chuẩn bị chu đáo cho lễ khai giảng năm học mới...