Để cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên ở Hà Tĩnh bắt nhịp yêu cầu mới

(Baohatinh.vn) - Để các trung tâm trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) ở Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới trong lộ trình phân luồng, thúc đẩy học nghề sau THCS, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành.

Chuyển dịch đầu tư sang trung tâm GDNN-GDTX

Năm học 2018-2019, toàn tỉnh có hơn 700 học sinh (HS) vào các trung tâm GDNN-GDTX (gọi tắt là trung tâm), đến năm học 2019-2020 là hơn 1.400 em, và năm học tới, số lượng này tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, dường như cơ quan chủ quản trung tâm chưa có sự dịch chuyển đầu tư cơ sở hạ tầng song hành với quá trình dịch chuyển HS. So với hệ thống các trường công lập được đầu tư khang trang, các trung tâm đang có điều kiện cơ sở vật chất thua kém, cảnh quan trường học chưa được quan tâm xây dựng.

Để cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên ở Hà Tĩnh bắt nhịp yêu cầu mới

Trung tâm GDNN-GDTX Đức Thọ sau nhiều năm không được đầu tư đã dần xuống cấp.

Nhiều lãnh đạo trung tâm tâm tư: “Điều kiện học tập ở các trung tâm còn thiệt thòi so với các trường THPT công lập khiến các em thiếu sự hào hứng mỗi ngày đến lớp”. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chủ quản là UBND cấp huyện cần sớm quan tâm, có lộ trình đầu tư dựa trên yêu cầu thực tiễn về dạy, học ở trung tâm và kế hoạch đào tào nghề của từng địa phương.

Bên cạnh đó, so với yêu cầu dạy - học nghề hiện nay, hệ thống thiết bị dạy nghề ở các trung tâm cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Theo số liệu từ Sở LĐ-TB&XH, trong giai đoạn 2017-2019, mới chỉ có 3/10 trung tâm được phân bổ 2 tỷ đồng để sắm sửa thiết bị dạy nghề.

Tháng 5/2020, Sở LĐ-TB&XH có văn bản báo cáo và đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xem xét chỉ đạo các cơ quan liên quan tham mưu phân bổ kinh phí với số tiền 13,658 tỷ đồng cho 6 trung tâm GDNN-GDTX trọng điểm cấp huyện. Hiện các trung tâm đang chờ quyết định về việc phân bổ kinh phí để đầu tư trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề ở khu vực nông thôn và HS học bổ túc nghề.

Để cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên ở Hà Tĩnh bắt nhịp yêu cầu mới

Xưởng thực hành nghề hàn ở Trung tâm GDNN-GDTX huyện Can Lộc chỉ có 7 cabin, trong khi có tới 120 học viên theo học nghề.

Nhìn ở góc độ quản lý nhà nước về giáo dục thường xuyên, theo bà Đặng Thị Quỳnh Diệp -Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thì còn có nhiều điều cần lưu tâm về chất lượng bổ túc văn hóa THPT ở các trung tâm. “Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai ở hệ thống trường công lập đang đặt ra yêu cầu đổi mới về nội dung các môn học, đội ngũ giáo viên và điều kiện dạy học ở các trung tâm.

Bên cạnh đó, nhiều môn học mang tính kỹ năng để giúp các em chủ động đáp ứng yêu cầu hội nhập hiện chưa có trong chương trình bổ túc. Đặc biệt là thiếu môn Ngoại ngữ - có thể xem là kỹ năng cần thiết để tăng cơ hội học nghề chất lượng cao, hướng tới thị trường nghề có thu nhập tốt hơn. Tất cả những vấn đề này phải được nhìn nhận để sớm có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục hệ bổ túc trong lộ trình phân luồng sau tốt nghiệp THCS”.

Để cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên ở Hà Tĩnh bắt nhịp yêu cầu mới

Không được học môn Ngoại ngữ là một thiệt thòi cho học sinh ở các trung tâm trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Ảnh: Giờ học ở Trung tâm GDNN- GDTX thị xã Kỳ Anh.

Đối với bài toán giáo viên, nhiều ý kiến cùng nhận định, HS ở các trường THPT công lập giảm sẽ làm tăng giáo viên dôi dư, vì vậy, giải pháp hợp lý nhất là điều chuyển lực lượng này bổ sung cho các trung tâm. Ông Nguyễn Thế Toàn - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hương Sơn cho biết, chuẩn bị cho năm học mới với số lượng HS tăng, trung tâm đã tham mưu huyện đề xuất lên các cấp trên về việc điều chuyển hoặc biệt phái giáo viên ở các trường THPT về trung tâm.

Khơi dậy nội lực, sự năng động của các trung tâm

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của các cơ sở GDNN-GDTX cấp huyện đáp ứng yêu cầu mới, bà Nguyễn Thị Nguyệt - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho rằng, bên cạnh chính sách đầu tư của chính quyền các cấp, sự hỗ trợ của các ngành, thì rất cần sự chuyển động từ chính cơ sở đào tạo nghề. Trước hết, bộ máy quản lý trung tâm phải nâng cao khả năng quản trị, điều hành, năng động trong quá trình tham mưu, đề xuất về nguồn lực, con người với cơ quan chủ quản và các đơn vị liên quan, đồng thời tập trung trí tuệ của đội ngũ cán bộ, xây dựng thương hiệu, thu hút HS.

Để cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên ở Hà Tĩnh bắt nhịp yêu cầu mới

Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Kỳ Anh khen thưởng học sinh có thành tích học tập tốt năm học 2019-2020.

Trên thực tế, trong bức tranh khó khăn chung, một số trung tâm đang từng bước vươn lên bằng sự năng động của ban giám đốc, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu. Trung tâm GDNN-GDTX các huyện: Lộc Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Nghi Xuân, thị xã Kỳ Anh là những đơn vị đi trước trong việc nắm bắt cơ hội tăng HS theo lộ trình phân luồng.

Ông Nguyễn Thế Toàn - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hương Sơn chia sẻ, khi trung tâm hoạt động khởi sắc thì việc tranh thủ những nguồn lực từ các chương trình, dự án cũng thuận lợi hơn. 2 năm học gần đây, khi số lượng HS tăng nhanh (năm học 2019-2020 là 145 em và năm học này dự kiến 250-300 em), trung tâm đã sớm tham mưu và được huyện hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở vật chất, cơ bản đáp ứng yêu cầu mới.

Để cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên ở Hà Tĩnh bắt nhịp yêu cầu mới

Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hương Sơn có cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy- học

Trong điều kiện các trung tâm GDNN-GDTX chỉ có chức năng dạy hệ bổ túc văn hóa THPT và đào tạo sơ cấp nghề, để giúp HS có tấm bằng trung cấp nghề đảm bảo chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường, các trung tâm cần nâng cao hiệu quả liên kết đào tạo nghề với các trường trung cấp, cao đẳng nghề. Từ đó giúp HS được đào tạo tại chỗ cả về văn hóa THPT và trung cấp nghề, giảm kinh phí đi lại, sinh hoạt và thuận tiện cho gia đình trong công tác quản lý, giáo dục.

Để cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên ở Hà Tĩnh bắt nhịp yêu cầu mới

Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh liên kết dạy nghề với nhiều trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh.

Phân luồng HS sau THCS là giải pháp để các em sớm có trình độ nghề, lập nghiệp bằng tay nghề, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho tỉnh và quốc gia. Lộ trình phân luồng đang được tỉnh triển khai mạnh mẽ với mục tiêu trước mắt là đến năm 2025, có 40% HS tốt nghiệp THCS vào học nghề.

Vì vậy, việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân lực để thực hiện lộ trình này cần được khẩn trương thực hiện. Trong đó, các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện - với lợi thế là nơi học tập thuận lợi nhất cho HS trên từng địa bàn - ngoài việc khơi dậy nội lực, rất cần sự hỗ trợ sát sao, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương trong đầu tư nguồn lực và định hướng phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu mới.

Theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định (về cơ chế thu, quản lý HS đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021), thì người tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp được miễn học phí học nghề. Đây là ưu đãi lớn của Nhà nước nhằm khuyến khích việc HS chuyển hướng học nghề ngay sau bậc THCS, khắc phục tình trạng thừa thầy, thiếu thợ đang diễn ra phổ biến hiện nay.

Tin liên quan:

Chủ đề Hướng nghiệp dạy nghề

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast