Nữ giáo viên Hà Tĩnh lặng thầm gieo chữ cho trẻ em dân tộc Chứt

(Baohatinh.vn) - Gắn bó với Trường Mầm non Hương Liên (xã Hương Liên, Hương Khê) từ những ngày còn đôi mươi, tới nay đã 8 năm với biết bao gian nan, vất vả nhưng cô giáo Trần Thị Thu Phương (SN 1991) vẫn luôn yêu nghề, mến trẻ.

Nữ giáo viên Hà Tĩnh lặng thầm gieo chữ cho trẻ em dân tộc Chứt

Cô giáo Trần Thị Thu Phương đứng lớp tại điểm trường dân tộc Chứt, Trường Mầm non Hương Liên

Cách đây 8 năm, vào những ngày đầu tháng 11/2011, cô giáo Trần Thị Thu Phương, khi ấy mới 20 tuổi, là một nữ sinh vừa tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm mẫu giáo – nhà trẻ Hà Nội đã quyết định về giảng dạy tại Trường Mầm non Hương Liên theo diện giáo viên hợp đồng. Nhiệt huyết và tâm huyết của tuổi trẻ đã thôi thúc cô tình nguyện về ươm mầm măng non nơi vùng biên giới xa xôi.

Thời điểm này, cô vẫn còn ở với gia đình bố mẹ tại xã Phú Phong (Hương Khê). Vậy nên, hàng ngày, cô Phương phải vượt qua quãng đường 35 km với nhiều đoạn đường đèo dốc, khó đi mới có thể tới trường.

Cô chia sẻ: “Thời gian này, tôi sáng đi tối về không kể nắng mưa, từ nhà tới trường đi xe máy mất gần 1 giờ đồng hồ. Năm 2011, mức lương lại chỉ được 500 nghìn, không đủ trang trải cuộc sống, xăng xe. Thật sự rất vất vả”.

Nữ giáo viên Hà Tĩnh lặng thầm gieo chữ cho trẻ em dân tộc Chứt

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng cô luôn tận tâm, yêu nghề, mến trẻ

Là một giáo viên trẻ đã phải đối mặt với bao khó khăn, vậy nên cô không tránh khỏi những lúc buồn tủi, hay có suy nghĩ từ bỏ. Tuy nhiên, những lúc như vậy, cô thường xuyên được bạn bè, đồng nghiệp động viên, được học sinh, phụ huynh yêu mến, cô lại vững tin hơn trong con đường của mình.

Suốt thời gian công tác tại Trường Mầm non Hương Liên, cô Trần Thị Thu Phương luôn tâm huyết, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cô cũng nên duyên với chồng là một giáo viên tiểu học ở đây và dần ổn định cuộc sống.

Nữ giáo viên Hà Tĩnh lặng thầm gieo chữ cho trẻ em dân tộc Chứt

Những tình cảm của bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt là các em học sinh đã tạo động lực để cô Trần Thị Thu Phương tiếp tục nỗ lực cống hiến

Năm 2017, cô tình nguyện chuyển về điểm trường dân tộc Chứt của Trường Mầm non Hương Liên, là điểm trường dành cho các em đồng bào dân tộc Chứt. Nuôi dạy trẻ vốn đã là một công việc vất vả thì việc chăm lo cho những đứa trẻ dân tộc Chứt lại càng khó khăn hơn.

“Khi mới đến với điểm trường, tôi cũng gặp nhiều bỡ ngỡ vì chưa quen với phong tục tập quán và ngôn ngữ giao tiếp của đồng bào nơi đây. Điều khó khăn nhất là nhận thức của người dân bản còn rất hạn chế, phải làm sao để phụ huynh hiểu được tầm quan trọng của việc học”, cô Phương chia sẻ.

Nữ giáo viên Hà Tĩnh lặng thầm gieo chữ cho trẻ em dân tộc Chứt

Mỗi ngày, cô lại tới tận nhà đón các em học sinh dân tộc Chứt tới trường, dạy dỗ, chăm sóc và đưa các em về

Từ ngày chuyển tới điểm trường mới, đều đặn mỗi buổi sáng, cô giáo Trần Thị Thu Phương lại tới từng hộ dân bản, gọi các em dậy, giúp các em nhỏ vệ sinh cá nhân, đưa đón tới trường. Tan học, cô lại cần mẫn đưa học sinh về nhà, dù cho nhiều hộ dân bản cách điểm trường tới gần 4 km.

Dù điểm trường còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng miếng ăn giấc ngủ của các em vẫn được chăm sóc cẩn thận, đủ đầy. “Nhiều lúc các con không chịu đi học, tôi phải mua xôi, quà, sữa, bánh kẹo để dỗ dành, tạo cho các con hứng thú tới trường”, cô Phương kể.

Nữ giáo viên Hà Tĩnh lặng thầm gieo chữ cho trẻ em dân tộc Chứt

Nhiều chai nhựa, vỏ lon được cô tận dụng làm đồ chơi, vật dụng cho các em

Việc giảng dạy trên lớp cũng có đặc thù riêng. Điểm trường dân tộc Chứt được 2 giáo viên phụ trách, thường có từ 14-16 học sinh từ 3-5 tuổi, gộp lại thành một lớp nên phải có chương trình dạy riêng cho từng nhóm tuổi. Nhận thức về môi trường xung quanh của các em cũng rất đơn giản, mơ hồ nên việc giảng dạy cũng vất vả hơn.

Nữ giáo viên Hà Tĩnh lặng thầm gieo chữ cho trẻ em dân tộc Chứt

Các giờ học ngoại khóa, kỹ năng sống được cô chú trọng

Theo cô Phương, có thể do ảnh hưởng của hôn nhân cận huyết trước đây khiến trí nhớ của các em không được tốt, học hôm nay mai đã quên, phải dạy đi dạy lại nhiều lần. Nhiều việc tưởng như đơn giản như buôn bán, họp chợ phiên… lại chưa có trong văn hóa của người dân tộc Chứt, cô phải tổ chức các buổi học ngoại khóa, giáo dục thêm về kỹ năng sống cho các em…

Được biết, gia đình cô Phương khá khó khăn. Hai vợ chồng đang chăm lo cho 2 đứa con nhỏ, bố chồng cô là thương binh, bị bệnh nặng phải nằm một chỗ đã 4 năm nay. Hiện, cô đang theo học chương trình liên thông tại TP Hà Tĩnh vào các ngày cuối tuần nên càng vất vả hơn.

Khó khăn, gian nan là vậy nhưng nhìn thấy cuộc sống khó khăn của người dân, mong muốn các em nhỏ dân tộc Chứt được thay đổi, tiếp cận với tri thức, văn minh, cô Trần Thị Thu Phương lại tiếp tục cố gắng, phấn đấu. Cô là 1 trong 2 giáo viên mầm non tiêu biểu của tỉnh tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2019 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam tổ chức thời gian tới.

Cô Nguyễn Thị Hoa - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Liên nhận xét: “Cô Trần Thị Thu Phương là một giáo viên có chuyên môn tốt, nhanh nhẹn, sáng tạo, có nhiều sáng kiến. Cô luôn tâm huyết, tận tình với nghề, vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”.

  • Nữ giáo viên Hà Tĩnh lặng thầm gieo chữ cho trẻ em dân tộc Chứt
    Cô giáo mầm non Hà Tĩnh say mê sáng tạo

    11 năm gắn bó với bậc mầm non, cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung - Trường Mầm non Nam Hồng (TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, say mê sáng tạo, để mang đến cho học sinh những giờ học thú vị và bổ ích.

  • Nữ giáo viên Hà Tĩnh lặng thầm gieo chữ cho trẻ em dân tộc Chứt
    Ngắm những “thiên thần” nhỏ ở bản Rào Tre

    Khác với những đứa trẻ nơi phố thị, trẻ em dân tộc Chứt ở bản Rào Tre (xã Hương Liên, Hương Khê - Hà Tĩnh) chưa một lần biết đến búp bê, xếp hình hay bóng dáng của một que kem... Quanh năm gắn bó ở vùng rừng núi, thế nhưng trên gương mặt của các em nhỏ dân tộc thiểu số vẫn luôn toát lên niềm vui rạng ngời.

Chủ đề Tuổi trẻ Hà Tĩnh

Chủ đề NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast