Sẵn sàng chờ “tiếng trống” vận hành chương trình giáo dục phổ thông mới

(Baohatinh.vn) - Đến thời điểm này, lớp 1 ở Hà Tĩnh đã sẵn sàng cho chương trình giáo dục phổ thông mới lần đầu tiên được triển khai trong năm học 2020 - 2021.

Sẵn sàng chờ “tiếng trống” vận hành chương trình giáo dục phổ thông mới

Sách mới đã về đến tận tay phụ huynh, học sinh

Sau khi bàn giao sách về với các phụ huynh, học sinh, những ngày này, đội ngũ giáo viên lớp 1 ở các trường tiểu học ở huyện Can Lộc đang tập trung cho các hoạt động chuyên môn để sẵn sàng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Để các giáo viên yên tâm đầu tư thời gian cho việc nghiên cứu hoàn thiện giáo án, chuyên môn, nhiều trường học đã ưu tiên để tất cả các giáo viên lớp 1 không phải tham gia các hoạt động lao động phong quang trường lớp.

Sẵn sàng chờ “tiếng trống” vận hành chương trình giáo dục phổ thông mới

Cô Trần Thị Bích Thủy - giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Khánh Vĩnh Yên nghiên cứu sách điện tử

Cô Trần Thị Bích Thủy, giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Khánh Vĩnh Yên cho biết: “Giáo viên lớp 1 không phải tham gia lao động. Thời gian này, tổ chuyên môn chúng tôi đã dành thời gian tiếp tục nghiên cứu kỹ bộ sách “Cánh Diều”, tổ chức xây dựng phân phối chương trình, bàn bạc các giải pháp khai thác các học liệu điện tử của bộ sách để đi đến một số thống nhất. Ngoài ra, chúng tôi cũng hỗ trợ nhau trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để có thể thực hiện nhuần nhuyễn các thao tác trong quá trình giảng dạy”.

Trước đó, công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy lớp 1 đã được lựa chọn kỹ càng, giáo viên cũng được tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, tiếp cận, nghiên cứu sách từ sớm và trải nghiệm qua các tiết dạy thử nghiệm. Các trường học cũng đã tận dụng mọi thời gian để giáo viên hoàn thiện kỹ năng, phương pháp giảng dạy.

Sẵn sàng chờ “tiếng trống” vận hành chương trình giáo dục phổ thông mới

Giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Khánh Vĩnh Yên hỗ trợ nhau về công nghệ thông tin để thực hiện nhuẫn nhuyễn các thao tác chuẩn bị cho việc giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới

Tại Thạch Hà, cô Đỗ Thị Kim Cúc - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Thạch Hà cho biết: “Thời điểm này, trường đã giao mỗi tổ chuyên môn chuẩn bị 1 giáo án giảng dạy theo tinh thần đổi mới. Theo đó, mỗi giáo viên dạy lớp đều phải tự nghiên cứu kỹ để đóng góp ý kiến hoàn thiện giáo án. Những học liệu không phù hợp trong chương trình cũng được bàn bạc, sửa đổi phù hợp với tình hình thực tế địa phương nhằm mang đến hiệu quả trong những giờ dạy cho học sinh”.

Sẵn sàng chờ “tiếng trống” vận hành chương trình giáo dục phổ thông mới

Các tổ bộ môn ở Trường Tiểu học thị trấn Thạch Hà miệt mài nghiên cứu để hoàn thiện giáo án

Để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới cho lớp 1, ngoài việc ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất, phòng học kiên cố, hiện đại, chính quyền các địa phương cũng đã có sự quan tâm đầu tư về thiết bị dạy học.

Theo đó, từ sự tham mưu của các phòng Giáo dục, các địa phương đã có sự chia sẻ trong việc mua sắm ti vi thông minh - một trong những thiết bị quan trọng nhất để thực hiện giảng dạy sách điện tử.

Sẵn sàng chờ “tiếng trống” vận hành chương trình giáo dục phổ thông mới

Trước đó, các giáo viên đã được tập huấn kỹ càng về việc triển khai các bộ sách giáo khoa lớp 1

Thầy Lê Văn Phương, Phó trưởng Phòng GD&ĐT Thạch Hà cho biết: “Năm nay, Thạch Hà có 82 lớp 1. Để phát huy hiệu quả tác dụng giáo khoa điện tử trong giảng dạy, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch trang bị mỗi lớp 1 ti vi thông minh. Từ sự tham mưu của phòng, huyện đã có chủ trương hỗ trợ 2/3 kinh kinh phí mua sắm ti vi, số còn lại sẽ được các trường thực hiện bằng hình thức xã hội hóa”.

Cùng với Thạch Hà, các địa phương như huyện Can Lộc cũng đã có kế hoạch hỗ trợ ngân sách khoảng 1 tỷ đồng, Hương Sơn khoảng 1,7 tỷ… Tất cả đều phấn đấu để 100% lớp 1 năm nay sẽ được trang bị ti vi thông minh phục vụ cho việc dạy học.

Năm học 2020-2021, Hà Tĩnh có 820 lớp học ở 241 trường với tổng số 23.500 học sinh sẽ tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới. Chương trình này có nhiều thay đổi, đặc biệt là việc giảm số lượng môn học so với chương trình hiện hành. Học sinh lớp 1 có 7 môn học chính và hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật) và hoạt động trải nghiệm.

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast