Tất cả bắt nguồn từ lòng yêu nghề, mến trẻ

Về huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh), chúng tôi cố gắng đi tìm hiểu đâu là nguyên nhân, là động lực để với đồng lương ít ỏi nhưng hằng ngày các giáo viên vẫn say sưa với con trẻ, đưa kiến thức để nuôi dạy các em nên người… Với các cô, chỉ có một lý do duy nhất: lòng yêu nghề mến trẻ.

Các cháu là nguồn động viên lớn lao, để cô Hương, cô Mậu vượt qua khó khăn thường ngày
Các cháu là nguồn động viên lớn lao, để cô Hương, cô Mậu vượt qua khó khăn thường ngày

Nhìn cô giáo Trần Thị Hương (sinh năm 1958), cô Phan Thị Mậu (sinh năm 1966), cô Phan Thị Dần (sinh năm 1964) trường mầm non Phúc Trạch (Hương Khê) đạp xe đạp cà tàng mấy cây số từ nhà đến trường giảng dạy, chúng tôi không khỏi không cảm động. Hình ảnh các cô giáo đến trường với chiếc xe đạp cọc cạch, không điện thoại di động, đội nón lá, đi dép lê đơn sơ,…ở thời buổi này thật là hiếm gặp ở giáo viên của một trường nào khác.

Trong các cô, có cô đầu đã 2 thứ tóc, gần như suốt cuộc đời đã gắn bó với trường mầm non Phúc Trạch. Họ đã đem sự tâm huyết, lòng say nghề và đưa hàng trăm chuyến đò sang sông, bao thế hệ học trò của các cô đã trưởng thành. Nhưng cũng ít người biết về hoàn cảnh của các cô, dù đã có người đi dạy đã hơn 30 năm rồi nhưng các cô vẫn dạy hợp đồng, chưa được biên chế, gần nghỉ hưu rồi nhưng mới được đóng bảo hiểm 4 năm. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, đồng lương ít ỏi nhưng các cô đã vượt lên tất cả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Hiệu trường trường mầm non Phúc Trạch Nguyễn Thị Hải cho biết: “Trường chưa được chuyển sang công lập nên chỉ mới được 3 cô trong BGH là biên chế, còn 18 giáo viên còn lại là giáo viên hợp đồng”.

Các cô đến trường,đến lớp bằng xe đạp cọc cạch nhưng vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình

Các cô đến trường,đến lớp bằng xe đạp cọc cạch nhưng vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình

Tìm hiểu hoàn cảnh các cô được biết, cô Trần Thị Hương sau khi tốt nghiệp cấp 2, năm 1980 HTX giao cho cô đi học sơ cấp ngành mẫu giáo ở Sơn Mỹ (Hương Sơn). Sau hơn 1 năm đi học cô Hương đã trở về quê hương và theo nghiệp gõ đầu trẻ từ đó. Cô Hương nhớ lại: “Hồi trước chủ yếu mượn nhà dân dạy các cháu, sau một thời gian thì dạy ở các hội quán, mới sau này thì mới có trường, có lớp”. Thu nhập của các cô cũng từng ngày được tăng lên, từ lúc mấy kg lúa/tháng rồi đến mấy chục ngàn đồng/tháng và đến nay cộng tất cả các khoản hỗ trợ (ngành, huyện, phụ huynh) vẫn chưa được 1 triệu đồng/tháng. Cô Hương lại có hoàn cảnh thật éo le, vất vả. Cách đây hơn 10 năm, chồng cô bị tai nạn giao thông bị gãy chân, đến năm 2009, anh lại bị ngã gãy tay phải và bị liệt phải ngồi một nơi, không làm được việc gì, mọi sinh hoạt đều phải trông nhờ vào vợ con.

Cô Dần, cô Hương, cô Mậu đã đi dạy gần hết cuộc đời nhưng vẫn chưa được biên chế.
Cô Dần, cô Hương, cô Mậu đã đi dạy gần hết cuộc đời nhưng vẫn chưa được biên chế.

Đến thăm gia đình cô Hương, ngoài căn nhà mới được chính quyền, các đoàn thể và bà con làng xóm hỗ trợ làm cho, trong nhà trống huơ trống hắc không có tài sản gì đáng giá ngoài chiếc xe đạp cô vẫn đi đến trường. Hàng tháng, để trang trải cuộc cho gia đình, thuốc men chăm sóc cho chồng và nuôi 2 đứa con ăn học chỉ nhìn vào mấy trăm ngàn đồng lương ít ỏi, nên gia đình cô Hương thường xuyên được xóm, xã xếp vào hộ nghèo. Có lẽ nhà cô giáo mà được công nhận là hộ nghèo như cô Hương thì cũng thật hiếm có.

Và các cô Phan Thị Mậu, Phan Thị Dân cũng có hoàn cảnh cũng chẳng khá hơn mấy. Cũng với số tiền lương ít ỏi vậy nhưng từ những năm đầu của thập niên 80 thế kỷ trước đến nay các cô vẫn luôn gắn bó với trường với lớp. Gia đình các cô cũng chủ yếu làm nông nghiệp, đời sống còn quá nhiều khó khăn những chưa một lúc nào các cô sao nhảng với việc trường việc lớp, chăm sóc dạy dỗ các cháu. Từ sáng sớm các cô đã đạp xe 4-5 km từ nhà đến trường để đón các cháu, đến chiều tối mới về đến nhà. Có thể nói, giảng dạy cấp mầm non là cấp học vất vã nhất, phải đi sớm về muộn nhưng các cô luôn phấn đấu, và đã trở thành những giáo viên dạy giỏi của trường, của huyện, luôn được lãnh đạo ngành cũng như phụ huynh học sinh tin yêu. Một điều mong ước, trăn trở của các cô là mặc dù đã gần hết cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp trồng người rồi nhưng các cô chưa được biên chế, bảo hiểm thì mới đóng được mấy năm nên khi nghỉ dạy về hưu cuộc sống sẽ như thế nào đây? Đây cũng là một vấn đề mà các ngành chức năng cũng cần phải có sự quan tân, xem xét, có hướng giải quyết hợp lý để đền đáp công sức, khỏi có sự thiệt thòi quá lớn cho những giáo viên như: cô Hương, cô Dân, cô Mậu…

Cô giáo Lê Thị Nguyệt bị khớp, phải chống nạng nhưng vẫn say sưa giảng bài cho các em học sinh
Cô giáo Lê Thị Nguyệt bị khớp, phải chống nạng nhưng vẫn say sưa giảng bài cho các em học sinh

Hình ảnh đó của cô giáo Lê Thị Nguyệt (sinh năm 1964) đã trở nên quá đỗi quen thuộc với người dân thị trấn Hương Khê (Hương Khê), các phụ huynh và các em học sinh Trường tiểu học Thị trấn Hương Khê. Đã 15 năm nay, cô Nguyệt mắc phải căn bệnh thấp khớp nghiệt ngã. Bệnh tình quái ác đã cướp đi của cô dường như tất cả. Sức lực, tiền của suy kiệt, gia đình li tan.

Tuy vậy, cô Nguyệt không bao giờ để bệnh tật, cuộc sống riêng tư gia đình làm ảnh hưởng đến việc giảng dạy của mình. Dù bệnh tật hành hạ nhưng sáng sáng cô Nguyệt luôn cố gắng dậy thật sớm sắp xếp những trang giáo án soạn sẵn cả đêm vào chiếc cặp màu đen cũ sờn quen thuộc. Vai mang cặp, tay cầm chiếc nạng gỗ, đôi chân nhỏ bé thoăn thoắt nhẹ nhàng đạp những vòng xe lăn bánh tới trường. Dù bệnh tật nhưng cô không bao giờ có ý định từ bỏ đam mê truyền con chữ cho các em học sinh. Cô luôn phấn đấu và cô đã trở thành giáo viên dạy giỏi trong nhiều năm liền. 22 năm cống hiến cho biết bao thế hệ học trò, đến nay khóa học trò đầu tiên của cô cũng đã tốt nghiệp ĐH ra trường, có nhiều em đã có công ăn việc làm.

Các cô Hương, cô Mậu, cô Nguyệt là một trong hàng chục, hàng trăm giáo viên đã vượt lên hoàn cảnh, say sưa tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Họ là những người chèo đò âm thầm vượt qua mưa nắng, bão giông để cho những lứa học trò cập bến tri thức.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast