Sau khi các hộ kinh doanh hoàn trả mặt bằng buôn bán hoa, cây cảnh ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và khu vực xung quanh công viên Trần Phú (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) vào chiều tối nay, chị Nguyễn Thị Huệ (SN 1974, phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) cùng hàng chục công nhân của Công ty CP môi trường và công trình đô thị Hà Tĩnh có mặt để quét dọn, thu gom rác thải phát sinh từ hoạt động mua bán cây cảnh.
Đã có 23 năm gắn bó với công việc vệ sinh môi trường và trong chừng ấy thời gian, số lần được đón giao thừa cùng gia đình của chị Huệ chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Mọi việc ở nhà, nhất là soạn sửa mâm cỗ chuẩn bị cho thời khắc “sang canh”, chồng và 2 người con xắn tay lo liệu.
Dù đã chủ động thu gom rác thải nhưng với lượng rác thải lớn, nhiều tuyến đường, khu vực cần phải quét dọn, thu gom nên công việc của nhóm công nhân vệ sinh môi trường vẫn phải làm việc tới đêm khuya và qua cả thời khắc giao thừa chào đón năm mới.
“Nhiều lúc tôi cũng chạnh lòng lắm chứ. Thời khắc giao thừa ai mà không muốn ở cùng người thân, gia đình đón năm mới. Thế nhưng, dịp Tết, lượng rác thải quá lớn, vậy nên, công việc vệ sinh môi trường luôn vất vả và gần như chẳng nghĩ tới chuyện đón giao thừa cùng gia đình nữa”, chị Nguyễn Thị Huệ ngậm ngùi.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Minh Trang (SN 1989, xã Thạch Hưng, TP Hà Tĩnh) đang thu gom rác thải trên đường Nguyễn Huy Tự (TP Hà Tĩnh) cũng đã có 8 năm chưa được đón giao thừa cùng gia đình kể từ khi gắn bó với nghề công nhân vệ sinh môi trường.
“Năm nay TP có tổ chức bắn pháo hoa chào đón năm mới nên chúng tôi xác định làm tới 1 - 2h sáng mới xong việc được. Bao giờ đường phố sạch rác thì chúng tôi mới về. Tuy vất vả nhưng vì môi trường chung nên chúng tôi vẫn cố gắng hoàn thành công việc”, chị Trang chia sẻ.
Không chỉ có chị Huệ, chị Trang mà gần như tất cả công nhân vệ sinh môi trường, cũng phải đón giao thừa ở ngoài đường, bên chiếc chổi tre và xe rác, bởi những ngày áp Tết, nhất là ngày 30 Tết, lượng rác thải ở TP Hà Tĩnh cần phải thu gom, vận chuyển đi xử lý rất lớn, khi hoạt động mua bán, sắm sửa và nhu cầu dọn dẹp nhà cửa của người dân tăng cao.
Nếu như bình thường, trung bình mỗi ngày, TP Hà Tĩnh phát sinh 95 – 100 tấn rác thì dịp Tết tăng lên 200 – 220 tấn/ngày. Đặc biệt, ngày 29 và 30 Tết, lượng rác thải có thể tăng lên 300 tấn/ngày.
Với lượng rác thải tăng cao như vậy, công nhân vệ sinh môi trường sẽ phải mất nhiều thời gian và sức lực mới có thể thu gom, vận chuyển đi xử lý được. Công việc của họ trong dịp Tết bắt đầu từ lúc sáng sớm và kết thúc vào tối khuya.
Giao thừa năm nay, TP Hà Tĩnh là một trong những địa phương tổ chức bắn pháo hoa chào đón thời khắc giao thừa, bắt đầu từ 0h tới 0h15" ngày 22/1. Khi mọi người nhộn nhịp đi xem pháo hoa thì ở các cung đường, góc phố, hình ảnh người công nhân vệ sinh môi trường vẫn cần mẫn làm sạch phố phường.
Sau thời khắc giao thừa, khi người người đi “hái lộc” hoặc quây quần bên nhau chúc mừng năm mới, người công nhân vệ sinh môi trường vẫn tiếp tục công việc thầm lặng của mình.
Dẫu có những nỗi niềm, vất vả, song, dường như sự say nghề, tính chất đặc thù của công việc, nên những người làm công việc thu dọn vệ sinh môi trường vẫn luôn cần mẫn “bám” đường, thầm lặng thu gom rác.
Việc thường xuyên vắng nhà, đón giao thừa trên đường đã trở thành “chuyện như cơm bữa” của những công nhân vệ sinh môi trường đang ngày đêm làm sạch đường phố. Với họ, niềm vui lớn nhất chính là việc đường phố Hà Tĩnh được xanh – sạch – đẹp vào dịp năm mới.
Đêm giao thừa luôn là giây phút quý báu, thiêng liêng với tất cả mọi người. Vào thời khắc ấy, các thành viên trong gia đình chia sẻ, chúc tụng nhau một năm mới tốt lành, song, đây cũng là lúc mà các nhân viên vệ sinh môi trường đô thị bám đường làm sạch môi trường, tạo cảnh quan cho đường phố. Công việc thầm lặng ấy rất đáng trân trọng.