Quản lý dạy thêm - học thêm (bài 1):
Minh họa từ internet
Hai biên bản báo động
Những ngày đầu tháng 7, câu chuyện về 2 giáo viên GV) bậc tiểu học trên địa bàn TP Hà Tĩnh bị đoàn kiểm tra của Phòng GD&ĐT thành phố lập biên bản về việc dạy thêm không đúng quy định đã trở thành tiếng còi báo động khiến tình trạng dạy thêm tạm thời lắng xuống. Một số GV đã chủ động nhắn tin cho các bậc phụ huynh tạm thời cho con nghỉ học để xem xét tình hình.
Tinh thần chỉ đạo của Bộ, Sở GD&ĐT là cấm tuyệt đối việc dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học. Quy định là thế, sự quán triệt của phòng, của các nhà trường cũng đã rõ ràng, xuyên suốt trong từng năm học, nhưng trên thực tế, việc dạy thêm, học thêm ở bậc học này vẫn diễn ra ở một số địa phương, nhất là TP Hà Tĩnh.
Bà Lê Thị Hải Yến - Thanh tra phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Quán triệt tinh thần chỉ đạo của cấp trên, từ đầu tháng 7 đến nay, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra đột xuất 4 cuộc tại các trung tâm dạy thêm dành cho học sinh bậc THCS đã được phòng cấp phép. Ngoài ra, theo nguồn tin báo của cơ sở, phòng cũng đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản 2 GV tiểu học vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm”.
Thanh tra Phòng GD&ĐT thành phố cũng cho biết: Nhiều lần qua nguồn tin báo, chúng tôi cũng đã tìm đến một số địa chỉ, nhưng có nhóm đóng cửa học ở tầng 2, tầng 3 nhà của phụ huynh, có nhóm lại học trong những gia đình kinh doanh mặt hàng ăn uống nên việc tiếp cận hết sức khó khăn. Một số GV mặc dù vẫn dạy thêm nhưng khi gọi điện kiểm tra thì lại trả lời là đang đi du lịch. Vì thế, có những lúc phòng đã phải gọi hiệu trưởng nhà trường trực tiếp đến nơi để cùng vào hoặc gọi điện cho GV ấy”.
Chính vì khó khăn như thế nên dẫu tinh thần là thực hiện quyết liệt nhưng theo đánh giá của ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố thì trên địa bàn vẫn tồn tại tình trạng dạy thêm, học thêm trái với quy định.
“Sóng ở đáy sông”
Công tác thanh tra, xử phạt của ngành Giáo dục có lúc căng, lúc chùng nhưng một thực tế không ai phủ nhận đó là việc dạy thêm, học thêm vẫn luôn tồn tại dưới nhiều hình thức. Kể cả khi lệnh cấm đang gắt gao thì việc dạy thêm, học thêm vẫn âm thầm diễn ra như “sóng ở đáy sông”.
Anh S.V. (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Để chuẩn bị cho con vào lớp 1, từ đầu tháng 7, bạn bè tôi cũng đã tổ chức 1 nhóm lớp rồi mời GV luyện chữ viết cho con. Một tuần chỉ vài ba buổi nên cũng không ảnh hưởng lắm đến việc vui chơi của cháu. Hơn nữa, thấy bạn bè và hàng xóm cũng đều cho con đi học nên tôi cũng để cháu đi bởi sợ sau này cháu sẽ không theo kịp bạn bè lại nảy sinh tâm lý tự ti”.
Cũng mong muốn con có một nền kiến thức vững chắc ngay từ bậc học đầu tiên nên chị T.N. ở Lộc Hà cũng đã gửi cậu quý tử năm nay lên lớp 2 vào một nhóm luyện toán với thời lượng 3 buổi/tuần. Chị T.M. ở phường Tân Giang (TP Hà Tĩnh) cũng gửi 2 con (học sinh lớp 4 và lớp 7) đi học tại nhà GV, chủ yếu học 2 môn Toán, Tiếng Anh. Chị cho biết: “Ngay từ cuối tháng 6, một số phụ huynh đã thông tin cho tôi về việc sẽ tổ chức các nhóm lớp học thêm trong dịp hè. Theo đó, tôi đã đăng ký cho con học thêm Toán và Anh văn với thời gian 4 buổi/tuần”.
Để tránh quy định, tránh sự kiểm tra của ngành chủ quản, các nhóm lớp học thêm đã được tổ chức dưới nhiều hình thức. Trong đó, chủ yếu là phụ huynh cùng nhau tổ chức một nhóm lớp tại nhà rồi mời GV đến dạy. Một số gia đình có điều kiện hơn thì mời hẳn thầy cô dạy riêng cho con. Một số GV lại nhận nhóm lớp là con cháu của những người thân quen trong nhà… Ngoài ra, một số phụ huynh còn mời các sinh viên có học lực khá, giỏi đến dạy kèm cho con.
Chị T.X. (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Theo giới thiệu của bạn, tôi đã mời một sinh viên vừa mới ra trường có học lực khá về dạy kèm cho con, chủ yếu là Toán và Anh văn. Mỗi tuần 4 buổi với mức giá 70 ngàn đồng/buổi theo tôi là hợp lý. Hơn nữa học 1 cô, 1 trò cũng sẽ hiệu quả hơn so với học cả nhóm 8-10 em”.
Dạy thêm và học thêm theo tinh thần của Bộ GD&ĐT đó là phụ đạo cho học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh khá giỏi bậc trung học ở một số buổi 2 trong mỗi năm học là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, “phong trào” dạy thêm - học thêm với cường độ cao trong dịp hè đang gây nên hiệu ứng “chạy đua”, tình trạng vượt quá sức tiếp thu, giảm thời gian tự học, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí của học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học.
(Còn nữa)
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu