Giặp “ Nhà nông trẻ xuất sắc” là phó bí thư chi Đoàn

Lê Văn Tâm (SN 1987), ở xóm 5, xã Hà Linh (Hương Khê), là 1 trong 300 thanh niên toàn quốc vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của, năm 2012. Đây là một phần thưởng cao quý của BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dành cho “Nhà nông trẻ xuất sắc”.

Không giống như 4 anh chị em là phải thi vào đại học để tìm hướng lập thân, Lê Văn Tâm đã quyết định lập nghiệp trên chính mảnh đất quê.

"Nhà nông trẻ xuất sắc" Lê Văn Tâm đang chăm sóc đàn lợn trong trang trại của mình

Để phát triển làm ăn lâu dài ở quê, Tâm quyết định đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài để có đồng vốn, nhưng ra đi mới được hơn 1 tháng anh lại phải khăn gói về nước vì bố mẹ già thường xuyên đau ốm. Bao nhiêu tiền bạc bố mẹ dành dụm cho anh trong chuyến đi này xem như bằng không.

Để có tiền trang trải cho cuộc sống vốn đang khó khăn Tâm đã xin vào làm công nhân tại Cty cao su Hương Khê, rồi Cty tuyển quặng Vũ Quang. Công việc vất vả cực nhọc nhưng mỗi tháng thu nhập cũng chẳng dư giật được là bao, Tâm bỏ việc về nhà.

Thấy tiềm năng đất vườn rộng rãi, có nguồn nước thuận lợi , Lê Văn Tâm nảy ra ý tưởng làm kinh tế theo mô hình VAC.

Năm 2009, anh bàn với gia đình về kế hoạch làm mô hình kết hợp giữa vườn, ao và chuồng. Kế hoạch đã được thống nhất nhưng khổ nổi trong tay Tâm bây giờ không lấy nổi một đồng xu dính túi. Phần vì thương con, phần thấy Tâm có quyết tâm cao, bố mẹ anh đã quyết định vay mượn anh em làng xóm, ngân hàng 30 triệu đồng để Tâm lập nghiệp.

Với phương thức “lấy ngắn nuôi dài” anh bắt đầu tiến hành nuôi lợn, nuôi gà rồi dần dần kết hợp trồng cam, đào ao thả cá.

Do không có kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc cây trồng trong năm đầu tiên Tâm gặp thất bại nặng nề.

“Trong năm đầu vấn đề khó khăn lớn nhất đó là vốn. Vay mãi mới được 30 triệu. Trong khi, đất đai chủ yếu là đất đồi cằn cỗi phải mất nhiều thời gian và công sức để cải tạo. Khó khăn thứ 2 là về kỷ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Năm đầu tiên khởi nghiệp mình nuôi 400 con gà thịt. Nhưng do không được trang bị đủ kiến thức, kỷ thuật nên trong đợt đó gà bị bệnh chết hơn 300 con. Lần đó gà chết coi như mình hết vốn” , Tâm chia sẻ.

“ Thất bại là mẹ của thành công”. Sau lần đó, Lê Văn Tâm tích cực đi tham khảo, học hỏi cách làm ở một số mô hình hay trong tỉnh và các tỉnh lân cận, rồi dần tích góp kinh nghiệm kiến thức.

Sau 3 năm miệt mài, giờ đây anh đã là “ông chủ” của cả một cơ ngơi với hơn 500 gốc cam, 100 gốc mít Thái, 100 gốc bưởi Phúc trạch, 4 héc ta cao su, 3 héc ta cây keo (tràm), gần 1000 con gà, 40 con lợn, 5 con trâu bò và hơn 1 héc ta diện tích ao hồ nuôi cá mỗi năm cho thu nhập hơn 150 triệu.

Do biết phát triển kinh tế kết hợp theo mô hình VAC Lê Văn Tâm đã khẳng định tiềm năng của kinh tế trang trại.

Thu nhập từ trang trại đã đem đến cho Tâm một cuộc sống khá giả. Hơn thế nữa anh còn tạo công ăn việc làm cho một số người dân địa phương. Có thời điểm cao nhất lên tới 13 người với thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng.

Ngoài công việc trang trại, Tâm còn tích cực tham gia các phong trào của đoàn. Hiện Tâm đang là Phó Bí thư đoàn chi đoàn xóm 5, xã Hà Linh. Năm 2012, Lê Văn Tâm đã vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của – Phần thưởng cao quý của BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dành cho “Nhà nông trẻ xuất sắc”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói