Người đang được vị chánh án nhắc đến là nữ quái Nguyễn Thị Thanh (SN 1980, trú thôn 4, xã Cẩm Sơn, Cẩm Xuyên). Thị bị Tòa án nhân dân huyện Cẩm Xuyên ra quyết định tuyên phạt 30 tháng tù giam về tội danh “trộm cắp tài sản”. Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ giữa tháng 12/2013 đến ngày 21/12/2015, lợi dụng sơ hở của các chủ ki-ốt bán hàng tạp hóa và khách đến mua hàng để túi xách và ví tiền trên các sạp hàng trong chợ, Thanh đã thực hiện 4 vụ trộm cắp tài sản, với tổng trị giá 75.922.800 đồng.
Rồi đây, 30 tháng sau song sắt trại giam liệu có giúp nữ quái Nguyễn Thị Thanh thức tỉnh?
Trái ngược với suy nghĩ của mọi người, rằng “nhân vật chính” của phiên tòa hôm nay là người đàn bà có vẻ mặt lì lợm và có phần “chợ búa”. Nhưng không, bị cáo xuất hiện, trông già hơn rất nhiều so với độ tuổi 36. Nguyễn Thị Thanh tái hiện hình ảnh người nông dân với dáng vẻ chân chất, lam lũ dấy lên niềm thương cảm trong lòng người dự khán.
Không giống như những nữ quái ngang trời dọc đất khác, suốt phiên tòa, bị cáo chỉ cúi đầu đầy hối lỗi. Không thanh minh, không giải thích, Thanh thừa nhận toàn bộ hành vi sai trái mình đã gây ra. Nghe lời nhận định từ Hội đồng xét xử, những giọt nước mắt muộn màng thi nhau chảy dài trên khuôn mặt bị cáo. “Có lẽ trộm cắp đã trở thành một thói quen khó bỏ khiến bị cáo vẫn tiếp tục ngựa quen đường cũ. Dẫu biết là khó nhưng bị cáo vẫn cầu xin một cơ hội sửa sai”, đó là câu nói bị cáo liên tục lặp đi lặp lại trong phiên xét xử.
Chiêu thức để bị cáo ra tay là vờ đóng giả khách vào mua hàng. Vị khách không mời mà đến không hỏi mua ngay mặt hàng cụ thể mà dạo một vòng để theo dõi tình hình. Sau thời gian “câu giờ” khá lâu, do đã thuần thục nghề “hai ngón”, chỉ vài giây sơ hở của chủ hàng, bị cáo nhanh tay chôm được món đồ đã nhắm sẵn. Nghe lời khai báo thành khẩn của bị cáo, một vài hộ kinh doanh thở dài: “Giờ kinh doanh lương thiện cũng không được yên ổn với đám đạo chích. Chúng tôi rất hoang mang bởi cửa hàng tạp hóa của gia đình vốn chỉ bán vài mặt hàng nhỏ lẻ nên việc lắp camera không phù hợp. Tuy nhiên, đối với các cửa hàng lớn hơn, đó lại là điều nên làm để kịp thời phát hiện chân tướng kẻ trộm và đề phòng sự cố về sau”.
Lời thú tội của Nguyễn Thị Thanh khiến những câu chuyện bên lề phiên tòa càng trở nên sôi nổi. Theo lời chia sẻ từ các hộ kinh doanh khác, ngoài việc “quên tính tiền” các mặt hàng, nhiều tên trộm đội lốt khách còn sử dụng chiếc áo chống nắng để “làm ảo thuật”. Với thiết kế rộng, chiếc áo này được các đạo chích coi là công cụ hữu hiệu để đạt được mục đích. Ngoài ra, một số đối tượng thường chọn các cửa hàng thời trang để “ăn hàng”. Khi vào mua quần áo, chúng mặc quần lửng và áo thun hoặc sơ mi quá khổ để dễ dàng phù phép.
Một cán bộ tòa án nhận định, trước khi hành động, các đối tượng nghiên cứu kỹ càng và thường chọn những mặt hàng có giá trị để ra tay. Chúng tính toán sao cho tổng giá trị tài sản lấy trộm dưới 2 triệu đồng để phòng khi bị bắt quả tang thì chỉ bị xử lý hành chính. Ngoài ra, khi đi “ăn hàng”, đạo chích thực hiện liên tiếp nhiều vụ chỉ trong 1-2 ngày, sau đó, sẽ chuyển địa bàn hoạt động để tránh bị phát hiện.
Vì vậy, để tránh thành “con mồi” của loại hình trộm cắp này, chủ các cửa hàng tạp hóa, tại các điểm chợ cần nêu cao tinh thần cảnh giác. Đối với các cửa hàng có quy mô lớn, chủ tiệm tạp hóa cần đầu tư lắp đặt camera để thuận tiện cho việc quản lý và nếu có xảy ra trường hợp trộm cắp tương tự thì hình ảnh thu được sẽ giúp cho lực lượng chức năng sớm tìm ra thủ phạm. Ngoài ra, khi xảy ra trộm, người dân nên báo ngay cho công an địa phương; đồng thời cũng là cách cảnh báo cho các chủ cửa hàng khác và răn đe những đối tượng khác.
Với sự thành khẩn khai báo của bị cáo, phiên xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh diễn ra khá “nhẹ nhàng” nhưng để lại dư âm lớn trong dư luận. Trước khi bước lên chiếc xe bít bùng, u tối, thị Thanh ngoái nhìn mọi người như thay lời hối lỗi muộn màng.