Trải qua 180 năm có mặt trên bản đồ địa giới hành chính đất nước, Hà Tĩnh đã góp vào tiến trình lịch sử đất nước những thành quả đáng tự hào trên nhiều lĩnh vực, trong đó tinh thần đấu tranh cách mạng bất khuất, kiên trung chính là một dấu son chói lọi. Tháng Tám năm nay, Hà Tĩnh kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh, cờ hoa rực rỡ cùng âm hưởng trầm hùng, lắng sâu đẩy lòng người trôi về miền quá khứ. Trong vô vàn những dấu mốc đáng nhớ, đáng tự hào, chắc hẳn người ta sẽ dành nhiều hơn một chút niềm hoài niệm cho những ngày đấu tranh giành chính quyền – Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Bởi vì ấy là những ngày cả nước sục sôi, cả tỉnh hừng hực khí thế đấu tranh cách mạng. Đọc những dòng lịch sử ghi lại không khí ấy mà tưởng như những ngày khởi nghĩa của Mai Thúc Loan đến Đặng Tất, Đặng Dung đến Phan Bô rồi Lê Ninh, Phan Đình Phùng – Cao Thắng đến tiếng trống Xô Viết 30 - 31… cùng đồng hiện oai hùng, lẫm liệt, hiên ngang và kiên cường...Tưởng như những ngọn cờ khởi nghĩa phất lên từ độ nào phật phật trên các làng quê, ngả đường, trên xanh thẳm núi rừng… còn tung bay đến hôm nay, truyền lửa cách mạng cho thế hệ muôn sau.
Một góc thành phố Hà Tĩnh hôm nay |
Truyền thống đấu tranh cách mạng của những người con Hà Tĩnh kiên trung từ bao đời đã trở thành bài học lịch sử quý giá, đã hun đúc nên tinh thần và chí khí yêu nước, căm thù giặc sâu sắc trong những thế hệ nối tiếp. Nhớ lại những ngày tháng Tám lịch sử, khắp các huyện trong tỉnh đều trong trạng thái hết sức khẩn trương. Mít tinh, biểu tình, tuần hành vũ trang được tổ chức rộng rãi lôi cuốn hàng vạn người tham gia. Cụ Bùi Thưởng năm nay đã 106 tuổi ở khối phố 6 - phường Bắc Hà là cán bộ tiền khởi nghĩa nhớ lại: “Thời gian ấy, ở Hà Tĩnh khắp các làng quê, ngõ xóm đâu đâu cũng rộn vang tiếng tù và, tiếng bước chân người, tiếng chiêng khuơ, trống đánh… Sục sôi lắm, hừng hực lắm. Ai cũng một lòng căm thù bọn tay sai bán nước, bọn xâm lược độc ác. Ai cũng muốn giành lại chính quyền, giành lại ruộng đất. Từng sống qua không khí khởi nghĩa ấy, đến bây giờ mấy chục năm đã đi qua nhưng tôi vẫn nhớ rất rõ”. Có lẽ với những người như cụ Bùi Thưởng thì đó là ký ức đẹp đẽ và chói lọi nhất trong cuộc đời làm cách mạng và là ánh sáng soi chiếu cho con đường cách mạng về sau.
Cán bộ lão thành cách mạng 106 tuổi Bùi Thưởng - người đã tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 |
Và cứ thế, mỗi độ thu về, đi giữa trời mây trong xanh, trong muôn vàn nhung nhớ, không kể già hay trẻ, người Hà Tĩnh lại dậy lên khí thế những ngày cách mạng ấy. Lịch sử ghi lại rằng trước khi chính thức giành chính quyền thì ở Hà Tĩnh, trước phong trào biểu tình, tuần hành của dân chúng, bộ máy chính quyền địch từ tỉnh đến huyện, xã đã nhanh chóng tê liệt. Các công xưởng nằm in chờ đợi. Bọn quan lại tay sai của Nhật hoang mang, nhiều tên bỏ chạy hoặc tìm cách liên lạc với Việt Minh. Nhiều đồn binh của địch đóng cửa bất động…Nhận biết thời cơ ngàn năm có một đã đến, giờ khắc thiêng liêng của lịch sử dân tộc đã được các chiến sỹ cách mạng và quần chúng nhân dân chớp lấy. Ngày 16 -8 -1945, huyện đường Can Lộc bị chiếm và ngày 17 – 8, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng ở huyện. Đây là điểm mở đầu cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Tĩnh. Sau “phát súng” đầu tiên ấy, ở Thạch Hà, Cẩm Xuyên không khí càng trở nên sục sôi. Dân chúng khắp nơi với dáo mác, gậy gộc, cờ đỏ đã kéo đến bao vây uy hiếm tinh thần khiến chính quyền địch ở huyện sụp đổ và xin nộp giấy tờ, sổ sách, súng ống, đạn dược cho Ủy ban khởi nghĩa. Cùng lúc đó, ở thị xã Hà Tĩnh, cuộc mít tinh lớn nhằm biểu dương lực lượng và trấn áp kẻ thù cũng đã thành công rực rỡ. Toàn thị xã đã rung chuyển. Tuy chính quyền địch chưa thật sự bị đánh bại nhưng cả bầu trời và mặt đất đều đã thuộc về quần chúng, thuộc về cách mạng. Sáng ngày 18-8-1945, tỉnh trưởng chính quyền cũ xin nộp lại sổ sách, triện bạ cho cách mạng. Buổi sáng mùa thu bừng lên trong nắng vàng tươi, trong ngời trời băng cờ, khẩu hiệu. Thế là, ngày hôm ấy, sau đêm dài nô lệ, ánh bình minh đã trở lại rạng rỡ trong lòng mọi người. Ngay sau đó, một cuộc biểu tình tuần hành rầm rộ được tổ chức kéo qua các phố rồi tràn về sân vận động thị xã mít tinh chào mừng sự ra đời của Chính phủ nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh do đồng chí Trần Hữu Duyệt làm chủ tịch. Cùng với sự kiện đó, các huyện lị trong tỉnh cũng tổ chức đấu tranh và đến 21 – 8 thì đều đã lần lượt giành được chính quyền. Như vậy cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Tĩnh đã diễn ra khẩn trương và giành thắng lợi nhanh chóng. Điều đó chứng tỏ sức vùng lên vô cùng mạnh mẽ được kết tinh và truyền lại từ nhiều thế hệ. Và với thắng lợi này, nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục khẳng định được vị thế tiên phong của mình trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Khí phách cách mạng ấy cùng với truyền thống từ ngàn xưa đã tái hiện và hun đúc nên tinh thần đấu tranh bền bỉ của nhân dân Hà Tĩnh trong những cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ về sau. Để Hà Tĩnh lại ghi tên vào lịch sử đất nước bằng những làng K130, bằng Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại cùng những anh hùng như 10 cô gái Đồng Lộc, La Thị Tám, Nguyễn Tiến Tuẫn, Uông Xuân Lý v.v… Để 180 trang sử là 180 bông hoa đậm sắc văn hóa bản xứ, là 180 ngọn đuốc sáng ngời lòng yêu nước, sáng ngời tinh thần cách mạng bất khuất…
Thêm một mùa thu lịch sử nữa đi qua trong tiến trình lịch sử quê hương. Bằng khí phách cách mạng kiên trung, anh dũng, ngày nay, các thế hệ người Hà Tĩnh đang gắng công học tập, rèn luyện để đấu tranh chống lại sự khắc nghiệt của thiên tai, khai thác những tiềm năng sẵn có nhằm xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, tiếp tục ghi tên mình một cách rạng rỡ trong những trang sử mới của dân tộc.