Bệnh viện PHCN tỉnh nỗ lực điều trị, can thiệp để các bé có triệu chứng rối loạn phổ tự kỷ sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Năm 2018 và 2019, Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN) tỉnh đã phối hợp với các trường mầm non trên địa bàn TP Hà Tĩnh khám sàng lọc cho hơn 4.000 trẻ. Qua thăm khám, các bác sỹ đã phát hiện và tư vấn hơn 200 trẻ đi khám chẩn đoán các vấn đề về chậm phát triển tâm thần, tăng động giảm chú ý, tự kỷ và các khuyết tật phát triển khác, trong đó số trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ khá lớn.
Bác sỹ Phạm Thị Phương - Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, trước kết quả ban đầu trong việc sàng lọc trên địa bàn TP Hà Tĩnh, Bệnh viện PHCN tỉnh mới có ý tưởng xây dựng một đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về khảo sát, sàng lọc chẩn đoán chứng rối loạn phổ tử kỷ cho trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp phát hiện sớm các trẻ có các triệu chứng của rối loạn phổ tự kỷ để kịp thời tư vấn, điều trị.
Bệnh viện chủ động xây dựng các phòng can thiệp, tạo môi trường để các trẻ có thể tập làm quen.
Theo đánh giá từ các chuyên gia y tế, trước đây việc nhận biết, phát hiện và điều trị rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em gặp nhiều khó khăn do nhận thức của các bậc phụ huynh về căn bệnh này chưa đầy đủ, nhiều gia đình không chủ động trong việc khám, sàng lọc cho trẻ.
Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây nhờ thực hiện mạnh mẽ công tác truyền thông nên hầu hết các bậc phụ huynh đã có ý thức hơn trong việc khám sàng lọc cho trẻ, do đó, số lượng trẻ em được phát hiện có các khuyết tật nhất là phổ tự kỷ ngày càng nhiều.
Các bé được các bác sỹ, kỹ thuật viên hướng dẫn vui chơi.
Theo số liệu thống kê từ Bệnh viện PHCN tỉnh, tại Khoa Nhi, trung bình mỗi ngày có khoảng 150 – 200 bệnh nhân đến thăm khám, điều trị, trong đó có tới 1/3 là bị rối loạn phổ tự kỷ.
Để điều trị tốt cho các trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ và một số khuyết tật khác, ngay từ năm 2014, Bệnh viện PHCN tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ, kỹ thuật viên ngôn ngữ trị liệu; thu hút các thạc sỹ, cử nhân tâm lý học tham gia phối hợp điều trị phục hồi chức năng nhi khoa.
Bệnh viện cũng đã xây dựng các phòng bệnh với các trang thiết bị, không gian phù hợp cho việc điều trị các trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ.
Một kỹ thuật viên đang hỗ trợ điều trị cho một trẻ bị phổ tự kỷ nặng.
“Để nâng cao hiệu quả điều trị rối loạn phổ tự kỷ cho trẻ, các bậc phụ huynh cần xác định rõ, phổ tự kỷ không thể điều trị khỏi hoàn toàn mà chỉ giúp giảm các triệu chứng của bệnh để tái hòa nhập cộng đồng.
Từ thực tế này, bệnh viện sẽ đóng vai trò hỗ trợ về mặt y tế. Nhưng, quan trọng nhất là sự chung tay của cả xã hội. Trong đó, gia đình và nhà trường có vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo tâm lý, môi trường để trẻ hòa nhập”, bác sỹ Phạm Thị Phương chia sẻ thêm.
Được biết, hiện nay, Bệnh viện PHCN tỉnh đã đề xuất đề tài khảo sát, nghiên cứu về tỷ lệ trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ trên địa bàn Hà Tĩnh lên Hội đồng khoa học cấp tỉnh. Khi đề tài được thông qua, Bệnh viện PHCN tỉnh sẽ bắt tay triển khai các bước khảo sát, sàng lọc, từ đó có đánh giá đầy đủ về căn bệnh này trên địa bàn.
Rối loạn phổ tự kỷ biểu hiện lâm sàng đặc trưng với khả năng thiếu hụt về kỹ năng xã hội, các hành vi lặp lại và thiếu hụt hay thậm chí không có khả năng giao tiếp và ngôn ngữ. Ngoài các biểu hiện nêu trên, trẻ tự kỷ còn có thể có những biểu hiện lâm sàng khác như: co giật, động kinh, rối loạn vị giác, âm thanh, giấc ngủ, tăng động giảm chú ý, có vấn đề về hệ tiêu hóa, thường xuyên lo lắng, bồn chồn... |