Giúp trẻ khiếm khuyết ở Hà Tĩnh hòa nhập cộng đồng

(Baohatinh.vn) - Dạy trẻ ghép hình, nhận biết màu sắc, mặt chữ, con số… là những việc làm tưởng chừng đơn giản nhưng lại là cả một quá trình kiên nhẫn của những thầy, cô giáo dạy trẻ khiếm khuyết ở Hà Tĩnh.

Giúp trẻ khiếm khuyết ở Hà Tĩnh hòa nhập cộng đồng

Cô và trò Trung tâm Giáo dục trẻ em Ngày mới tại buổi học về tự nhiên

Với những trẻ khiếm khuyết như tự kỷ, tăng động, chậm nói, chậm tư duy… thì mỗi em sẽ có tính cách và đặc điểm khác nhau, chính vì thế, mỗi trẻ là mỗi giáo án riêng biệt, đòi hỏi giáo viên phải hiểu rõ các em.

Nhờ vào giáo án riêng mà sau gần 1 năm theo học tại Trung tâm Giáo dục trẻ em Ngày mới (P. Hà Huy Tập, TP. Hà Tĩnh). em N.M.P (6 tuổi) từ một bé tự kỷ, chậm nói nay đã có thể nói khá nhiều và biết tương tác với cô giáo.

Cô Lê Thị Hà Phương - giáo viên trung tâm, người trực tiếp dạy em N.M.P chia sẻ: “Tuy sự thay đổi rất chậm nhưng đó là thành quả của một quá trình. Em N.M.P bây giờ đã tương tác với tôi và còn nhận biết được màu sắc, hình khối, đó chính là “quả ngọt” được tạo nên bằng sự cố gắng của cô và trò..”.

Giúp trẻ khiếm khuyết ở Hà Tĩnh hòa nhập cộng đồng

Nhờ vào giáo án riêng mà sau gần 1 năm theo học tại Trung tâm Giáo dục trẻ em Ngày mới, em N.M.P (6 tuổi) đã có những tiến bộ tích cực.

Đồng hành và gắn bó với các em trong lớp tiền tiểu học, dạy những trẻ bị chậm về học tập, tư duy, cô Nguyễn Thị Ngọc Bích - giáo viên Trung tâm Giáo dục trẻ em Ngày mới cho biết: “Các em đến với trung tâm khi nhận thức về con số, mặt chữ khá kém, không được nhanh nhạy như trẻ bình thường. Thế nên sức lực, sự kiên nhẫn đối với các lớp hòa nhập phải gấp 3, gấp 4 lần với các lớp bình thường”.

“Đến nay, qua hơn 1 năm theo học lớp tiền tiểu học, 2 học sinh của tôi đã có thể nhận diện mặt chữ, con số. Điều khiến tôi vui nhất là qua thời gian dài nghỉ tết Nguyên đán nhưng các em vẫn không quên kiến thức cũ, đó là một tiến bộ của trẻ, là niềm hạnh phúc của tôi trong nghề giáo viên”, cô Bích vui mừng chia sẻ.

Giúp trẻ khiếm khuyết ở Hà Tĩnh hòa nhập cộng đồng

Một buổi học toán của lớp học tại Trung tâm Giáo dục trẻ em Ngày mới

Thầy giáo Hoàng Văn Quyết - Giám đốc Trung tâm Giáo dục trẻ em Ngày mới cho hay: “Trước đây, một bộ phận phụ huynh Hà Tĩnh khi có con mắc các chứng khiếm khuyết như: tự kỷ, tăng động… do tâm lý sợ cộng đồng dị nghị nên không sớm đưa con đi can thiệp dẫn đến việc nhiều trẻ không có cơ hội được sớm hòa nhập với cộng đồng.

Từ năm 2019, trung tâm đã tổ chức các buổi sàng lọc tâm lý miễn phí nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp trẻ khiếm khuyết, giúp các em sớm được giáo dục hòa nhập, xóa tâm lý sợ dị nghị từ cộng đồng của phụ huynh...”.

Giúp trẻ khiếm khuyết ở Hà Tĩnh hòa nhập cộng đồng

Các em tại Trung tâm Giáo dục trẻ em Ngày mới được giáo viên kèm cặp từ việc học tập cho đến sinh hoạt, ăn uống nhằm giúp các em sớm vào nền nếp, xây dựng thói quen tích cực.

Được biết, trung bình mỗi năm Trung tâm Giáo dục trẻ em Ngày mới đón khoảng 100 em đến để can thiệp, trị liệu tâm lý. Các em được sàng lọc, đánh giá mức độ, từ đó định hình liệu trình “điều trị” từ: 6 tháng, 12 tháng, 2 năm… tùy vào mức độ nhận thức.

Qua thời gian giáo dục đặc biệt, mỗi năm trung tâm có khoảng 60% các em được hòa nhập cộng đồng, trở lại các trường học bình thường. Còn khoảng 40% các em với mức độ trung bình và nặng vẫn phải tiếp tục các chương trình giáo dục phù hợp.

Giúp trẻ khiếm khuyết ở Hà Tĩnh hòa nhập cộng đồng

Tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển - Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Hồng Lĩnh, trẻ được chăm sóc giáo dục văn hóa để có thể sớm hòa nhập tại các trường học bình thường. (Ảnh chụp vào tháng 10/2021)

Tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển - Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Hồng Lĩnh (thị xã Hồng Lĩnh) có 129 em khiếm khuyết mức độ trung bình và nặng, thuộc các dạng như: khiếm thính, down, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ… tham gia học tập. Ở trung tâm, đa số các em đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, tính cách, tâm lí của mỗi em cũng khác nhau, rất khó giáo dục.

Khi đến trung tâm các em được chăm sóc, nuôi dưỡng và học tập về văn hóa và các kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ… để các em được phát triển toàn diện.

Chị N.T.H (SN 1971), mẹ của em N.T.Y.N (10 tuổi) tâm sự: "Khi sinh ra chẳng may con bị hội chứng down mức độ khá nặng, từ đó tôi cũng trở thành mẹ đơn thân, một mình nuôi con. Để tìm kiếm cơ hội hòa nhập cho con thì từ năm cháu 3 tuổi, 2 mẹ con đã dắt nhau lên Trung tâm Hỗ trợ phát triển – Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Hồng Lĩnh để cháu theo học, còn tôi thì xin vào làm phụ việc tại đây để có thể đồng hành cùng con”.

Giúp trẻ khiếm khuyết ở Hà Tĩnh hòa nhập cộng đồng

Qua 7 năm sinh sống và học tập tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển - Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Hồng Lĩnh, em Y.N đã có tiến bộ đáng kể. Đây là niềm vui to lớn của chị N.T.H.

Vì bị hội chứng down nên Y.N thiếu tập trung và khả năng tiếp thu chậm, em không có hứng thú với việc học, nhớ trước quên sau. Bởi thế, việc giáo dục cho những trẻ bị khiếm khuyết như Y.N là điều khó khăn bởi không chỉ cần sự kiên nhẫn mà còn cần có lòng yêu thương vô hạn với các em.

“3 năm đầu khi đến trung tâm, sự tiến bộ của con là khá chậm. Nhưng với sự đồng hành của các giáo viên, nên con tôi cũng dần tiến bộ, đến nay khi ở trung tâm đến năm thứ 7 thì cháu đã biết gọi mẹ, biết hát, biết đếm số, biết đọc và viết các vần, các âm đơn giản và tự phục vụ được bản thân. Tôi rất mừng vì giờ con đã nhận thức được tốt hơn trước rất nhiều...”, chị H vui vẻ cho biết.

Giúp trẻ khiếm khuyết ở Hà Tĩnh hòa nhập cộng đồng

Một tiết dạy tiếng Việt lớp 1 tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển - Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Hồng Lĩnh. Ảnh chụp vào tháng 11/2021

Bà Nguyễn Thị Toàn - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển - Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Hồng Lĩnh tâm sự: “Chỉ cần một sự thay đổi nhỏ từ các em cũng là niềm vui lớn của chúng tôi, bởi đó chính là kết quả của sự kiên nhẫn, tình thương yêu vô bờ đối với các em của tất thảy mọi người ở đây".

Giám đốc Nguyễn Thị Toàn chia sẻ thêm: "Để có những sự thay đổi dù là nhỏ nhoi đó, bắt buộc quá trình giáo dục trẻ khiếm khuyết phải diễn ra thường xuyên, liên tục. Nhưng, với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, trung tâm chưa thể đón hết các em quay trở lại. Mọi người đang rất mong dịch bệnh sớm được khống chế, ổn định để đón các em quay trở lại...”.

Giúp trẻ khiếm khuyết ở Hà Tĩnh hòa nhập cộng đồng

Buổi học nhận biết của cô trò Trung tâm Hỗ trợ phát triển - Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Hồng Lĩnh. Ảnh chụp vào tháng 11/2021

Từng sự tiến bộ nhỏ nhất của em N.M.P hay em N.T.Y.N trong từng hành vi, thói quen đơn giản... là tiền để để các em sớm được hòa nhập với trẻ bình thường.

Đó cũng chính là động lực, tinh thần to lớn giúp cho những giáo viên “đặc biệt” cố gắng hơn nữa trong hành trình gian nan đưa trẻ khiếm khuyết ở Hà Tĩnh hòa nhập cuộc sống.

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.
Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.