Ảnh minh họa từ internet
Kỳ nghỉ tết đã kết thúc gần 2 tuần nay, song người giúp việc nhà chị Nguyễn Thị Hòa (phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh) vẫn bặt vô âm tín. Sốt ruột vì công việc cơ quan dang dở, con cái không có thời gian chăm sóc, chị thúc giục người giúp việc trở lại. Tuy nhiên, sau 3 lần hứa hẹn qua điện thoại, chủ nhà sửng sốt khi bị người giúp việc từ chối với lý do đã tìm được công việc khác tương xứng.
Đáng nói, thực tế này luôn lặp đi lặp lại sau mỗi kỳ nghỉ tết khiến cuộc sống nhiều gia đình bị xáo trộn. Chị Lê Thị Mỹ Hạnh (tổ dân phố 4, phường Tân Giang - TP Hà Tĩnh) ngán ngẩm: “Chị giúp việc khá nhanh nhẹn, chăm chỉ nên vợ chồng tôi yên tâm tập trung vào công việc cơ quan. Mùng 3 tết, chị này đột ngột xin nghỉ khiến chúng tôi cuống cuồng tìm người. Năm nào cũng vậy, mặc dù tôi đã chấp nhận tăng lương, thêm tiền thưởng nhưng vẫn không thể níu chân họ”.
Câu chuyện bi hài trên cũng thường xuyên xảy ra tại các quán ăn, nhà hàng. “Anh/chị thông cảm, do nhân viên vẫn đang… nghỉ tết nên tạm thời chúng em cắt dịch vụ đưa đồ ăn tới tận nhà”. Đó cũng là câu hối lỗi quen thuộc với thực khách trong những ngày đầu năm.
Hầu hết lý do để người giúp việc “làm khó” như chán gia đình chủ cũ, muốn tăng lương, qua rằm tháng Giêng mới hết tết, tập trung gieo cấy vụ mùa… Theo tìm hiểu, tiền công cho người giúp việc hiện tại dao động từ 2,5-3,5 triệu đồng/tháng tùy từng công việc. Tuy nhiên, trên thực tế, mức thu nhập này cao hơn so với thỏa thuận. Ngoài ra, nếu làm tốt, người giúp việc còn được chủ nhà thêm tiền thưởng, quà bánh… So với thu nhập ít ỏi từ công việc đồng áng vất vả, việc nội trợ trong gia đình khá thoải mái và có phần “xông xênh” hơn. Đặc biệt, với những chị em nhanh nhẹn và biết nắm bắt nhu cầu thị trường, họ thường lựa chọn giúp việc theo giờ tại nhà (tiền công từ 1,5-2 triệu đồng/tháng) để chủ động kiếm thêm công việc bên ngoài, tăng thu nhập.
Theo ghi nhận, tiền thuê người giúp việc sau tết luôn ở mức giá khá cao. Đầu năm, do “1001 lý do” mà người giúp việc đưa ra, nhiều gia đình chấp nhận tìm giúp việc theo ngày với mức giá “chát” từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày tùy theo gói dịch vụ phổ thông hay chuyên nghiệp. Một số trung tâm còn vin vào lý do cầu nhiều hơn cung để tăng giá. Thực tế cho thấy, mức lương của lao động giúp việc gia đình đang được thả nổi theo nhu cầu thị trường. Thậm chí, thời điểm trước và sau tết, nhiều người phải trả lương cho người giúp việc 4-5 triệu đồng/tháng. Chính vì vậy, để hạn chế mức phí dịch vụ môi giới “nhảy vọt”, gia chủ cần liên hệ sớm với các trung tâm uy tín, lựa chọn gói dịch vụ phù hợp, thỏa thuận rõ ràng, tránh trường hợp “nước đến chân mới nhảy” để rồi bị ép giá.
Thông thường, gia chủ và giúp việc quen biết nhau qua sự giới thiệu của người quen. Yêu cầu công việc chỉ thông qua sự thỏa thuận bằng miệng, không có hợp đồng ràng buộc rõ ràng. Bên cạnh đó, người giúp việc hiện nay phần lớn là tự phát, chưa thông qua các khóa đào tạo bài bản nên tính chuyên nghiệp, ý thức trách nhiệm với công việc chưa cao. Mặc dù Luật Lao động đã yêu cầu gia chủ và giúp việc phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với các điều khoản rõ ràng, nhưng thực tế, chỉ có rất ít người thực hiện.
Tìm được người giúp việc đã khó, để người giúp việc làm việc xuất phát từ cái tâm còn khó hơn gấp bội. Chính vì vậy, “chủ nhà phải có nghệ thuật ứng xử mới có thể giữ chân người giúp việc lâu dài. Ngoài chế độ đãi ngộ, cách đối nhân xử thế của gia chủ cũng là lý do để chúng tôi đi hay ở” - chị Trịnh Thị Lan (Thạch Thắng, Thạch Hà), hiện đang giúp việc tại TP Hà Tĩnh khẳng định.