Cơ hội để nhân dân Hà Tĩnh tham gia xây dựng luật Đất đai

Thời gian qua, cùng với việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tỉnh ta đã triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) một cách đồng bộ, thống nhất với nhiều hình thức phong phú, hiệu quả. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý sâu rộng .

Nhằm thống nhất công tác chỉ đạo, BTV Tỉnh ủy đã nhanh chóng thành lập BCĐ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai sửa đổi. Sau đó, BCĐ tỉnh đã xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. MTTQ tỉnh, các ngành, địa phương cũng đều thành lập BCĐ, tổ giúp việc để triển khai nhiệm vụ theo yêu cầu thực tiễn của ngành mình, địa phương mình.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự dự hội nghị trực tuyến lấy ý kiến ĐBQH về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự dự hội nghị trực tuyến lấy ý kiến ĐBQH về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Thực hiện tinh thần chỉ đạo của tỉnh, tất cả các sở, ngành, đoàn thể và 12/12 huyện, thị, thành phố đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân một cách sâu rộng, thường xuyên và hiệu quả. Trong đó, ngành Tài nguyên – Môi trường là lực lượng chủ công trong công tác phối hợp tổ chức tuyên truyền và tập hợp ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Có thể thấy, một trong những giải pháp nhằm đảm bảo việc lấy ý kiến nhân dân đạt chất lượng tốt là công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến đã được các cấp, ngành triển khai sâu rộng, kịp thời, đúng nội dung đến tận mỗi cán bộ, đảng viên và người dân. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Ban Dân vận, MTTQ tỉnh và các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tổ chức tuyên truyền rộng rãi các nội dung liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng và cổng thông tin điện tử. Báo Hà Tĩnh và Đài PT-TH tỉnh mở các chuyên trang, chuyên mục để phản ánh, đưa tin, đăng tải kịp thời các văn bản chỉ đạo của T.Ư và tỉnh, các ý kiến đóng góp, đề xuất của các tầng lớp nhân dân. Các địa phương, đơn vị cũng đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền thông qua các hội nghị, sinh hoạt cơ quan, đoàn thể hay qua hệ thống loa phát thanh, tờ gấp, pa nô, áp phích và nhiều hình thức khác. Đặc biệt, những nội dung của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan trực tiếp, được người dân quan tâm nhất như: quy định về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thời hạn, hạn mức giao đất nông nghiệp; công tác đền bù, GPMB, giá đất… đã được các cấp, ngành tuyên truyền, phổ biến sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng để toàn dân có điều kiện tiếp cận và cho ý kiến góp ý chất lượng, hiệu quả.

Song song với việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, các hình thức tổ chức lấy ý kiến cũng được các cấp, ngành triển khai một cách phong phú, đa dạng và đạt chất lượng tốt nhất. Đến nay, toàn tỉnh đã có 57.398 ý kiến góp ý, trong đó có 27.398 ý kiến góp ý của các tổ chức và nhân dân do cấp huyện và cấp xã tiếp nhận; gần 30.000 ý kiến góp ý của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tiếp nhận. Nhìn chung, các ý kiến đóng góp đều có chất lượng, chuyên sâu, đầy đủ ở các chương, điều, khoản và thể hiện được sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng như các tầng lớp nhân dân.

Có thể nói, công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) được triển khai một cách nghiêm túc từ tỉnh đến cơ sở, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, tạo điều kiện để nhân dân tiếp cận luật và xây dựng luật. Tuy nhiên, dù Luật Đất đai được nhiều tầng lớp nhân dân quan tâm nhưng thực tế khi đi vào các điều luật cụ thể cần có kiến thức chuyên môn và thực tiễn từ các vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, vì vậy, các góp ý vẫn còn mang tính chung chung, không cụ thể về chương, khoản điều, gây khó khăn cho công tác tổng hợp. Mặc dù thời gian tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) kết thúc vào cuối tháng 3 nhưng công tác quản lý nhà nước về đất đai là vấn đề kinh tế rộng lớn, nhạy cảm, liên quan đến việc ổn định KT-XH và phát triển bền vững nên BCĐ các cấp vẫn tiếp tục tiếp nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của nhân dân để chuyển tải đến BCĐ T.Ư và Quốc hội nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về đất đai cũng như Luật Đất đai sửa đổi.

Ông Nguyễn Việt Hùng - Quyền Trưởng phòng TN-MT, TP. Hà Tĩnh: Nhân dân tích cực tham gia xây dựng luật

Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) là đạo luật quan trọng liên quan đến quyền và lợi ích của mỗi người. Vì vậy, tuy thời gian góp ý và lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trùng với dịp Tết Nguyên đán nhưng phần lớn nhân dân trên địa bàn TP Hà Tĩnh đã quan tâm và tham gia đóng góp nhiều ý kiến một cách tâm huyết, phản ánh trung thực, kịp thời. Đây thực sự là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn dân và cả hệ thống chính trị; là cơ hội để nhân dân tham gia xây dựng luật và có cơ hội tiếp cận với luật.

Luật gia Nguyễn Cự Duẩn - Chi hội Luật gia Chi cục Kiểm lâm: Đảm bảo hơn quyền lợi của người có đất bị thu hồi

Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã hình thành khung pháp lý để xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ đa mục tiêu. Đồng thời, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin về đất đai của mọi người dân, tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình lập, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, cũng như tham gia giám sát quản lý, sử dụng đất đai. Qua đó, hạn chế các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển KT-XH; quy định rõ các trường hợp được bồi thường, không được bồi thường, các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất. Với các quy định ngày càng cụ thể, minh bạch và đảm bảo hơn quyền lợi của người có đất bị thu hồi sẽ có tác động làm giảm khiếu kiện liên quan đến đất đai.

Ông Trần Hậu Giao - khối phố Tiền Giang, phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh: Về giá đất, gần như không có điểm mới so với Luật Đất đai năm 2003

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định cụ thể về chế độ bồi thường, hỗ trợ cho nông dân có đất bị thu hồi phù hợp theo hướng tiếp tục có đất giao cho bà con nông dân sản xuất và tạo việc làm lâu dài cho con cái của họ đến tuổi lao động.

Về giá đất, gần như không có điểm mới so với Luật Đất đai năm 2003, có chăng chỉ là việc thay đổi các thuật ngữ, các cụm từ. Thực chất các phương án nêu ra đều không mang tính khả thi cao vì thực tế giá thị trường là một khái niệm trừu tượng, việc tăng giảm giá thị trường có nhiều lúc đột biến và tạo ra các cơn sốt ảo, vì vậy, việc xác định thời điểm tăng liên tục đúng bản chất tăng giá đất để Chính phủ điều chỉnh kịp thời là chưa hợp lý.

Ông Bùi Đức Tự - xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên): Cần giao đất nông nghiệp ổn định, lâu dài

Trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), hạn mức giao đất nông nghiệp không thay đổi nhưng tăng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp và thời hạn giao đất nông nghiệp tăng từ 20 năm lên 50 năm. Các quy định này phần nào đáp ứng nhu cầu hình thành những khu sản xuất hàng hóa tập trung, tăng mức đầu tư, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, Nhà nước cần giao đất nông nghiệp ổn định, lâu dài và mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền hơn nữa để tạo điều kiện tích tụ ruộng đất, yên tâm đầu tư thâm canh tăng năng suất, sản lượng nông nghiệp. Đặc biệt, theo quy định cần có các quy định cụ thể về việc thu hồi đất đã giao khi hộ gia đình không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nữa hoặc thu hồi khi chủ hộ đã chết, không được thừa kế đất nông nghiệp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast