GPMB dự án đường cao tốc Bắc – Nam: Những vướng mắc cần tháo gỡ

(Baohatinh.vn) - Khu tái định cư (TĐC) chưa có điện, nước… là những nguyên nhân khiến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Đức Thọ (Hà Tĩnh) đang bị chậm.

GPMB dự án đường cao tốc Bắc – Nam: Những vướng mắc cần tháo gỡ

Một số hộ dân thôn Tiến Thọ, xã Yên Hồ đã động thổ khởi công xây dựng nhà, nhưng khu TĐC chưa có điện, nước nên gặp nhiều khó khăn

Khi nhận thông tin dự án đường bộ cao tốc đoạn qua Đức Thọ sẽ ảnh hưởng đến đất đai, nhà cửa và phải di dời đến nơi tái định cư (TĐC) mới, ông Trần Văn Giao và 27 hộ dân thôn Tiến Thọ đều đồng tình cao. Vừa qua ông Giao cũng như các hộ dân trong thôn đã ký nhận tiền đền bù và bốc thăm nhận đất TĐC.

Tuy nhiên, khi triển khai xây dựng nhà ở nơi khu TĐC, ông Giao đã gặp nhiều khó khăn, đó là hệ thống điện và nước sạch tại đây chưa có. Ông Giao phải kéo điện và xách từng xô nước từ nhà dân trong xóm, cách đó hàng trăm mét để thi công.

GPMB dự án đường cao tốc Bắc – Nam: Những vướng mắc cần tháo gỡ

Một hộ dân phải bỏ ra 10 triệu đồng để khoan giếng lấy nước xây dựng

"Chúng tôi là những hộ dân chấp hành nghiêm chủ trương của nhà nước. Sau khi nhận đất TĐC thì muốn xây dựng nhà cửa để ổn định cuộc sống, sinh hoạt. Tuy nhiên, với điều kiện hạ tầng chưa đảm bảo như thế này đã gây ra nhiều khó khăn, tốn kém thêm tiền bạc, công sức của người dân” – ông Giao bày tỏ bức xúc.

Ông Bùi Anh Sơn - Chủ tịch UBND xã Yên Hồ cho biết, đến nay, tại xã Yên Hồ 28 hộ dân (27 hộ dân và 1 nhà thờ họ) đã ký nhận tiền đền bù và bốc thăm nhận đất TĐC. Hiện xã đang tập trung làm thủ tục, hồ sơ cấp bìa đỏ cho các hộ dân.

“Đối với những kiến nghị của người dân, trong tuần này xã đã chỉ đạo HTX Dịch vụ nước sinh hoạt Yên Hồ khẩn trương lắp đồng hồ nước đến tận các hộ dân. Còn đối với phần điện thì địa phương cũng đã có đề xuất kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết” - Chủ tịch UBND xã Yên Hồ cho hay.

GPMB dự án đường cao tốc Bắc – Nam: Những vướng mắc cần tháo gỡ

Người dân thôn Tiến Thọ, xã Yên Hồ làm thủ tục nhận đất nơi ở mới

Ông Hà Trọng Thể - Giám đốc Điện lực Đức Thọ cho biết, đến nay thủ tục bàn giao hệ thống hạ tầng điện giữa chủ đầu tư (UBND huyện Đức Thọ) với ngành điện chưa hoàn thành nên chưa thể đấu nối được điện cho các hộ dân tại khu TĐC. Ngành điện cùng chính quyền địa phương đang tích cực hoàn thiện hồ sơ, thủ tục bàn giao giữa các bên để sớm cấp điện đến tận các hộ dân khi người dân có nhu cầu.

Tại xã Quang Vĩnh, có 35 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, với tổng diện tích phải thu hồi là 3,2 ha (trong đó 1,4 ha đất vườn và đất ở). Qua công tác kiểm đếm, tổng số tiền đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) là 18 tỷ đồng.

GPMB dự án đường cao tốc Bắc – Nam: Những vướng mắc cần tháo gỡ

Hạ tầng khu TĐC xã Quang Vĩnh

Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, đối thoại nhưng đến ngày 25/11 mới có 1/35 hộ đồng ý phương án bồi thường, hỗ trợ. Theo kiến nghị của các hộ dân xã Quang Vĩnh, huyện cần xem xét, hỗ trợ bồi thường đối với những công trình như đường giao thông nông thôn, trụ sở hội quán thôn do Nhân dân đóng góp xây dựng.

Một số người dân phản ánh, việc đền bù chưa thỏa đáng, giá đền bù đất, công trình kiến trúc trên đất thấp dẫn đến các hộ bị ảnh hưởng không đủ điều kiện để di dời ra nơi ở mới.

Ông Phạm Văn Được (thôn Vĩnh Phúc) cho biết, gia đình ông bị thu hồi gần 500 m2, có 2 ngôi nhà cấp 4 kiên cố, hệ thống chuồng trại chăn nuôi, cây cối trên đất… Trong quá trình xây dựng, gia đình đã tôn tạo vườn lên cao 2m so với mặt bằng chung nhưng trong quá trình kiểm đếm, Hội đồng bồi thường GPMB đã không tính khối lượng đất tôn tạo nên chỉ được đền bù 679 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình không đủ để mua đất ở khu tái định cư (TĐC) và xây dựng nhà ở mới.

GPMB dự án đường cao tốc Bắc – Nam: Những vướng mắc cần tháo gỡ

Ông Phạm Văn Được kiến nghị huyện tính toán lại khối lượng đất bồi đắp của gia đình trong thời gian sinh sống tại nơi ở cũ để có phương án hỗ trợ hợp lý hơn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh Đức cho biết, huyện rất chia sẻ với người dân, đã nghiên cứu rất chặt chẽ trên cơ sở giá đất thị trường tại các địa phương để đưa ra mức bồi thường có lợi nhất cho người dân. Giá đất và giá nhà cửa, vật kiến trúc trên đất của người dân bị thu hồi, đã được các cơ quan chức năng áp giá đúng với các quy định và pháp luật hiện hành.

Theo quy định, các hộ dân bị thu hồi đất đủ điều kiện sẽ được tái định cư. Những hộ đủ điều kiện mà không yêu cầu bố trí chỗ ở tại khu tái định cư sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng theo Quyết định số 75/2014 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

“Hội đồng bồi thường GPMB huyện tiếp tục tiếp thu ý kiến của người dân bị ảnh hưởng; đồng thời tiếp tục công khai, đối thoại và giải thích cho các hộ dân được rõ hơn về các quy định của Nhà nước trong công tác bồi thường, GPMB” - Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh Đức cho hay.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua huyện Đức Thọ dài 4,84 km. Để triển khai dự án, 3 xã (Yên Hồ, Quang Vĩnh, Thanh Bình Thịnh) có tuyến đường đi qua phải thu hồi hơn 39,9 ha đất các loại, có 475 hộ bị ảnh hưởng, 73 hộ phải tái định cư, di dời 307 ngôi mộ cùng công trình hạ tầng kỹ thuật khác với tổng chi phí thực hiện đền bù, GPMB 194,5 tỷ đồng.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.