Hà Tĩnh: 23 học sinh tử vong do đuối nước trong 6 tháng

(Baohatinh.vn) - 6 tháng đầu năm 2020, tại Hà Tĩnh đã có 23 nạn nhân ở lứa tuổi học sinh tử vong do đuối nước, một con số đáng cảnh báo.

Hà Tĩnh: 23 học sinh tử vong do đuối nước trong 6 tháng

Vụ tai nạn đuối nước thương tâm khiến 3 học sinh thiệt mạng ở xã Yên Hồ hôm 30/6.

Vụ đuối nước thương tâm xảy ra gần đây nhất là vào ngày 30/6/2020. Vào lúc 15h30 ngày 30/6, 4 em nhỏ là Vũ Lê N., Nguyễn Đức U., Phạm Thị D. (trú tại xã Yên Hồ) và Nguyễn Hà L. (trú tại xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ), đều sinh năm 2008, rủ nhau đi tắm tại bến Trung Hậu, thuộc sông Rào Trổ, đoạn qua thôn Tiến Hòa, xã Yên Hồ (Đức Thọ).

Đến 16h30 thì 3 em là Vũ Lê N., Nguyễn Đức U. và Nguyễn Hà L. bị đuối nước, còn em Phạm Thị D. bơi được vào bờ, chạy về nhà báo với người lớn.

Nhận được tin báo, người nhà các em đã ra khu vực bến Trung Hậu để ứng cứu, nhưng do bị đuối nước quá lâu nên cả 3 học sinh đã chìm xuống sâu. Đến khoảng 18h10 phút cùng ngày, thi thể 3 em học sinh mới được tìm thấy.

Hà Tĩnh: 23 học sinh tử vong do đuối nước trong 6 tháng

Sông Rào Trổ đoạn qua thôn Tiến Hòa - nơi người dân thường xuyên đến tắm khá dài và sâu nhưng chưa có hệ thống bảng biển cảnh báo nguy hiểm.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại hiện trường vụ đuối nước khiến 3 học sinh tử vong, khúc sông khá dài và sâu nhưng không có hệ thống rào chắn hay bảng cảnh báo, biển cấm. Người dân thôn Tiến Hòa phản ánh, từ trước tới nay, nhiều người lớn và trẻ em trong vùng vẫn thường xuyên tắm, giặt ở đây.

“Sau sự việc đau lòng, chúng tôi mong muốn chính quyền, các đoàn thể có biện pháp cảnh báo, quản lý chặt chẽ hơn việc người dân, nhất là trẻ em đến tắm tại khu vực này” – một người dân cho biết.

Hà Tĩnh: 23 học sinh tử vong do đuối nước trong 6 tháng

Thị đoàn Hồng Lĩnh đã tiến hành cắm nhiều biển cảnh báo tại các khu vực nước sâu nhưng một bộ phận người dân vẫn bất chấp nguy hiểm, phớt lờ cảnh báo.

Theo số liệu từ ngành chức năng, 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh ghi nhận 8 ca tử vong do đuối nước ở lứa tuổi học sinh. Thế nhưng 6 tháng đầu năm nay, con số này đã lên đến 23 ca.

Sự gia tăng này được lý giải do thời tiết nắng nóng gay gắt từ đầu mùa, tình trạng học sinh tắm ao hồ, sông suối diễn ra phổ biến hơn. Tuy nhiên, có thể thấy nguyên nhân sâu xa vẫn xuất phát từ sự chủ quan của chính quyền địa phương, đoàn thể, đặc biệt phần lỗi rất lớn đến từ sự chủ quan, thiếu trách nhiệm giám sát, giáo dục con em của phụ huynh.

Hà Tĩnh: 23 học sinh tử vong do đuối nước trong 6 tháng

Số lượng các vụ đuối nước không ngừng gia tăng nhưng tình trạng trẻ em tắm ao hồ, sông suối không có sự giám sát của người lớn vẫn rất phổ biến. Ảnh chụp tại tuyến kênh chính của hồ Kẻ Gỗ đoạn qua xã Cẩm Duệ.

Dù số lượng các vụ đuối nước không ngừng gia tăng và đều đã được thông tin, cảnh báo trên các phương tiện thông tin, nhưng một bộ phận người dân dường như “chưa biết sợ”, vẫn phớt lờ cảnh báo và đánh cược sinh mạng của bản thân, con em mình.

Anh Phan Văn Đường - Bí thư Thị đoàn Hồng Lĩnh cho biết: “Hàng năm, đoàn thanh niên phối hợp các đơn vị liên quan cắm biển cảnh báo tại tất cả các khu vực nguy hiểm, nước sâu trên địa bàn. Tuy nhiên, trong đợt rà soát vừa rồi, rất nhiều biển đã bị phá hỏng, mất mát, chúng tôi phải tiến hành cắm lại, tuyên truyền bằng loa phát thanh để nhắc nhở người dân quản lý con em, không được đến tắm ở các khu vực nguy hiểm...”.

Cũng theo anh Đường, dù đã triển khai các biện pháp nhưng việc giám sát 24/24h tại các địa điểm khu vực nước sâu là không thể nên khi không có cán bộ nhắc nhở, người dân lại đến vui chơi, tắm mát những nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước.

Hà Tĩnh: 23 học sinh tử vong do đuối nước trong 6 tháng

Nhiều người lớn chưa nêu cao trách nhiệm làm gương cho con em trong công tác phòng, chống đuối nước. Trong ảnh: Người dân tắm tại miệng cống tràn của hồ điều hòa Bắc Hồng - TX Hồng Lĩnh (ảnh CTV)

Tại xã Cẩm Duệ - huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) - địa bàn có tuyến kênh chính của hồ Kẻ Gỗ đi qua, vào các buổi chiều, rất đông người dân tập trung trên kênh để “biểu diễn” các pha nhào lộn, nhảy cầu khiến nguời xem “thót tim”. Không chỉ có trẻ em mà nhiều người lớn thậm chí còn “hăng hái” hơn.

Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ Võ Tá Kỷ cho biết: “Các trường học đã tổ chức cho học sinh ký cam kết và tuyên truyền, trang bị kỹ năng phòng đuối nước; loa phát thanh phổ biến nội dung này đến toàn thể bà con, tuy nhiên, không ít người dân vẫn đi tắm kênh”.

Chị N.T.M (một người dân xã Cẩm Duệ) phân trần: “Trời nắng nóng quá nên tôi cho cháu ra kênh tắm cùng các bạn. Cháu nó biết bơi, với lại tôi cũng đã dặn cháu tránh khu vực nước sâu, nước xoáy”.

Hà Tĩnh: 23 học sinh tử vong do đuối nước trong 6 tháng

Bơi lội, phòng chống đuối nước là kỹ năng rất cần thiết cho trẻ.

Tin tưởng con đã biết bơi, dặn dò con chỉ tắm ở khu vực nước nông... là những lý do nhiều phụ huynh đưa ra để biện hộ cho việc để con tắm kênh, tắm sông. Tuy nhiên, qua nhiều vụ đuối nước cho thấy, không ít em tử vong dù biết bơi và từ nhỏ đã quen với môi trường sông nước.

Vì vậy, các bậc phụ huynh cần nhận thức đúng đắn, nâng cao ý thức chấp hành các quy định phòng, chống đuối nước để làm gương, đồng thời, trang bị kỹ năng, quản lý con em chặt chẽ, tránh sự việc đáng tiếc có thể xẩy ra.

Chính quyền, ngành chức năng cần có biện pháp tích cực hơn nữa trong tuyên truyền, giám sát, nhắc nhở người dân không tắm tại các khu vực nước sâu, nguy hiểm để hạn chế những vụ việc thương tâm.

Chủ đề Đuối nước, chết đuối

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast