Hà Tĩnh chủ động tiếp cận chương trình sách giáo khoa lớp 5, 9 và 12

(Baohatinh.vn) - Để chuẩn bị cho năm học mới - năm đầu tiên các lớp 5, 9 và 12 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường ở Hà Tĩnh đã chủ động tiếp cận, nghiên cứu sách giáo khoa.

Đến thời điểm hiện tại, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai 4 năm ở bậc tiểu học, 3 năm ở bậc THCS và 2 năm ở bậc THPT.

Tuy nhiên với các lớp 5, 9 và 12, đây lại là năm đầu tiên thực hiện thay sách giáo khoa mới. Theo đó, để đáp ứng mục tiêu vận hành hiệu quả chương trình, thời gian qua các cơ sở giáo dục, đội ngũ cán bộ, giáo viên đã khởi động sớm hoạt động chuẩn bị cho việc dạy, học trong năm học 2024-2025.

1.1.jpg
Đến cuối tháng 7/2024, ngành giáo dục Hà Tĩnh đã kết thúc việc giới thiệu chương trình sách giáo khoa mới ở các lớp 5, 9 và 12.

Thầy Đậu Quang Hồng, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông - Sở GD&ĐT thông tin: “Qua nghiên cứu, lựa chọn, Hà Tĩnh vẫn tiếp tục sử dụng 2 bộ sách Cánh diều và Kết nối tri thức với cuộc sống. Việc chủ động lựa chọn sách đã giúp ngành triển khai sớm hoạt động tập huấn. Đây là cơ hội để giáo viên chia sẻ những băn khoăn, vướng mắc trong quá trình nghiên cứu, từ đó phát huy hiệu quả của sách mới trong triển khai giảng dạy. Đến thời điểm hiện tại, công tác giới thiệu, tập huấn chương trình, nội dung sách mới cho các trường học trên địa bàn đã hoàn thành”.

Chuẩn bị kiến thức cho việc dạy học theo chương trình sách giáo khoa mới ở các lớp cuối cùng, mỗi trường học là một điểm cầu trực tuyến kết nối hoạt động tập huấn, giới thiệu sách. Đây là yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho 100% cán bộ, giáo viên tham gia, từ đó có sự đánh giá, góp ý một cách toàn diện trong quá trình triển khai thực hiện.

1.2.jpg
Tại Can Lộc, mỗi trường học tổ chức 1 điểm cầu trực tuyến, tạo điều kiện cho 100% cán bộ, giáo viên tham gia chương trình tập huấn, giới thiệu sách.

Cô Lê Thị Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Diệu (Can Lộc) cho biết: “Ngay khi kết thúc đợt tập huấn, chúng tôi đã bám sát chỉ đạo của Phòng GD&ĐT để xây dựng kế hoạch của trường. Theo đó, trường đã giao nhiệm vụ cho các giáo viên tiếp tục nghiên cứu sách, soạn 1 số kế hoạch bài giảng theo chủ đề. Ngoài ra, chúng tôi đặc biệt chú trọng vào các nội dung kiểm tra, đánh giá học sinh theo định hướng của chương trình mới, bởi đây cũng là nội dung chưa được đề cập nhiều trong chương trình tập huấn”.

Tại Trường Tiểu học Sơn Tây (Hương Sơn), cùng với việc lựa chọn, phân công đội ngũ giáo viên giảng dạy lớp 5, ngay sau đợt tập huấn, trường cũng đã triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung tiếp theo. Đó là chuẩn bị các nội dung tổ chức chuyên đề cấp trường; giao các tổ bộ môn, giáo viên nghiên cứu kỹ nội dung sách để có sự điều chỉnh kế hoạch giáo dục linh hoạt, phù hợp với năng lực, trình độ học sinh và tình hình thực tế của địa phương.

1.4.jpg
Cô Trần Thị Thắng - giáo viên Trường Tiểu học Sơn Tây (Hương Sơn) dành thời gian nghiên cứu sách để xây dựng kế hoạch bài giảng

Cô Trần Thị Thắng – giáo viên Trường Tiểu học Sơn Tây (Hương Sơn) chia sẻ: “Dù đã tiếp cận phương pháp giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ nhiều năm nay, nhưng đây là năm đầu tiên thực hiện thực hiện sách mới ở lớp 5 nên tôi vẫn rất lo lắng. Để chủ động nắm bắt chương trình, tôi đã dành nhiều thời gian đọc, nghiên cứu kỹ bộ sách Cánh diều và các tài liệu về đổi mới phương pháp, cách tiếp cận chương trình để sắp tới cùng với giáo viên trong tổ bộ môn tổ chức các tiết dạy thực nghiệm để làm quen, rút kinh nghiệm”.

Đến thời điểm hiện tại, việc nghiên cứu, tiếp cận chương trình, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên, xây dựng các chuyên đề sinh hoạt chuyên môn liên trường, liên cụm đã và đang được các cơ sở giáo dục thực hiện. Cùng với đó, các nhà trường, phòng giáo dục cũng đã chủ động tham mưu với địa phương, phụ huynh nguồn lực để chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị triển khai hiệu quả chương trình mới ở các lớp cuối cấp.

1.3.jpg
Việc nghiên cứu sách, xây dựng các tiết dạy thể nghiệm còn được nhiều trường học ở Can Lộc thực hiện theo tổ bộ môn.

Thầy Nguyễn Trường Giang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Sơn thông tin: “Để chuẩn bị cho năm học mới, Phòng GD&ĐT đã tăng cường công tác tham mưu, huy động nguồn lực xã hội hóa. Theo đó, trung bình mỗi năm ngành giáo dục Hương Sơn được đầu tư khoảng 10 tỷ đồng cho việc mua sắm các trang thiết bị dạy học như: tivi smart, bảng trượt, bộ dụng cụ học tập, đồng thời hoàn thiện các phòng học bộ môn... đảm bảo cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, năm học mới sẽ chính thức bắt đầu. Việc chủ động tiếp cận chương trình sách giáo khoa mới ở các lớp cuối cấp đang được các trường thực hiện bằng những kế hoạch, phần việc cụ thể. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành giáo dục triển khai để góp phần thực hiện mục tiêu củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục trong năm học mới.

Đọc thêm

Ngôi trường làng đẹp như tranh vẽ ở Hà Tĩnh

Ngôi trường làng đẹp như tranh vẽ ở Hà Tĩnh

Trường Mầm non Thụ Lộc (xã Phù Lưu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) được xây dựng từ nguồn Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup và nguồn xã hội hóa của địa phương. Ngôi trường khang trang, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.
Những tiết học không smartphone tại Hà Tĩnh

Những tiết học không smartphone tại Hà Tĩnh

Nhiều trường học trên địa bàn Hà Tĩnh thời gian qua đã có những cách làm hay trong việc quản lý học sinh sử dụng điện thoại thông minh, giúp các em tập trung hơn cho việc học.