Sáng 16/12, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”. Chủ trì tại điểm cầu Hà Nội có: PGS.TS Phạm Văn Linh – Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh và lãnh đạo một số bộ, ban ngành Trung ương. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh. Cùng dự có lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, lãnh đạo một số sở, ngành, các huyện, thành phố, thị xã. |
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của BCH Trung ương Đảng khóa XI đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về chính sách xã hội có chuyển biến rõ rệt, hệ thống chính sách xã hội đã cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo cơ bản quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu nghị quyết đề ra với nhiều điểm sáng trong lĩnh vực người có công, giảm nghèo và an sinh xã hội; trong tổng số 26 chỉ tiêu có 5 chỉ tiêu vượt và hoàn thành trước thời hạn, 16 chỉ tiêu đạt mục tiêu vào năm 2020.
Đại biểu dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các ngành, địa phương đã tập trung thảo luận về những kết quả triển khai thực hiện nghị quyết và định hướng giai đoạn 2023 - 2030.
Theo đó, bên cạnh các kết quả đạt được, các đại biểu cũng kiến nghị, đề xuất một số mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp để thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh xã hội giai đoạn 2023 – 2030.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu tham luận tại hội nghị.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu cho rằng, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW và 2 năm thực hiện Kết luận số 92-KL/TW, bằng việc tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, hiệu quả, nhất là ban hành các chính sách phù hợp, tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Tại Hà Tĩnh, việc triển khai thực hiện các chính sách xã hội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW và 2 năm thực hiện Kết luận số 92-KL/TW ngày 05/11/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, Hà Tĩnh đã đạt một số kết quả tích cực như: 100% trạm y tế xã có bác sỹ, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng năm 2021 còn 8 %, tuổi thọ trung bình đạt 72,8 tuổi; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 91%. Đến nay, toàn tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác chính sách người có công; 98% gia đình người có công có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình nơi cư trú. Chương trình giảm nghèo đạt kết quả toàn diện, tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 tại Hà Tĩnh theo chuẩn nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2022 là 4,68% (17.848 hộ), tỷ lệ hộ cận nghèo là 5,09% (60.896 hộ). Chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin truyền thông đạt nhiều kết quả tích cực: 100% dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới được phủ sóng phát thanh. |
Để tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; phát triển hệ thống chính sách xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu cho rằng, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI và 02 năm thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị, đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII ban hành Nghị quyết về chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2023 - 2030, định hướng đến năm 2050.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị: Quốc hội, Chính phủ tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; người có công, bảo trợ xã hội, trợ giúp xã hội; giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, việc làm.
Tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng để bảo đảm người có công và gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; tiếp tục thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững tiếp cận với chuẩn nghèo đa chiều; tăng hỗ trợ của Nhà nước từ 10% hiện nay lên 20% để mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện, hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân.
Điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp xã hội để phù hợp với tình hình hiện nay và đảm bảo mức sống tối thiểu của đối tượng yếu thế; hạ tuổi hưởng trợ cấp xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi…
PGT.TS Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương kết luận hội nghị. (Ảnh Báo QĐND).
Kết luận hội nghị, PGT.TS Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 của các địa phương và sự vào cuộc tích cực của các bộ, ban, ngành Trung ương.
Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương đề nghị: cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc thực hiện các chương trình, chính sách đối với người có công và bảo đảm an sinh xã hội.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, thể chế hoá nghị quyết, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và Nhân dân về an sinh xã hội. Xác định rõ chính sách xã hội chăm lo cho người dân là nhiệm vụ chiến lược, là trách nhiệm thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức, đoàn thể và Nhân dân.