Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn kiểm tra công tác đối phó với cơn bão số 2 tại huyện Lộc Hà và Nghi Xuân
Trước đó, trong cuộc họp triển khai các phương án đối phó với cơn bão số 2, Bí thư Tỉnh uỷ Lê Đình Sơn yêu cầu: 17h chiều nay, tất cả các tình huống ứng phó bão phải được kiểm soát, nhất là các địa phương ven biển.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu trong chiều nay, tất cả các hệ thống cống của các hồ đập phải được vận hành, kiểm soát tình huống. Các địa phương phải kiểm tra cụ thể tận cơ sở. Đồng thời, xây dựng kịch bản mưa 300 mm để có phương án xử lý lũ quét ở các vùng Hương Sơn, Vũ Quang.
ĐVTN, lãnh đạo địa phương giúp ngư dân huyện Kỳ Anh đưa thuyền cá lên bờ tránh bão
Tại huyện Kỳ Anh, theo ông Bùi Quang Hoàn - Chủ tịch UBND huyện, địa phương đã yêu cầu các xã ven biển theo dõi chặt chẽ cập nhật thông tin, tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, kêu gọi tàu thuyền ở xa vào nơi trú ẩn an toàn, thường xuyên giữ thông tin liên lạc, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi.
Huyện cũng đã tiến hành kiểm tra, rà soát tất cả các hồ chứa trên địa bàn, xây dựng phương án khắc phục kịp thời các hư hỏng nhỏ, đối với các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cao…
Từ sáng 16/7, BĐBP Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đồn trạm tăng cường lực lượng xuống địa bàn giúp nhân dân phòng chống bão. Các đồn trạm tuyến biển cử cán bộ chiến sỹ xuống địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương, các cảng cá tổ chức bắn pháo hiệu, thông tin, kêu gọi các thuyền đang còn đánh bắt xa bờ vào các khu neo đậu; kiểm tra, sắp xếp tàu thuyền tránh va chạm do bão gây ra; lên các phương án di dời nhân dân ở các vùng ven biển lên nơi an toàn.
BĐBP Hà Tĩnh hỗ trợ ngư dân chằng néo tàu thuyền tại cảng cá Cửa Sót, Thạch Kim, Lộc Hà
Đến 15 giờ ngày 16/7, có 215 phương tiện/1.346 thuyền viên đang trên đường vào tránh trú bão ở các vùng biển Hà Tĩnh và đã lực lượng được BĐBP liên lạc, hướng dẫn vào các khu neo đậu an toàn.
Ở tuyến núi, các đồn trạm cũng đang triển khai các phương án đối phó khi xảy ra lũ quyét. Lực lượng đã xuống các địa bàn trọng điểm có khả năng bị ảnh hưởng để giúp nhân dân chằng néo nhà cửa, sắp xếp vận chuyển tài sản lên nơi an toàn; phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra các đập trên địa bàn có khả năng bị sạt lở, lên các phương án đối phó khi có tình huống xấu xẩy ra.
Ngư dân neo đậu tàu thuyền tránh bão
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã sẵn sàng lực lượng 100 % quân số, 9 phương tiện tàu ca nô cứu nạn để ứng cứu có yêu cầu; thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống ở các đơn vị và địa bàn trên 2 tuyến biên phòng.
Tại Khu du lịch Thiên Cầm, các khách sạn, nhà hàng cũng đã triển khai các phương án bảo vệ tài sản đề phòng bão đổ bộ.
Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Phạm Đăng Nhật cho biết: Hiện Cẩm Xuyên đang có 9.000 ha lúa trong giai đoạn làm đòng. Nếu bị ngâm nước sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất. Do vậy, huyện đã giao nhiệm vụ các địa phương đảm bảo công tác thủy lợi, hệ thống đập tràn, cửa điều tiết đảm bảo vận hành và được trực 24/24h. Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng lúa ngâm nước lâu, ảnh hưởng đến năng suất, chủ tịch UBND xã đó phải chịu trách nhiệm.
Về mực nước trên các hồ đập hiện nay, Hồ Kẻ Gỗ khoảng 27,92m/31,5m; hồ Thượng Tuy 21m/24,5m; hồ Sông Rác 19,5m/23,2m. Theo tổng lượng mưa dự báo phổ biến của bão số 2 là 150-300mm thì mực nước các hồ vẫn đảm bảo an toàn.
Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh kiểm tra tuyến đê ven biển Kỳ Ninh
Tại thị xã Kỳ Anh, sau khi kiểm tra tình hình neo đậu tàu thuyền tại các xã Kỳ Ninh, Kỳ Hà, lãnh đạo địa phương đã xuống kiểm tra, chỉ đạo việc bảo vệ công trình đê ven biển Kỳ Ninh. Đây là tuyến đê đang trong quá trình thi công nên có nhiều điểm xung yếu có nguy cơ bị nước tràn vào làm ngập các hồ nuôi tôm trong đê.
Lãnh đạo thị xã đã yêu cầu xã Kỳ Ninh nhanh chóng huy động lực lượng, nhà thầu huy động vật tư, máy móc nhanh chóng gia cố tạm thời các điểm xung yếu để đảm bảo nước không tràn vào phía trong.
Lãnh đạo Lộc Hà trao đổi với Ban Quản lý cảng cá về phương án phòng chống bão
Để đối phó với cơn bão số 2, Lộc Hà đang di dời khoảng 2.000 hộ dân của các xã trọng điểm, ven biển, ven sông như: Thạch Kim, Thạch Bằng, Thịnh Lộc, Mai Phụ, Hộ Độ, Phù Lưu... đến nơi an toàn, bố trí nơi ăn, ở ổn định.
Lãnh đạo Nghi Xuân trao đổi với ngư dân về phương án chằng néo tàu thuyền
Tại Nghi Xuân, việc tiến hành di dời 457 hộ dân, với trên 1.100 nhân khẩu tại các xã Cương Gián, Xuân Giang, Xuân Lĩnh đến nơi trú ẩn an toàn cũng đang được địa phương gấp rút triển khai. Hiện toàn bộ tàu thuyền của ngư dân Nghi Xuân đã về nơi trú ẩn an toàn.
Tại xã Xuân Hội, người già, trẻ em đã được đưa về nơi trú ẩn an toàn
Lãnh đạo huyện Nghi Xuân đến động viên, trao mì tôm cho người dân Xuân Hội tại điểm tránh bão.
Đội thanh niên tình nguyện nấu cơm cho người dân ở nơi trú ấn