Hà Tĩnh giảm 33 trường công lập năm học 2020-2021

(Baohatinh.vn) - Năm 2020, Hà Tĩnh thực hiện quyết liệt chủ trương sáp nhập trường lớp với việc giảm 33 trường công lập. Kết quả đó vượt trước 1 năm chỉ tiêu giảm cơ sở giáo dục công lập theo Nghị quyết 96/2018/NQ-HĐND, ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh.

Hà Tĩnh giảm 33 trường công lập năm học 2020-2021

Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (Thạch Hà) được thành lập từ 3 trường tiểu học: Thạch Tiến, Thạch Việt và Việt Xuyên

Năm 2020, Thạch Hà sáp nhập 17 trường mầm non, tiểu học, THCS thành 8 trường (giảm 9 trường). Bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: “Để đi đến kết quả như hôm nay, 3 năm qua, Phòng GD&ĐT Thạch Hà đã tham mưu không bổ nhiệm hiệu trưởng mới khi có người về hưu.

Ở những trường không có hiệu trưởng, giao hiệu phó phụ trách, đồng thời, mỗi tuần cử chuyên viên về trường hỗ trợ, tư vấn công tác chuyên môn. Vì thế, khi sáp nhập trường, không có hiệu trưởng dôi dư”.

Hà Tĩnh giảm 33 trường công lập năm học 2020-2021

Đến nay, việc dạy học ở các trường sau sáp nhập đã đi vào ổn định.

Để hoạt động của các trường sau sáp nhập sớm đi vào nền nếp, ổn định, tại những vùng khó khăn, Thạch Hà lựa chọn, điều động cán bộ có năng lực làm công tác quản lý.

Cô Trần Thị Hiến Chương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (sáp nhập từ 3 trường tiểu học: Việt Xuyên, Thạch Tiến và Thạch Việt) cho biết: “Với kinh nghiệm công tác quản lý tại những trường tiểu học cũ và sự đồng thuận của ban giám hiệu, giáo viên, đến nay, sau hơn 1 tháng sáp nhập, hoạt động của nhà trường đã đi vào nền nếp”.

Hà Tĩnh giảm 33 trường công lập năm học 2020-2021

Để nâng cao chất lượng dạy học, ngoài việc thường xuyên kiểm tra tại các trường, cô Trần Thị Hiến Chương cùng ban giám hiệu nhà trường thường xuyên duy trì hoạt động thăm lớp, dự giờ

Từ bước khởi động năm 2018, năm nay, Can Lộc cũng sáp nhập 12 trường thành 6 trường. Việc thực hiện chủ trương này được sự đồng thuận lớn của Nhân dân khi chất lượng những trường sáp nhập trước đó được giữ vững và cải thiện, cơ sở vật chất được đầu tư. Bài toán dôi dư cũng được Phòng GD&ĐT chủ động sớm.

Hà Tĩnh giảm 33 trường công lập năm học 2020-2021

Sau sáp nhập, nhiều điểm trường được đầu tư nâng cấp

Cô Nguyễn Thị Thu Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Đức Kế (thị trấn Nghèn, Can Lộc) cho biết: “Là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Nghèn, nhưng năm học này, thực hiện chủ trương sáp nhập trường nên tôi về làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Đức Kế. Trước mắt, tôi dành thời gian để đầu tư nghiên cứu về chuyên môn, nhất là trong bối cảnh giáo dục đang có sự đổi mới mạnh mẽ”.

Hà Tĩnh giảm 33 trường công lập năm học 2020-2021

Giáo viên Trường Tiểu học Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc) không chỉ đoàn kết thực hiện tốt công tác chuyên môn mà còn trong các hoạt động xây dựng, chỉnh trang trường lớp...

Đến thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh có 667 trường, giảm 33 trường công lập so với cuối năm học 2019-2020 và giảm 72 trường so với năm học 2015-2016.

Cụ thể, bậc mầm non giảm 29 trường, tiểu học giảm 39 trường, THCS giảm 3 trường, THPT giảm 1 trường. Với số lượng đó, Hà Tĩnh giảm 10,1% cơ sở giáo dục công lập so với năm 2015 - vượt chỉ tiêu của Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND trước 1 năm.

Hà Tĩnh giảm 33 trường công lập năm học 2020-2021

... đến việc sinh hoạt các tổ chuyên môn

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết: “Để thực hiện việc sắp xếp trường lớp, các địa phương đã xây dựng đề án cụ thể, phù hợp, có lộ trình rõ trong việc tổ chức lại các cơ sở giáo dục công lập phù hợp với đơn vị hành chính mới, nâng cao chất lượng giáo dục; bố trí trường, điểm trường đảm bảo thuận lợi cho người học, đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân. Vì thế, việc sáp nhập trường không làm xáo trộn việc tổ chức dạy học”.

Sáp nhập trường ở Hà Tĩnh thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” và Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh “Về phát triển giáo dục mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo”.

Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND đặt mục tiêu đến năm 2021, phấn đấu giảm khoảng 10% trường mầm non và phổ thông công lập.

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.