Các đồng chí ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan của 2 địa phương cùng dự.
Thời gian qua, Hà Tĩnh và Hà Nội đã có sự hợp tác chặt chẽ và đạt được nhiều kết quả to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có 21 dự án đầu tư của nhà đầu tư Hà Nội với tổng vốn đăng ký gần 38 ngàn tỷ đồng, trong đó có 8 dự án đã hoàn thành với tổng mức đầu tư gần 34 ngàn tỷ đồng.
Sở KH&ĐT hai địa phương đã có nhiều trao đổi kinh nghiệm trong quản lý doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh và các giải pháp đẩy mạnh sử dụng dịch vụ đăng ký doanh nghiệp trực tuyến.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Trần Ngọc Nam: Hà Nội sẽ phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện cho Hà Tĩnh tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Hà Nội; tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực Hà Tĩnh có tiềm năng lợi thế.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong: Hai bên cần thường xuyên kết nối, trao đổi các thông tin về mọi mặt để có sự định hướng, hỗ trợ nhau trong công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần ổn định tình hình, tạo môi trường cho sự phát triển.
Trên lĩnh vực VH-TT&DL, Hà Nội đã phối hợp với Hà Tĩnh tuyên truyền đậm nét các sự kiện văn hóa lớn của Hà Tĩnh như: Kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, dân ca ví, giặm; hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo VĐV thể thao; tham gia tích cực các hội chợ, sự kiện du lịch.
Về lĩnh vực công thương, hai bên cũng đã tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước về cụm công nghiệp và làng nghề; kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, tiểu thủ công nghiệp, thương mại quốc tế. Hà Tĩnh và Hà Nội cũng đã hợp tác có hiệu quả trên các lĩnh vực khác như: Y tế, QP-AN, kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị.
Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Tĩnh Trần Tú Anh: Hà Nội là trung tâm của cả nước, được tiếp cận với nhiều mô hình mới, có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý. Chính vì vậy mong muốn có sự hợp tác, chia sẻ trong công tác quản lý KT-XH, đầu tư và quản lý cải cách hành chính.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh: Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng phát triển về du lịch biển, du lịch tâm linh và du lịch sinh thái. Rất mong các doanh nghiệp, nhà đầu tư ở Hà Nội có sự tìm hiểu, khảo sát và hợp tác khai thác các tiềm năng này.
Hội nghị đã thảo luận đề ra phương hướng nhiệm vụ hợp tác trong thời gian tới giữa hai địa phương. Hai bên thống nhất chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp, trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước và cơ chế chính sách trên các lĩnh vực Hà Nội có thế mạnh như: Quy hoạch, xây dựng đô thị, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là cơ chế chính sách xã hội hóa đầu tư, đầu tư hợp tác công - tư (PPP).
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: Cùng với hợp tác trong phát triển kinh tế - xã hội, hai địa phương cần hợp tác sâu sắc hơn trong lĩnh vực xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và những kinh nghiệm đổi mới, nâng cao hoạt động HĐND các cấp để phát huy vị thế, vai trò là cơ quan quyền lực của nhân dân.
Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư Hà Nội triển khai dự án đầu tư trên địa bàn; Hà Nội phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện cho Hà Tĩnh tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Hà Nội. Hà Nội sẽ giới thiệu các doanh nghiệp, siêu thị, đơn vị phân phối có uy tín để hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản; đẩy mạnh kết nối, thu hút các nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại biên giới, đầu tư xây dựng Trung tâm hội chợ triển lãm, xây dựng hạ tầng thương mại và các hình thức đầu tư kinh doanh thương mại dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Cao Thanh: Mong Hà Nội cùng phối hợp với Hà Tĩnh tích cực vào cuộc đấu tranh các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Ngoài ra, hai bên cũng đi đến thống nhất các nội dung hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, QP-AN và công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn đánh giá cao những kết quả toàn diện mà Hà Tĩnh đã đạt được, nhất là trong thu hút đầu tư, xây dựng NTM, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, GD&ĐT; đồng thời khẳng định việc tổ chức hội nghị giữa hai địa phương là hết sức có ý nghĩa. Đây là dịp hai bên rà soát, đánh giá lại kết quả đạt được và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để làm sâu sắc hơn sự hợp tác giữa Hà Nội – Hà Tĩnh trên tinh thần hai bên cùng có lợi.
Phó Bí thư Thành ủy cho rằng, phát triển kinh tế - xã hội là một trong những trọng tâm trong hợp tác của hai địa phương, nhất là trong thu hút đầu tư, công thương, xây dựng NTM. Bên cạnh đó, tiếp tục làm sâu sắc hơn việc hợp tác giao lưu văn hóa, du lịch giữa hai địa phương, tăng cường trao đổi, kết nối thông tin trên mọi mặt; chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Thay mặt lãnh đạo Hà Tĩnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cảm ơn những tình cảm và sự giúp đỡ của sở, ban, ngành, các đơn vị, doanh nghiệp Hà Nội dành cho Hà Tĩnh thời gian qua.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy mong muốn, thời gian tới, TP Hà Nội quan tâm huy động các nguồn lực tiếp tục hỗ trợ Hà Tĩnh thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội; quảng bá, kêu gọi các doanh nghiệp ở Hà Nội đầu tư vào các lĩnh vực mà Hà Tĩnh có tiềm năng, nhất là trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, dịch vụ.
Tiếp tục trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với Hà Tĩnh trong các lĩnh vực Hà Nội có thế mạnh như: Quản lý doanh nghiệp, quy hoach đô thị, ứng dụng KH&CN; các bệnh viện ở Hà Nội tiếp tục quan tâm hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực y tế cho các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Tĩnh...
Tại hội nghị, lãnh đạo TP Hà Nội đã trao tặng 3 tỷ đồng cho Hà Tĩnh làm nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Ngành GD&ĐT Hà Nội trao tặng 500 triệu đồng cho Trường THPT Lê Quảng Chí (TX Kỳ Anh) làm nguồn kinh phí xây dựng nhà công vụ cho giáo viên.
Lãnh đạo Hà Tĩnh tặng quà lưu niệm cho đoàn công tác của TP Hà Nội.