Sáng 26/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cùng đoàn công tác đi kiểm tra một số mô hình sản phẩm OCOP và công tác chuẩn bị triển khai mô hình gạo hữu cơ trồng trên ruộng rươi, cáy.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn kiểm tra mô hình sản xuất sản phẩm từ nghệ của ông Trần Bá Quang (Can Lộc).
Đoàn công tác đã đến kiểm tra mô hình sản xuất sản phẩm từ nghệ của ông Trần Bá Quang ở thị trấn Đồng Lộc - Can Lộc. Mô hình có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP là tinh bột nghệ và viên nghệ mật ong.
Tiếp đó, đoàn đến kiểm tra mô hình sản xuất lúa, gạo hữu cơ trên ruộng rươi của ông Trần Văn Kỉnh ở xã Yên Hồ - Đức Thọ; khu vực quy hoạch sản xuất lúa trên ruộng rươi của huyện Đức Thọ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra và nghe báo cáo về tiến độ gạo hữu cơ trên ruộng rươi, cáy tại Đức Thọ...
... và thăm mô hình sản xuất của hộ gia đình ông Trần Văn Kính ở xã Yên Hồ.
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới tỉnh, đến nay, huyện Đức Thọ đã quy hoạch 101,89 ha đất sản xuất lúa trên đất rươi, cáy trên địa bàn các xã Yên Hồ, Bùi La Nhân, Quang Vĩnh với 446 hộ tham gia.
Qua đánh giá, sản xuất lúa trên đất rươi, cáy đạt năng suất trung bình trên 40 tạ/ha, về khai thác rươi đạt 2,5 – 3 tạ/ha, khai thác cáy đạt 6 tạ/ha.
Vùng dự kiến xây dựng mô hình sản xuất lúa trên ruộng rươi của xã Yên Hồ - Đức Thọ.
Trong năm 2020, địa phương phấn đấu có sản phẩm gạo đạt chuẩn OCOP 3 sao; sản phẩm rươi, cáy từng bước chuẩn hoá theo quy trình OCOP hướng tới đạt chuẩn vào năm 2021.
Về kết quả thực hiện chương trình OCOP của Đức Thọ, đến nay, huyện đã có 16 sản phẩm tham gia, trong đó có 6 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao. Một số mô hình sản xuất tham gia chương trình đã có gia tăng về quy mô và chất lượng sản phẩm. Năm 2020, huyện phấn đấu có thêm 7 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đề nghị các cơ sở sản xuất, tham gia chương trình OCOP tự giác nâng cao ý thức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; tự xây dựng và công bố công khai quy trình sản xuất và phải sản xuất theo quy trình đó.
Các ngành chức năng, đặc biệt là Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh xây dựng quy chế, thường xuyên kiểm tra quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm để nhắc nhở, đôn đốc các cơ sở sản xuất chấp hành các quy trình, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Với những cơ sở không chấp hành, phải có biện pháp xử lý nghiêm như thu hồi sản phẩm kém chất lượng, thu hồi giấy chứng nhận đạt chuẩn OCOP…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành liên quan và địa phương tiếp tục nghiên cứu, xây dựng giải pháp quy hoạch các vùng đất có vị trí thuận lợi trong phạm vi quyền hạn để hỗ trợ các cơ sở tạo thành các vùng sản xuất, bày bán sản phẩm OCOP.
Về mô hình gạo hữu cơ trồng trên ruộng rươi, cáy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, qua thực tế sản xuất của người dân tại các địa phương đã cho thấy hiệu quả cao. Do đó, đang mở ra những cơ hội mới cho người dân để mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập. Với tiềm năng và chất lượng của sản phẩm, những sản phẩm của mô hình hoàn toàn có khả năng đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao, hướng tới xuất khẩu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, dự án sản xuất gạo hữu cơ trồng trên ruộng rươi, cáy phải lấy lợi ích người dân làm mục tiêu chính, lấy kinh nghiệm sản xuất của người dân làm nền tảng đồng thời từng bước tiếp thu tiến bộ KH&CN, qua đó hình thành các sản phẩm mang màu sắc địa phương. Vai trò của dự án, của Nhà nước là hỗ trợ nâng cao khả năng sản xuất, nâng tầm sản phẩm, không phải làm thay phần việc của người dân, doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị địa phương có phương án cải tạo đồng ruộng, hạ tầng; kêu gọi doanh nghiệp vào liên kết, hỗ trợ nông dân, hình thành chuỗi sản xuất khép kín; xây dựng, phát triển thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm các loại sản phẩm.