Hà Tĩnh tham gia lễ phát động cả nước chung tay "xoá nhà tạm, nhà dột nát"

(Baohatinh.vn) - Cùng với các địa phương trong cả nước, từ năm 2020 đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động hơn 382 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng 7.767 nhà ở cho người có công, hộ nghèo, hộ bị thiệt hại do thiên tai.

Sáng 13/4, tại huyện Đà Bắc (Hoà Bình), Hội Đồng thi đua khen thưởng Trung ương phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức lễ phát động phong trào thi đua “xoá nhà tạm, nhà dột nát” trong cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến dự và phát động phong trào.

Lễ phát động được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến đến các điểm cầu trong cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân cùng dự.

Đại biểu dự lễ phát động tại điểm cầu huyện Đà Bắc (Hoà Bình). (Ảnh: TTXVN)

Những năm qua, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát đã trở thành phong trào rộng khắp, là “điểm sáng” trong công tác giảm nghèo bền vững ở từng địa phương. Với phương châm “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhiều nguồn vốn dành cho công tác giảm nghèo nói chung và công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát nói riêng đã được lồng ghép vào các chương trình, đề án của trung ương đến địa phương; đồng thời huy động thêm nguồn lực xã hội hoá để hỗ trợ người dân. Qua đó đã giúp người nghèo có những ngôi nhà kiên cố, ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển sản xuất.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân cùng dự.

Từ năm 2011 đến nay, ngân sách Nhà nước và xã hội hóa đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 820 nghìn hộ gia đình người có công, hộ nghèo trong cả nước; MTTQ Việt Nam các cấp đã hỗ trợ xây dựng nhà ở đại đoàn kết cho 670.000 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo huy động nguồn lực lớn để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tuy nhiên, đến nay còn khoảng 170.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa thuộc đối tượng hỗ trợ, phải sống trong những căn nhà tạm, nhà dột nát, một bộ phận người dân còn thiếu các dịch vụ xã hội cơ bản như nước sạch, điện, trường học, khám chữa bệnh…

Phát động thi đua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: việc tổ chức lễ phát động phong trào thi đua “xoá nhà tạm, nhà dột nát” mà chúng ta tổ chức hôm nay là cụ thể hoá Nghị quyết 42, với mục tiêu là vận động xây dựng, sửa chữa 170 nghìn căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cả nước từ nay đến hết năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu phát động phong trào thi đua “xoá nhà tạm, nhà dột nát” (Ảnh: Chinhphu.vn)

Với quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, sự nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, tôi tin tưởng phong trào thi đua chung tay “xoá nhà tạm, nhà dột nát" trên phạm vi cả nước với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cao đẹp sẽ nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ tích cực của các tổ chức, cá nhân, toàn xã hội và của toàn dân.

Để tạo khí thế thi đua sôi nổi và triển khai hiệu quả phong trào, đề nghị các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, người dân và doanh nghiệp trong cả nước phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm với cộng đồng xã hội, nhất là với người nghèo, tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, trong đó phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.

Thủ tướng cho biết, về huy động nguồn lực, Trung ương sẽ dành nguồn vốn ngân sách theo các chương trình, đề án hỗ trợ về nhà ở cho người dân, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các bộ, ngành, địa phương bố trí, phân bổ đủ vốn cho các chương trình theo kế hoạch đề ra.

Thủ tướng đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tích cực tham gia, chung tay, đóng góp, hưởng ứng phong trào xoá nhà tạm, nhà dột nát bằng nhiều cách khác nhau trong điều kiện có thể.

Về tổ chức thực hiện, các ban, bộ, ngành Trung ương, các cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý có hiệu quả các nguồn lực để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo; đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ người dân có công ăn, việc làm, sinh kế, không chỉ thoát nghèo mà tiến tới có cuộc sống sống ấm no, đủ đầy hơn. Tiếp tục rà soát, đánh giá, thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nghiên cứu thành lập Quỹ chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi cả nước.

Sau lễ phát động, nhiều tổ chức, doanh nghiệp quyên góp ủng hộ phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát được 376 tỷ đồng. Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã trao kinh phí hỗ trợ từ Quỹ Vì người nghèo Trung ương cho 5 tỉnh Tây Bắc gồm: Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái và trao nhà cho 100 hộ gia đình trên địa bàn huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao biểu trưng phân bổ hỗ trợ kinh phí xoá nhà tạm, nhà dột nát cho các tỉnh. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Hà Tĩnh đã hỗ trợ xây dựng 7.767 ngôi nhà mới ở cho người có công, hộ nghèo

Tại Hà Tĩnh, theo thống kê, giai đoạn 2020-2025, tỉnh Hà Tĩnh có hơn 10.000 ngôi nhà tạm, dột nát của hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai. Đặc biệt, năm 2020 đã xảy ra 2 trận lũ lịch sử liên tiếp làm cho hơn 4.000 ngôi nhà bị hư hỏng, 53.000 hộ dân bị ảnh hưởng của lũ lụt, nhiều công trình hạ tầng kinh tế bị hư hỏng nặng, tổng thiệt hại trên 5.300 tỷ đồng.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, huyện Đức Thọ và các nhà tài trợ cắt băng khánh thành công trình hạ tầng và nhà ở cho 24 hộ vạn chài thôn Tiền Phong, xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ. (Ảnh tư liệu)

Để khắc phục thiệt hại, hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách và các hộ bị ảnh hưởng do thiên tai, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 01 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020. Trọng tâm là “Huy động nguồn lực, sức lao động của Nhân dân, nguồn lực của doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm để hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và xây dựng nhà ở kiên cố cho người dân”.

Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an cùng Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải bàn giao nhà mới cho hộ bà Phạm Thị Hằng (thôn 10, xã Hòa Hải, huyện Hương Khê - 9/2023).

BTV Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng ban để vận động, kêu gọi, huy động nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và con em Hà Tĩnh trên mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài.

Với sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, sự đồng hành, hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hà Tĩnh đã huy động xã hội hóa được hơn 382 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng 7.767 nhà ở cho người có công, hộ nghèo, hộ gặp hoàn cảnh khó khăn và hộ bị thiệt hại do thiên tai, với mức hỗ trợ từ 70-80 triệu đồng/nhà, đây là mức hỗ trợ cao nhất từ trước tới nay. Ngoài hỗ trợ của tỉnh, các tổ chức đoàn thể đã kêu gọi hỗ trợ ngày công, vật liệu xây dựng... với tổng giá trị mỗi nhà từ 120 - 250 triệu đồng.

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Hà Tĩnh phấn đấu hết nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ cơ bản xóa hết nhà tạm, nhà dột nát.

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói