Hà Tĩnh xây dựng các tình huống giả định ứng phó với cháy rừng

(Baohatinh.vn) - Các chủ rừng ở Hà Tĩnh chủ động xây dựng các tình huống giả định, lên “kịch bản” chi tiết, dự báo các tình huống để ứng phó với trường hợp không may xảy ra cháy rừng.

“Kịch bản” sẵn sàng dập lửa ngay khi xuất hiện cháy nhỏ

Cán bộ Trạm Quản lý, bảo vệ Rào Rồng đánh dấu các khu vực rừng dễ cháy để xây dựng các tình huống ứng phó giả định.

Lâm phần do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hương Khê quản lý có hàng chục điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng. Vì vậy, ngay khi bắt đầu bước vào mùa nắng nóng, đơn vị đã xây dựng phương án ngăn chặn cháy rừng ngay khi mới phát lửa, cháy ở quy mô nhỏ.

Anh Đinh Hữu Thành - Trạm trưởng Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Rào Rồng thông tin: “Đơn vị xây dựng tình huống giả định cháy rừng tại khoảnh 3, tiểu khu 237 (xã Phúc Trạch) do trạm quản lý và yêu cầu chúng tôi nghiên cứu địa hình, nắm chắc “kịch bản”, sẵn sàng dập lửa. Theo đó, khi xuất hiện đám cháy, tôi sẽ trực tiếp chỉ huy, điều động 6 cán bộ của trạm và khoảng 10 người dân nhận khoán rừng di chuyển bằng xe máy đến hiện trường, mang theo dụng cụ để dập lửa trong khoảng 30 - 50 phút”.

Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố chủ động dập tắt các đám cháy ngay từ khi mới phát lửa.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố cũng xây dựng các giả thiết về cháy rừng quy mô nhỏ ngay từ khi mới phát hiện ở những vùng tiềm ẩn nguy cơ cháy cao, trong đó có khu vực rừng Nội Tranh của xã Sơn Lễ (huyện Hương Sơn) do Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Lệ Tiến phụ trách. Theo đó, ngay khi nhận được tin báo cháy, trạm trưởng sẽ lập tức điều động lực lượng, phương tiện và báo cáo về đơn vị theo đường dây “nóng” để xin ý kiến chỉ đạo và đề phòng trường hợp cần phải “chi viện”.

Ông Đào Nam Giang – Phó ban Quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố cho biết: “Theo giả thiết, nếu cháy rừng quy mô dưới 1 ha ở vùng Nội Tranh thì trách nhiệm ứng cứu chủ yếu thuộc về Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Lệ Tiến. Khi đó, trạm trưởng báo cáo ngay về đơn vị theo đường dây “nóng” để xin ý kiến chỉ đạo và đề phòng trường hợp cần phải “chi viện”; đồng thời, trực tiếp điều động lực lượng cán bộ bảo vệ rừng của trạm và khoảng 25 hộ dân trong khu vực sử dụng 4 máy thổi gió, 1 máy cắt thực bì, làm đường băng, dùng cành cây tươi dập lửa…”.

Trong mùa nắng nóng năm nay, tất cả các chủ rừng được giao quản lý, bảo vệ diện tích rừng lớn trên địa bàn Hà Tĩnh đều đã xây dựng “kịch bản” chi tiết cho tình huống không may xảy ra cháy rừng ngay từ khi mới phát lửa, cháy nhỏ. Trên tinh thần “4 tại chỗ”, “chữa cháy phải kịp thời”, các trạm bảo vệ rừng và người dân ở khu vực lân cận cũng đã tập trung nghiên cứu địa hình, hiện trạng rừng, diễn tập ứng cứu để khi cần có thể vào cuộc linh hoạt, hiệu quả.

Vào cuộc gấp rút, đồng bộ khi xảy ra cháy lớn

Các lực lượng tham gia cứu rừng khi đám cháy vượt tầm kiểm soát của chủ rừng ở xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà. (Ảnh chụp vào tháng 4/2024).

Hiện nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh đang tích cực chuẩn bị tổ chức thực tập phương án chữa cháy rừng với quy mô lớn cho 65 người là cán bộ trong đơn vị, các hộ nhận khoán và một số lực lượng hỗ trợ khác. Đây là hoạt động quan trọng để nâng cao năng lực tự ứng phó của chủ rừng và khả năng phối hợp hành động với các lực lượng khác khi xảy ra các đám cháy vượt quá tầm kiểm soát của các tổ chữa cháy tại chỗ.

Ông Nguyễn Ngọc Lâm – Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh thông tin: “Chúng tôi đã xây dựng tình huống dự phòng cho trường hợp lửa bùng cháy cao 2-5m, diễn biến phức tạp. Khi đó, tôi sẽ trực tiếp điều động tất cả 6 tổ xung kích (khoảng 30 người) của đơn vị, huy động tối đa các hộ nhận khoán, đề xuất với các địa phương lân cận “chi viện” lực lượng và sử dụng 11 máy thổi gió, 2 cưa xăng, 2 máy cắt thực bì cùng nhiều loại dụng cụ dập lửa khác để dập lửa trong 1-2 tiếng. Sau khi khống chế hoàn toàn đám cháy thì tổ chức kiểm đếm thiệt hại, tìm nguyên nhân, rút kinh nghiệm…”.

Lực lượng kiểm lâm thị xã Hồng Lĩnh theo dõi sát sao các cánh rừng dễ cháy do Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh quản lý.

“Kịch bản” ứng phó với cháy rừng quy mô lớn luôn được các chủ rừng có nhiều diện tích rừng dễ cháy đặc biệt quan tâm. Khi xảy ra cháy ở mức độ phức tạp nhất, chủ rừng sẽ phối hợp cùng lãnh đạo chính quyền địa phương, hạt kiểm lâm trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy; huy động tối đa nhân lực, phương tiện, xe cộ để dập tắt đám cháy sớm nhất có thể. Trong quá trình ứng cứu, sẽ chỉ đạo lực lượng trực tiếp dập lửa chấp hành nghiêm mệnh lệnh của chỉ huy và có sự phối hợp nhịp nhàng; lực lượng hậu cần triển khai cắm biển chỉ đường vào đám cháy, “tiếp tế” xăng, nước uống, cứu người bị nạn.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh phát dọn thực bì để hạn chế cháy khi nắng nóng.

Ông Phan Thanh Tùng - Trưởng phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh) cho biết: Chi cục đã chỉ đạo các hạt yêu cầu các chủ rừng có diện tích lớn phải xây dựng các tình huống chữa cháy theo hướng từ đơn giản đến phức tạp. Các chủ rừng như Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, Vườn Quốc gia Vũ Quang, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn… đều xây dựng “kịch bản”, có các tình huống giả định cụ thể để tạo sự chủ động, linh hoạt, hiệu quả khi không may xảy ra cháy rừng.

Chủ đề Lâm nghiệp - bảo vệ rừng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói