Hai mảnh đời, một nguyện ước…

(Baohatinh.vn) - Quân bảo, nhiều người nói với em, thân mình lo không nổi còn “cộng” thêm cái khổ làm gì. Em thì nghĩ khác, những người chịu thiệt thòi lại càng cần phải nương tựa vào nhau. Lúc yếu đuối, Trường khóc có em an ủi, còn em khóc lại có Trường động viên. Cuộc sống có thêm người bên cạnh sẽ trở nên vững vàng hơn.

Hai mảnh đời, một nguyện ước…

Hai mảnh đời, một nguyện ước…

Tôi biết đến Quân (ở xã Việt Xuyên, Thạch Hà, Hà Tĩnh) khi tò mò về một địa chỉ trên fb có tên là Tô Quân, một chàng trai liệt tủy bán hàng online. Đúng như những gì tôi nghĩ, để được sống và tự nuôi bản thân như ngày hôm nay là cả một chuỗi những ngày dài kiên cường của chàng chiến binh để vượt qua di chứng quái ác có tên gọi là liệt tủy do tai nạn giao thông để lại.

Hai mảnh đời, một nguyện ước…

Trong căn phòng trọ chưa đầy 20 m2, chỉ đủ để đặt một cái giường, 1 chiếc tủ vải nho nhỏ đựng quần áo và một cái bếp, Quân ngồi trên chiếc xe lăn đón tôi với nụ cười tỏa nắng. Quân trải lòng: Em sinh năm 1988, quê ở thôn Trung Trinh, xã Việt Xuyên, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Năm 20 tuổi, đang làm công nhân ở tỉnh Bình Dương, một buổi chiều chập choạng chạy xe máy đi làm về, không may em bị sập ổ gà và văng người đập lưng vào mốc cáp quang bên đường. Gãy 2 đốt xương sống, em bị đứt tủy sống hoàn toàn.

Hai mảnh đời, một nguyện ước…

Một chàng trai đang độ tuổi căng tràn sự sống bỗng chốc nằm bất động trên giường. Tuy chưa ai dám nói trực tiếp với em (vì sợ em sốc) nhưng Quân vẫn có thể cảm nhận được những gì đang xảy ra với mình. Em trở nên yếu đuối và suy sụp. Sau khi phẫu thuật xong ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Quân được chuyển sang bệnh viện quận 8 để phục hồi chức năng. “Sang đây mới biết rất nhiều người bị như mình chị ạ. Thế nhưng, thay vì buồn phiền, họ rất cố gắng luyện tập. Lúc đó, em nghĩ, họ làm được sao mình lại không làm được. Nhưng lúc đó em bị lở loét do nằm quá nhiều. Điều trị kéo dài thêm 4 tháng, em quyết định mua dụng cụ về hỗ trợ luyện tập”, Quân nhớ lại.

Hai mảnh đời, một nguyện ước…

Sau khi ổn định sức khỏe, Quân được công ty cũ tạo điều kiện cho em trở lại làm một công việc phù hợp là nhập hàng. Tuy nhiên, được một thời gian, do em phải ngồi quá lâu trên ghế, bị lở loét trở lại nên em phải xin nghỉ việc. Thương Quân, anh trai thứ 2 của em đang sống cùng vợ con ở miền Tây lên chăm em. Cũng vì lý do này mà anh trai của em xảy ra mâu thuẫn và ly hôn với vợ. Không muốn mình là gánh nặng của anh, Quân quyết định về quê sống với mẹ. Để tự mình trang trải một phần cuộc sống, Quân nhờ mẹ vay giúp 2 triệu đồng mở cửa hàng tạp hóa.

Những ngày tháng ở quê tưởng sẽ trôi qua trong bình yên khi Quân luôn cố gắng để tự chăm sóc bản thân, nhưng tai họa lại tiếp tục ập đến với gia đình em, người anh cả, trụ cột chính của gia đình bị mất vì tai nạn. Đưa thi thể anh về nhà, Quân bị nhiễm hơi lạnh nên những vết loét nhỏ càng thêm nặng. Thương mẹ, Quân giấu kín tình trạng sức khỏe của mình và bệnh tình em ngày càng nặng thêm. Đến một ngày, máu từ vết loét chảy không cầm được. Em được chuyển thẳng ra Bệnh viện Bỏng ở Hà Nội rồi lại chuyển sang Bệnh viện Huyết học. 2 lần sống đi chết lại, cuối cùng các bác sỹ cũng đã cứu được em bằng 1 tháng ròng rã truyền máu và huyết tương.

Hai mảnh đời, một nguyện ước…

Quân xúc động: “Thương nhất là mẹ em chị ạ, mẹ mất mát quá lớn. Kể từ khi em bị tai nạn, bố mất rồi lại đến anh mất, đều là những trụ cột trong gia đình. Vì vậy, sau khi thoát chết trở về, em đã cố gắng tự điều trị cho mình. Em thực hiện nằm kiêng (nằm sấp người) các vét loét đỡ dần và hồi phục. Nhưng sự nghiệt ngã vẫn cứ đeo bám em. Bão số 10 năm ngoái, do nhà em còn lụp xụp nên phải đi trú bão. Từ trên giường sang xe lăn, em bị choáng và ngã gãy chân. Bệnh viện tỉnh có chỉ định chuyển ngay ra Hà Nội, biết gia đình em cùng kiệt rồi, em xin tháo chân nhưng các bác sỹ nhất quyết không cho.

Hai mảnh đời, một nguyện ước…

Họ bảo, chân em không cử động được nhưng vẫn còn máu chảy trong đó, nghĩa là chân còn sống nên cần phải giữ. Gia đình xin lùi lại 2 ngày. Trong 2 ngày đó, em đã lên mạng xã hội tìm nhà hảo tâm giúp đỡ. Em được mẹ (em gọi người giúp đỡ em như thế) trong Hội Người chơi lan ở Hà Nội thuê xe 115 chở ra Bệnh viện Quân đội và phẫu thuật tại đó. Sau 10 ngày, em được chuyển về Bệnh viện tỉnh tiếp tục chăm sóc hồi phục. Người mẹ thứ 2 của cuộc đời em đã tài trợ cho em tất cả kinh phí”…

Hai mảnh đời, một nguyện ước…

Trong những năm tháng bị liệt tủy, Quân tham gia Hội Người khuyết tật Hà Tĩnh để giao lưu, chia sẻ và tạo thêm động lực để vượt qua số phận. Cũng từ môi trường này, em đã gặp Nguyễn Thị Trường - tấm gương về nghị lực sống. Trường bị liệt chân từ nhỏ nhưng đã dũng cảm vượt qua mọi mặc cảm để sống cuộc sống độc lập. Em mở một hiệu cắt tóc nho nhỏ đủ để trang trải cuộc sống và dũng cảm thực hiện quyền làm mẹ cách đây mấy năm. Trường hơn Quân 7 tuổi.

Hai mảnh đời, một nguyện ước…

Nhận lời hẹn với tôi, khi tôi và Quân đang nói chuyện thì Trường đến. Em ngồi trên chiếc xe máy 3 bánh nở nụ cười tươi chào chúng tôi. Ngay lúc đó, có một cô bé tuổi mới lớn đứng chơi ngoài đường đi vào cõng Trường ngồi lên giường. Quân nói: “Mọi hôm Trường có thể tự chống nạng đi được nhưng mấy hôm trước không may bị ngã gãy chân. Bé này là học trò của Trường. Bé bị câm, học việc ở Trường khá lâu rồi. Hai chị em giúp đỡ lẫn nhau”…

Sự có mặt của Trường khiến không khí trở nên vui vẻ hơn. Hai người bên nhau nói nói cười cười về những kỷ niệm và khát khao, ước nguyện của họ. Quân nói: “Trước đây em gọi Trường là chị nhưng sau một năm làm quen, động viên, chia sẻ cùng nhau, bọn em tìm được sự đồng cảm nên ngỏ lời yêu nhau. Giờ em gọi Trường là vợ nhưng chưa phải là vợ, vì chúng em chưa làm đám cưới. Chúng em đến với nhau bằng sự đồng điệu chia sẻ bệnh tật nên rất yêu thương nhau. Trước đây em nghĩ mình không thể có người yêu nhưng không ngờ hạnh phúc lại tìm đến. Từ khi có Trường, cuộc sống em vui hơn và bao khao khát, ước mơ cho tương lai được sống lại”…

Hai mảnh đời, một nguyện ước…

Trường cũng không che giấu niềm hạnh phúc của mình: “Trước đây em chưa từng nghĩ có ai đó sẽ yêu thương em. Vì thế, khát khao được quyền làm mẹ như bao người bình thường, em xin một người qua đường một đứa con. Không may bé bị bệnh tim bẩm sinh, cố gắng xoay xở lắm em mới phẫu thuật thành công cho bé. Nỗi lòng em không biết chia sẻ cùng ai nhưng từ khi gặp Quân, em đã tìm được điểm tựa. Tình yêu giúp em xua tan những mệt mỏi, lo toan ngày thường, những tủi thân về số phận”...

Hai mảnh đời, một nguyện ước…

Từ tình yêu thương, Quân và Trường đã vun đắp cho cuộc sống ngày mai. Quân rời quê, rời khỏi vòng tay mẹ vào thành phố Hà Tĩnh thuê phòng trọ bán hàng hải sản tươi sống online. Ban đầu, em phải thuê người ship hàng nhưng gần đây đã được các nhà từ thiện hỗ trợ chiếc xe 3 bánh nên đã có thể tự đi lại giao hàng. Còn Trường, hàng ngày làm việc ở quán cắt tóc và tối về lại lo cơm nước cho Quân. Cả hai đang cùng nhau cố gắng để cùng thực hiện ước nguyện chung đó là được kết hôn với nhau đàng hoàng và có một ngôi nhà nho nhỏ để chung sống.

Hai mảnh đời, một nguyện ước…

Hai mảnh đời ngồi nắm tay nhau, hết khóc rồi lại cười rạng rỡ cùng những câu chuyện kể với bao cung bậc mà họ đã trải qua trong cuộc đời. Và tôi tin, tình yêu sẽ trở thành đôi chân cho đôi bạn thêm vững vàng đi về phía tương lai.

thiết kế: huy tùng

Đọc thêm

Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Với tâm huyết, nỗ lực của các thế hệ cán bộ, giáo viên, 20 năm qua, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã vượt qua khó khăn, từng bước khẳng định chất lượng trong sự nghiệp GD&ĐT.
Gieo "hạt giống" yêu thương

Gieo "hạt giống" yêu thương

Khi gieo vào lòng trẻ thơ những “hạt giống” yêu thương sẽ góp phần hình thành nên những con người tử tế, biết sẻ chia và có trách nhiệm với cộng đồng.
Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.