Phát biểu đặt vấn đề tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho rằng, thời gian qua, Hà Tĩnh và Hàn Quốc đã có những mối quan hệ hợp tác tốt đẹp. Người dân Hà Tĩnh luôn tin tưởng, thân thiện với đất nước Hàn Quốc; nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Hà Tĩnh, trong đó có những dự án với nguồn vốn lên đến hàng tỷ USD. Đây là cơ sở quan trọng để 2 bên trở thành đối tác lâu dài.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn (người ngồi vị trí thứ hai phía bên trái)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, thời gian gần đây, Hà Tĩnh đã có những tổn hại nghiêm trọng trong vấn đề môi trường. Trong thời gian tới, Hà Tĩnh kỳ vọng sẽ có quy hoạch tầm nhìn hài hòa, cân đối giữa phát triển công nghiệp nặng với môi trường, du lịch.
Trong quy hoạch chiến lược, Hà Tĩnh là một trong những địa phương trở thành trung tâm công nghiệp của cả nước và khu vực bao gồm các lĩnh vực sản xuất thép, nhiệt điện, cảng nước sâu, lọc hóa dầu và khai thác mỏ. Đây là một trong những lĩnh vực có quy mô, quy hoạch lớn nhất cả nước, song cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề về môi trường. Trong hoàn cảnh đó, dự án của KEITI có vai trò hết sức thiết thực.
"Hà Tĩnh có quy mô dân số nông thôn trên 70%, sinh kế người dân phụ thuộc lớn vào nguồn nước, sông ngòi. Do vậy, vấn đề nước sông có vai trò rất hệ trọng với người dân. Mong muốn thông qua KEITI và Bộ Môi trường Hàn Quốc, Hà Tĩnh sẽ được tiếp cận với các nguồn vốn ODA không hoàn lại trong xử lý môi trường. Mong KEITI chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ quản lý các dự án công nghiệp, xử lý nước thải nông thôn. Phía Hà Tĩnh cam kết tạo điều kiện tối đa cho KEITI nghiên cứu, thực hiện nội dung dự án", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Ông Kwang Hee Nam - Viện trưởng KEITI thông tin, trong quá trình xây dựng đất nước và phát triển kinh tế, Hàn Quốc cũng đã có những sự cố gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Do đó, trong thời gian ngắn, Hàn Quốc đã đầu tư lớn để chuyển giao công nghệ của các nước phát triển.
Ông Kwang Hee Nam - Viện trưởng KEITI
Đồng thời có nhiều chính sách để ngăn chặn các sự cố. Tuy nhiên, những thiết bị môi trường tốn kém chi phí vận hành, bảo dưỡng, có nhiều thiết bị không phù hợp với điều kiện Hàn Quốc. Trong quá trình đó, Hàn Quốc đã rút kinh nghiệm, học tập để thay đổi công nghệ phù hợp hơn. Quá trình chuyển giao đã có nhiều thất bại, KEITI mong muốn chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm quý báu này với Hà Tĩnh nói riêng, Việt Nam nói chung.
Tỉnh Hà Tĩnh và Viện Công nghệ & Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc thể hiện đoàn kết, quyết tâm hợp tác trong thời gian tới.
Dự án không chỉ chuyển giao công nghệ mà KEITI còn nghiên cứu, đề xuất các chính sách phù hợp với địa phương, đồng thời tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho cán bộ quản lý, vận hành các thiết bị.
Viện trưởng KEITI cũng cho rằng, dự án có ý nghĩa thúc đẩy hợp tác giữa 2 đơn vị trong thời gian tới.