Hành trình tìm mộ đồng đội trên đất bạn Lào

(Baohatinh.vn) - Con đường số 8 trên đất nước Lào được trải nhựa phẳng lỳ, dọc hai bên là đồi núi bồng bềnh. Dòng Nậm Xằn trôi mải miết để hòa vào con sông Mê Kông kỳ vĩ. Chúng tôi - những thành viên Đội Quy tập mộ liệt sỹ (Bộ CHQS tỉnh) rẽ vào con đường độc đạo đi về huyện vùng cao Viêng Thoong - một huyện vùng sâu thuộc tỉnh Bolikhămxay, miền Trung Lào.

Đường đi lỗ chỗ đất đá, sau mùa mưa cây cối đổ rạp hai bên, những tảng đá trên vách núi đổ kềnh xuống mép đường thách thức mọi tài xế. Cùng đi với chúng tôi là cựu chiến binh Nguyễn Sỹ Tuyết (quê ở xã Thạch Lạc, Thạch Hà), một trong số rất ít người may mắn được trở về lành lặn sau những năm là chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở chiến trường Lào. 50 năm, bác Nguyễn Sỹ Tuyết trở lại đất nước Triệu Voi với nỗi lòng khấp khởi sẽ tìm được hài cốt đồng đội.

Hành trình tìm mộ đồng đội trên đất bạn Lào

Các chiến sỹ thắp hương tại nơi tìm kiếm hài cốt các liệt sỹ trong rừng sâu nước Lào. Ảnh tư liệu

Cuối cùng thì đội công tác cũng đã đến được vị trí. Mọi người nhanh chóng sắp xếp đồ đạc, ổn định nơi ăn ở. Đội công tác đặc biệt của huyện Viêng Thoong do Trung tá Chăn Thay chỉ huy. Chăn Thay đã nhiều năm đảm nhiệm vị trí này, anh nói khá tốt tiếng Việt, đã từng học ở Việt Nam, là người gần gũi với anh em Đội Quy tập của Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh.

Sau khi hội ý với đội công tác của bạn, Trung tá Nguyên Đức, Đội phó tập trung toàn đội, xác định quyết tâm ngay sáng hôm sau sẽ lên đường. Bác Tuyết khẳng định: Chỉ cần đi được đến bản Nậm Cà Chua là được. Vì từ bản đi theo một lạch đường duy nhất, leo qua một vỉa đá sẽ đến quả đồi khá bằng phẳng, chính giữa mái đồi, đối diện với bản là nơi yên nghỉ của đồng đội mà bác đã chôn cất. Mộ có cắm cọc gỗ và đá dựng trước sau để đánh dấu. Bác nói rồi hăm hở quyết tâm đi sớm.

Thế nhưng, Trung tá Chăn Thay báo lại rằng, rà hết các đơn vị hành chính trên địa bàn không có bản nào là bản Nậm Cà Chua. Gần 50 năm, tổ chức chính quyền, địa giới hành chính có nhiều thay đổi, nhân chứng đến nay hầu như không còn. May thay, Đại úy Mua Vang - thành viên đội công tác đặc biệt của bạn là người giỏi cả tiếng Lào Xủng và tiếng Việt báo lại rằng, có một nguồn thông tin biết bản Nậm Cà Chua. Thì ra, sau chiến tranh, do điều kiện sinh sống khắc nghiệt, người dân bản ly tán, hòa nhập vào các bản khác phía bên ngoài và bản Nậm Cà Chua không còn tồn tại.

Hành trình tìm mộ đồng đội trên đất bạn Lào

Các cán bộ, chiến sỹ cẩn trọng tìm kiếm hài cốt các liệt sỹ giữa rừng sâu.

Phò A Nhơ - người già nhất bản Viêng Phủa, 52 tuổi, trông giống như một ông già ngoài bảy mươi kể rằng, anh là con cháu của bản Nậm Cà Chua, sau khi ra sinh sống ở bên ngoài có vài lần trở lại để săn bắn, nay vẫn có thể đi tìm lại bản cũ. Vậy là đã tìm được dấu tích bản Nậm Cà Chua. Chúng tôi rất vui mừng.

Sáng hôm sau, chúng tôi lên đường, 3 chiếc xe ô tô mang theo hành lý, lương thực trong 7 ngày xuất phát. Trời tối, đường sá lởm chởm, sau mùa mưa, đất đá sạt lở, cây cối chằng chịt. Vừa đi vừa sửa đường, chúng tôi hạ quyết tâm trong ngày phải đến được bản Nậm Cà Chua. Đường càng đi càng khó, qua suối, qua khe vất vả vô cùng, sơ sểnh là xe có thể lộn nhào xuống vực. Chúng tôi đang đi thì bỗng xe chao đảo mạnh, rồi khựng lại. Một tảng đá lớn đang chèn cứng vào gầm xe. Đoàn phải bỏ lại ô tô để hành quân bộ.

Hành trình tìm mộ đồng đội trên đất bạn Lào

Vượt núi cao, rừng sâu...cán bộ, chiến sỹ Đội Quy tập Bộ CHQS tỉnh quyết tâm tìm kiếm, đưa hài cốt đồng đội về đất mẹ Việt Nam. Ảnh tư liệu.

5h sáng ngày thứ hai, đoàn khăn gói lên đường. Sau một ngày hành quân, dường như ai cũng thấm mệt. Càng đi vào sâu càng vất vả. Phò A Nhơ vừa đi vừa phát cây phía trước, chúng tôi theo sau. Cứ thế, hết lội suối lại leo qua ghềnh đá, dưới chân là một ma trận sên, vắt, chúng tôi cứ đi, đi càng nhanh càng tốt. Cuối cùng, chúng tôi đã đến đúng nơi cần đến, ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Nhưng, rừng núi mênh mông, cây cối che lút tầm mắt, bản xưa hình như không còn một dấu tích gì. Bác Tuyết thở dốc bước lên nói: Tìm cho được trung tâm bản, ở đó có khoảng đất rộng chừng mấy sào, tương đối bằng phẳng.

Sau bữa trưa bằng cơm nắm và muối vừng, Đội phó Nguyên Đức xác định vị trí sẽ trú quân. Phò A Nhơ cũng không thể biết được trung tâm bản nằm ở đâu vì cây cối đã ken dày, dấu tích xưa không có gì sót lại. Mua Vang lên tiếng: Muốn tìm bãi bằng chỉ cần trèo lên đỉnh cao hơn nhìn xuống may ra còn quan sát được. Quả đúng như vậy, gần cuối giờ chiều, bãi đất trung tâm bản ngày xưa đã hiện ra, những kệ đá làm bếp đun nấu vẫn còn, những tảng đá kê cột nhà sàn lộ ra dưới tầng lá mục. Đây đúng là trung tâm bản rồi.

Đêm xuống nhanh, dưới suối ọc ạch tiếng vài con lợn rừng đi tìm mồi. Khuya, tiếng trở mình trên võng sột soạt, đêm xuống giữa rừng sâu lạnh quá, ai cũng thức giấc. Bác Tuyết hình như vẫn không ngủ. Lần ấy do vướng phải mìn địch, người đồng đội, đồng hương của bác đã hy sinh. Hôm đó bác là người đi đầu đội hình hành quân, không hiểu sao anh Nguyễn Văn Át - Tiểu đội trưởng, bỗng nhiên vọt lên phía trước, mới đi được vài bước chân thì một tiếng nổ lớn vang lên, anh Át hy sinh tại chỗ. Lòng bác cứ day dứt mãi, giá như anh Át không vọt lên trước...

Hành trình tìm mộ đồng đội trên đất bạn Lào

Phút nghỉ trưa hiếm hoi của lực lượng tìm kiếm ở giữa rừng trên nước bạn Lào. Ảnh tư liệu.

Sang ngày thứ ba, toàn đội hướng về phía mạn đồi đối diện trung tâm bản. Đây rồi, mạn đồi này đây! Bác Tuyết kêu lên rồi quỳ sụp xuống: Anh Át ơi! Anh Át ơi! Em đã đến đây rồi! Em đến đón anh về đây... Bác òa khóc như một đứa trẻ. Đội phó Nguyên Đức thắp lên một nắm hương, cầu khấn giang sơn bản xứ và linh hồn liệt sỹ cho phép được tìm kiếm, cất bốc, đem hài cốt liệt sỹ về nước.

Sau khi phát quang cả một khoảng đồi, chúng tôi bước vào tìm kiếm. Từng nhát cuốc thận trọng lật lên, những nhát xẻng dè dặt đào xuống, chỉ sợ động mạnh vào hài cốt của liệt sỹ. Ai cũng thầm cầu nguyện và hy vọng sau mỗi nhát cuốc, nhát xẻng được đào lên sẽ gặp một mảnh tăng nilon phát lộ. Bác Tuyết đứng ngồi không yên, cứ đi đi lại lại, ngắm nghía về hướng bản, hướng núi.

- Các chú nhớ là có 2 hòn đá dựng ở phía trước và sau nhé. Chiếc tăng hồi đó mới cấp, chắc đến giờ chưa hư.

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, việc tìm kiếm phải hết sức thận trọng, không bỏ sót bất cứ gốc cây hay tảng đá nào. Vì sau chừng ấy thời gian, một tảng đá nào đó sau khi sạt lở sẽ vướng lại đè vào hoặc một cây gỗ có thể đã trở thành cổ thụ ngay trên ngôi mộ. Khu vực tìm kiếm được mở rộng dần ra, tuy nhiên vẫn chưa gặp được 2 hòn đá như bác Tuyết nói. Quần áo ướt đẫm mồ hôi, tất cả vẫn không ai bảo ai cắm cúi kiếm tìm với tâm trạng hồi hộp, rưng rưng khó tả.

Buổi chiều, công việc lại tiếp tục. Đồng chí Nam - Chính trị viên động viên anh em làm việc khẩn trương hơn, chỗ nào phát hiện có nghi vấn thì kiểm tra thật kỹ. Từng hố đất đá liên tục mở rộng. Một khoảng đồi nhỏ nhoi, trơ trọi như một chấm cô đơn sáng giữa đại ngàn Tây Trường Sơn hiu quạnh.

Hành trình tìm mộ đồng đội trên đất bạn Lào

Đồng đội kính cẩn chào xe chở hài cốt các liệt sỹ được đồng đội quy tập từ nước bạn Lào về, tháng 5/2022.

Bóng chiều đổ xuống rất nhanh, chẳng mấy chốc, đường về chỗ trú quân đã bắt đầu nhá nhem tối. Một ngày trôi qua, vị trí xác định tin cậy nhất đã không mang lại kết quả gì. Đội phó Nguyên Đức xốc lại tinh thần và tin tưởng ngày mai sẽ có dấu hiệu tốt. Chúng tôi lại chui vào cánh võng. Lửa rừng chập chờn, Phò A Nhơ vẫn vê đều những điếu thuốc, bác Tuyết trằn trọc trở mình.

50 năm trôi qua, thời gian đã phong hóa mọi thứ. Ai đã từng chứng kiến những màn mưa bạc trắng rừng Lào mới biết thế nào là mưa ngàn và gió núi, một trận mưa kinh hoàng có thể làm biến mất cả một ngọn đồi. Những dòng lũ có thể cuốn phăng tất cả những gì trên đường mà nó đi qua. Dù thế nào thì niềm tin của chúng tôi và bác Tuyết vẫn kiên định, quyết tâm tìm cho được, dù chỉ là một mảnh tăng hay bất cứ một kỷ vật gì.

* * *

Những ngày sau, công việc tìm kiếm càng khẩn trương hơn. Chúng tôi chạy đua với thời gian vì lương thực đã cạn. Sườn đồi đã nham nhở những hố đất đá nhưng vẫn không thấy một dấu hiệu nào. Bác Tuyết dường như đã quá mệt mỏi sau mấy ngày gắng sức. Buổi chiều ngày cuối cùng, anh em chúng tôi quay lại sườn đồi, nhìn mảng đồi ngang dọc đã chi chít những hố đào mà lòng thầm hỏi, không biết hài cốt bác Nguyễn Văn Át đang ở đâu. Đồng chí Nam - Chính trị viên đội lên tiếng:

- Thưa bác và toàn thể mọi người, những ngày qua chúng ta đã tích cực tìm kiếm nhưng chưa có kết quả, hiện tại, lương thực, thực phẩm không còn, chúng ta kết thúc đợt tìm kiếm lần này, lần sau sẽ quay lại tiếp tục tìm kiếm! Chỉ nghe đến đó thôi, bác Tuyết đã khuỵu xuống, dường như bác không còn nước mắt để khóc. Rồi bác lấy tay vốc từng nắm đất đá ôm lên mặt mình: Anh Át ơi! Anh Át! Một nắm đất cũng không, anh về đất mẹ được sao? Cảnh tượng quá nghẹn ngào, xúc động. Tất cả im lặng, rời khỏi mạn đồi. Mặt trời gác chênh vênh trên sườn Tây dãy núi, bóng bác Tuyết liêu xiêu đổ xuống thung ngàn giữa trập trùng núi cao, rừng thẳm.

Hành trình tìm mộ đồng đội trên đất bạn Lào

Lãnh đạo tỉnh và đồng đội di chuyển hài cốt các liệt sỹ ra khu vực an táng tại Nghĩa trang Nầm trong lễ truy điệu, an táng 11 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào, tháng 5/2022.

Một cuộc hành trình thực hiện một ước nguyện chưa thành, chúng tôi sắp xếp đưa bác Nguyễn Sỹ Tuyết trở lại cửa khẩu. Trên đường đi, tôi đọc cho bác nghe đôi câu đối treo ở đền thờ liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào:

- Cốt nhục gửi đất bạn, non cao thế mộ phần yên nghỉ

- Hồn thiêng về Tổ quốc, đất mẹ thay lăng tẩm chở che.

Bác Tuyết quay qua tôi dặn dò: Các chú sắp xếp, quay lại Nậm Cà Chua nhé!

Chia tay bác, chúng tôi trở lại địa bàn với hơn 6 tháng mùa khô còn lại cùng những chuyến hành trình mải miết đi dọc từng cánh rừng, ngọn suối và những bản làng xa xôi với một niềm tin đi tìm đồng đội. Dù chuyến khởi đầu không đạt kết quả nhưng kết thúc mùa khô 2018-2019, chúng tôi đã tìm kiếm và quy tập được 7 hài cốt liệt sỹ trên các địa bàn tỉnh Bolikhămxay và Thủ đô Viêng Chăn về đất mẹ Việt Nam. Từ năm 2019 đến tháng 5/2022, trải qua 3 mùa khô, trong điều kiện bị ảnh hưởng của các đợt bùng phát dịch COVID-19, bằng sự nỗ lực của toàn đội và sự giúp đỡ của các tổ chức chính quyền và Nhân dân các bộ tộc Lào, Đội Quy tập Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục tìm kiếm và hồi hương hài cốt 31 liệt sỹ về nước, nâng tổng số hài cốt liệt sỹ và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào được tìm kiếm và đưa về nước kể từ năm 1999 đến nay là gần 700 hài cốt.

Hà Tĩnh tháng 7/2022

Chủ đề 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào

Đọc thêm

Phó Thủ tướng gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà

Phó Thủ tướng gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Nguyễn Hoà Bình vừa gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh về thành tích xuất sắc triệt phá thành công đường dây buôn bán hơn 6.000 điện thoại di động giả. Trong thư Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình viết:
Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đối với những trẻ em mồ côi của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.