Hành trình xuống phố ôn luyện và giải quốc gia Địa lý của cô học trò nghèo vùng biên Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Gần nửa năm, đều đặn 4-5 ngày/tuần, vượt gần 100 km từ thôn Chế Biến, xã Sơn Kim 2 (Hương Sơn, Hà Tĩnh) để xuống TP Hà Tĩnh ôn luyện, Nguyễn Thị Thanh Huyền - học sinh lớp 11A3, Trường THPT Cao Thắng (Hương Sơn) đã thu “quả ngọt” khi vừa giành giải ba môn Địa lý trong Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2021 - 2022.

Hành trình xuống phố ôn luyện và giải quốc gia Địa lý của cô học trò nghèo vùng biên Hà Tĩnh

Em Nguyễn Thị Thanh Huyền - học sinh lớp 11A3, Trường THPT Cao Thắng vừa giành giải ba Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý.

Huyền kể: Từ tháng 5/2021, em bắt đầu xuống Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh để ôn luyện môn Địa lý cho Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Đều đặn mỗi tuần, buổi sáng em học tại Trường THPT Cao Thắng, trưa về nhà ăn vội bữa cơm, sau đó được bố chở ra điểm đón xe buýt để kịp bắt xe xuống TP Hà Tĩnh ôn luyện.

Hành trình xuống phố ôn luyện và giải quốc gia Địa lý của cô học trò nghèo vùng biên Hà Tĩnh

Trên lớp, Huyền thường xuyên trao đổi bài vở, kiến thức với các bạn.

Vóc dáng nhỏ nhắn, sức khỏe không được tốt, đường xuống TP Hà Tĩnh lại xa nên Huyền liên tục bị say xe. Không ít lần xuống đến thành phố, em đã phải gắng gượng để tiếp tục việc học.

Dù vậy, cô học trò nhỏ vẫn cố gắng vượt qua mọi trở ngại, đều đặn mỗi tuần 4 - 5 buổi xuống thành phố tiếp tục việc học ôn.

Nói về những khó khăn khi xuống phố ôn luyện, Thanh Huyền chia sẻ: “Thời gian đầu, việc đi lại vất vả, bài vở cũng nhiều hơn nên có những lúc em thấy rất áp lực, sợ không theo kịp bạn bè và muốn bỏ giữa chừng. Nhưng nhờ vào sự động viên của bố mẹ, thầy cô nên em tự nhủ bản thân phải cố gắng hơn để đạt kết quả tốt nhất chứ không được nản chí".

Được biết, bố mẹ Thanh Huyền ngoài làm vài sào ruộng còn làm nghề tự do, ai thuê gì làm nấy, miễn có thêm thu nhập để nuôi 4 chị em ăn học. Là chị cả trong nhà, từ nhỏ Huyền đã sớm ý thức được sự khó khăn, vất vả của gia đình nên luôn nỗ lực học tập, thời gian rảnh thì tranh thủ phụ việc nhà, chăm lo cho các em.

Hành trình xuống phố ôn luyện và giải quốc gia Địa lý của cô học trò nghèo vùng biên Hà Tĩnh

Huyền luôn tranh thủ học ở mọi lúc, mọi nơi.

Thầy Trần Bá Quân - giáo viên Địa lý tại Trường THPT Cao Thắng chia sẻ: “Huyền là một học sinh có ý thức tự học rất cao, em luôn tranh thủ học mọi lúc, mọi nơi, nhờ thế mà các bài học đều được em hoàn thành nhanh và rất tốt. Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng em luôn nỗ lực vươn lên...”.

Thầy Quân cũng cho biết, có những thời điểm dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng, việc học ôn phải chuyển qua trực tuyến thì Huyền càng gặp khó khăn khi em không có điện thoại thông minh để học.

Để giúp Huyền được tiếp tục việc học, các thầy cô đã trao tặng em một chiếc điện thoại để học trực tuyến. Nhưng đôi lúc mạng chập chờn hay điện thoại không thể vào Zoom, Google Meet để học, Huyền lại xuống trường để học từ máy tính của thầy.

Hành trình xuống phố ôn luyện và giải quốc gia Địa lý của cô học trò nghèo vùng biên Hà Tĩnh

Tháng 10/2021, Ban giám hiệu Trường THPT Cao Thắng đã trao tặng Huyền chiếc điện thoại thông minh để hỗ trợ em trong việc học tập. (Ảnh: Trường THPT Cao Thắng)

Đến tháng 10/2021, sau khi được vào đội tuyển chính thức thi học sinh giỏi quốc gia, Huyền lại xa gia đình một mình xuống ở ký túc xá của Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh để ôn luyện, thi thoảng vài ba tuần em mới bắt xe buýt để trở về nhà.

Thanh Huyền chia sẻ: “Giai đoạn đầu em lạ lẫm với cuộc sống ở ký túc xá tại Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, luôn cảm thấy nhớ nhà, bởi vì đây là lần đầu tiên em xa nhà lâu như thế. Nhưng nhờ sự động viên của bố mẹ, thầy cô ở Trường THPT Cao Thắng cũng như sự quan tâm của thầy cô và các bạn ở Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, em đã dần thích nghi được với cuộc sống và cường độ học tập ở đây”.

Hành trình xuống phố ôn luyện và giải quốc gia Địa lý của cô học trò nghèo vùng biên Hà Tĩnh

Mỗi lần rời nhà xuống phố ôn luyện, Huyền luôn được bố đưa đón cẩn thận (Ảnh: Trường THPT Cao Thắng)

Nói về việc ôn luyện môn Địa lý của bản thân, Huyền cho biết: “Em yêu thích môn học này từ bé và đã tham gia Kỳ thi học sinh giỏi huyện từ năm lớp 8.

Để chinh phục môn Địa lý, em luôn kiên trì học trong sách vở và tìm đọc tài liệu, cố gắng nghe thầy cô giảng bài và luyện tư duy trong viết bài cũng như nghiên cứu kỹ cách sử dụng Atlat Địa lý”.

Hành trình xuống phố ôn luyện và giải quốc gia Địa lý của cô học trò nghèo vùng biên Hà Tĩnh

Đội tuyển Địa lý cùng cô giáo Trần Tố Uyên - Chủ nhiệm đội tuyển.

Cô Trần Tố Uyên - chủ nhiệm đội tuyển Địa lý Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh chia sẻ: “Huyền là học trò khá đặc biệt so với các bạn trong đội tuyển khi em có hoàn cảnh khó khăn, tính cách có phần nhút nhát, thêm vào đó khoảng cách từ nhà đến Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh để ôn thi khá xa.

Nhưng, Huyền đã quyết tâm nỗ lực vượt qua khó khăn để chinh phục mục tiêu. Tôi rất vui mừng vì những cố gắng của em đã gặt hái được thành quả tốt trong Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia vừa qua”.

Chia sẻ về dự định của bản thân, Huyền cho biết, em sẽ chọn ngành sư phạm Địa lý của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để theo học bởi bản thân rất yêu thích nghề giáo. Giải ba học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý sẽ là bước đệm giúp em đến gần hơn với ước mơ của mình trong tương lai.

Chủ đề Học sinh giỏi Hà Tĩnh

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.
Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.