"Hiểu biết và sống lành mạnh, người nhiễm HIV có thể làm nhiều điều có ích"

(Baohatinh.vn) - “Không phải cứ nhiễm HIV là rơi vào đường cùng, nếu hiểu biết và sống lành mạnh, những người như chúng tôi có thể làm được rất nhiều việc có ích” - đó là lời khẳng định của chị Tô Thị Th.(xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) người không may mang căn bệnh thế kỷ.

Nỗi đau tột cùng

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, chị Th. phải nghỉ học sớm vào Nam kiếm sống. Ở nơi đất khách quê người, chị nên duyên vợ chồng với anh T. (người Thái Nguyên) cuối năm 2006 và mang thai đứa con đầu lòng. Niềm vui, hạnh phúc chưa được bao lâu thì nỗi đau ập đến. Khi chị mang thai tháng thứ 2 thì cũng là lúc tình cờ phát hiện chồng bị nhiễm HIV.

“Hiểu biết và sống lành mạnh, người nhiễm HIV có thể làm nhiều điều có ích”

Nhờ tuân thủ quy trình điều trị, các con của chị Th. sinh ra đều không bị lây nhiễm HIV

“Anh bị ốm đi khám, sau khi làm xét nghiệm thì mới biết là bị nhiễm HIV. Anh đã động viên tôi đi xét nghiệm và bảo nếu em không bị nhiễm thì anh sẽ ra đi để em tìm người khác khỏe mạnh làm chỗ dựa, nhưng nếu em bị lây nhiễm từ anh rồi thì hai vợ chồng cố gắng làm ăn, chăm sóc lẫn nhau” - chị Th. nghẹn ngào.

Làm các xét nghiệm, chị Th. rơi vào tuyệt vọng với kết quả mình đã nhiễm HIV do lây nhiễm từ chồng. Được sự động viên, sẻ chia từ chồng và các y, bác sĩ nên chị Th. cố gắng vượt qua nỗi đau để chiến đấu với bệnh tật, vượt lên số phận.

“Hiểu biết và sống lành mạnh, người nhiễm HIV có thể làm nhiều điều có ích”

Người nhiễm HIV nếu thực hiện đúng phác đồ điều trị sẽ mang lại kết quả tích cực.

Thế nhưng, lúc chị cố gắng để mạnh mẽ nhất cũng là lúc bố mẹ, người thân của chị ruồng bỏ, làng xóm, bạn bè xa lánh. “Lúc đó nếu về Thái Nguyên thì sợ chồng trong lúc cùng quẫn lại ngựa quen đường cũ, mà ở lại Hà Tĩnh thì không có mái nhà che thân. May mà lúc đó tôi thấy cái chuồng trâu của nhà hàng xóm bỏ không nên đến nhờ họ cho mượn tạm để ở. Chúng tôi đã dọn sạch và ở lại đây, đồng thời tìm việc làm để sinh sống” – chị Th. kể lại quãng đời gian khó trong nước mắt.

Được biết, quá trình tìm kiếm việc làm của vợ chồng chị cũng hết sức gian truân. Do biết vợ bị bệnh nên trong làng không ai thuê, vợ chồng anh chị phải đi xã khác kiếm việc làm, ai thuê gì cũng làm, không kể việc nặng nhọc để dành dụm, tích góp.

Hạnh phúc vỡ òa

“Khi biết mình bị nhiễm HIV, rất nhiều người đã khuyên nhủ mình nên bỏ cái thai vì sợ lây nhiễm HIV cho con. Nhưng mình không đành lòng” – chị Th. chia sẻ về quyết định giữ lại đứa con đầu lòng.

Để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nên chị Th. đã thực hiện nghiêm túc lời khuyên của các y, bác sĩ về uống thuốc ARV đều đặn. Nhờ đó, sức khỏe của chị ngày một tốt lên. Điều hạnh phúc nhất là đứa con đầu lòng không bị lây nhiễm HIV. “Tôi hạnh phúc đến rơi nước mắt khi biết con tôi sau khi sinh không bị lây nhiễm HIV từ mẹ, lúc đó khó để diễn tả niềm vui này. Mọi sự vất vả, đau đớn đều tan biến” - chị Th. xúc động.

“Hiểu biết và sống lành mạnh, người nhiễm HIV có thể làm nhiều điều có ích”

Nhờ sự nỗ lực, không mặc cảm, biết vươn lên, chị Th. có một gia đình hạnh phúc

Ngoài đứa con đầu lòng, chị Th. còn sinh thêm 2 người con nữa và nhờ thực hiện đúng chỉ dẫn của bác sỹ về phòng chống lây nhiễm từ mẹ sang con nên 2 người con sau của chị cũng đều khỏe mạnh, ngoan ngoãn, không bị lây nhiễm HIV từ mẹ.

Để giúp cho những người không may nhiễm HIV như chị có nghị lực vươn lên, chị Th. đã tình nguyện tham gia làm đồng đẳng viên của xã, của huyện, chia sẻ về kiến thức phòng, chống HIV cho mọi người. Từ đây, nhiều người cũng đã hiểu về HIV và có cái nhìn gần gũi hơn với người nhiễm căn bệnh thế kỷ.

Với những nỗ lực, cống hiến của chị, năm 2011, UBND xã Kỳ Tiến đã hỗ trợ chị hơn 10 triệu, bạn bè, làng xóm đã cho vợ chồng chị vay mượn được hơn 20 triệu. Cùng với số tiền tích lũy của gia đình, vợ chị đã mua được miếng đất và xây dựng ngôi nhà cấp 4 rộng 60m2 kiên cố.

“Từ sự tuyệt vọng đến cùng cực, tôi đã vươn lên để có được một cuộc sống bình thường. Không phải cứ có HIV là rơi vào đường cùng, nếu hiểu biết và sống lành mạnh, những người như chúng tôi có thể làm được rất nhiều việc có ích” - chị Th. khẳng định.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.