Lực lượng dân công hoả tuyến lấp hố bom của địch, mở đường mới cho xe ra chiến trường tại khu vực Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Ảnh tư liệu của TTXVN
Nơi đây đã từng là huyết mạch giao thông nối liền hậu phương và tiền tuyến trong cuộc chiến tranh chống Mỹ của dân tộc ta 55 năm về trước, nơi kẻ thù điên cuồng trút hàng ngàn, hàng vạn tấn bom, cày xới, phá nát con đường giữa núi đồi hiểm trở.
Nhìn những hố bom nhuốm màu khói lửa, tôi bỗng nghĩ đến những thước phim tài liệu đã từng xem về những người con gái năm xưa ngã xuống nơi này mà lòng như quặn thắt.
10 cô gái tuổi đời còn rất trẻ đã anh dũng hy sinh khi đang san lấp hố bom, mở đường giữ huyết mạch tiền tuyến.
Tôi đặt bàn chân thật khẽ, kính cẩn nghiêng mình dâng nén tâm nhang tưởng nhớ những người đã khuất. Các chị như những bông hoa vừa chớm nở lúc bình minh. Người đến từ miền sơn cước, kẻ ở thị thành hay đồng bằng chiêm trũng. Họ tề tựu về đây và dâng hiến tuổi xuân đẹp nhất cuộc đời cho non sông, đất nước. Tuổi đôi mươi gác lại lời hò hẹn, gác nỗi nhớ niềm thương về gia đình yên ấm, gác lại khát khao sách bút tới trường để đêm đêm đội đá, vá đường, san lấp hố bom. Các chị làm việc hối hả, gấp gáp với trọng lượng đất đá lớn gấp hàng trăm lần cơ thể, dưới làn mưa bom bão đạn, miệng vẫn nói cười và xem ánh sáng phát ra từ máy bay của địch là ngọn đèn thắp sáng trong đêm.
Quả là một nghị lực phi thường và một tình yêu Tổ quốc mãnh liệt, thiết tha. Với phương châm “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm” họ quyết tâm để huyết mạch giao thông không bao giờ tắc. Họ như bức thành đồng, như vũ khí có sức mạnh vô song trước bom đạn kẻ thù.
Du khách thành kính dâng hương, hoa tại khu mộ 10 nữ thanh niên xung phong.
Buổi chiều định mệnh ấy, công việc gấp rút, khẩn trương không thể chờ đêm tối, các chị đã phải làm việc khi kẻ thù đang điên cuồng ném bom oanh tạc. Tôi không thể hình dung nổi lòng dũng cảm vô biên của những người con gái mười tám đôi mươi khi đối diện với lằn ranh sinh tử.
Họ vẫn tranh thủ từng phút, từng giây khi bầu trời ngưng tiếng súng nổ, bom rơi mà cào, mà cuốc để kịp thông đường cho đoàn xe ra trận. Bom đạn dập vùi, họ lại rũ đất đứng lên rồi tiếp tục làm nhiệm vụ. Mặt đất rung chuyển mà những trái tim kia vẫn kiên cường nhịp đập cho mạch máu giao thông thông suốt. Cho đến khi một quả bom rơi xuống hầm trú ẩn tạm thời, các chị đã mãi mãi ra đi vào ngày 24/7/1968. Đất trời đã dang tay ôm chặt các chị vào lòng để non sông đời đời ghi nhớ, biết ơn, để tuổi hai mươi mãi mãi tô đẹp núi sông này.
Một góc Đồng Lộc hôm nay.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, mảnh đất năm xưa khô cằn sỏi đá nay đã khoác lên mình màu xanh ngút ngàn bất tận. Máu và xương của các chị cùng bao đồng đội đã hóa phù sa trong lòng đất mẹ để sự sống nơi này ngày một sinh sôi. Tiếng lá hát ca trên đồi gió lộng, tiếng reo hò gọi bạn của chim muông trên mảnh đất linh thiêng và cả trong sắc màu hoa thơm, trái ngọt đều có bóng dáng, linh hồn các chị chở che, ôm ấp.
Khói lửa chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, đất nước thanh bình, cuộc sống Nhân dân ấm no, hạnh phúc, chúng ta càng ghi nhớ công ơn trời biển của những người ngã xuống. Họ đã quên mình cho Tổ quốc bình yên. Tên các chị mãi lưu vào sử sách và trái tim của người Việt đến muôn đời.