Hoàn thiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân

(Baohatinh.vn) - Cử tri Hà Tĩnh tán thành, việc ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Chuẩn bị nội dung Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 17/5, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Nội vụ tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến xây dựng dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thu Hà và Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Trung chủ trì hội nghị.

Các vị ĐBQH, đại diện các ban HĐND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cùng dự.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thu Hà và Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Trung chủ trì hội nghị.

Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia cho biết: Theo chương trình kỳ họp thứ 3, dự kiến Quốc hội khoá XV sẽ xem xét thông qua 5 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết; xem xét cho ý kiến 6 dự án luật; tiến hành giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn, xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ được Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu.

Do đó, việc nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để hoàn thiện pháp luật nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân hết sức cần thiết.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Trung báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của UB Thường vụ Quốc hội khóa XI về Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (gọi tắt là Pháp lệnh số 34).

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 7 chương, 74 điều. Cụ thể: Những quy định chung (8 điều); thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (25 điều); thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị (11 điều).

Thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp (12 điều); thanh tra nhân dân (7 điều); trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở (8 điều); điều khoản thi hành (3 điều).

Cử tri Lê Văn Thắng - Bí thư Đảng ủy phường Trần Phú (TP Hà Tĩnh) cho rằng nên thay cụm từ “xây dựng cơ sở hạ tầng” bằng “xây dựng kết cấu hạ tầng” tại khoản 1, Điều 13, dự thảo Luật.

Tại hội nghị, các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Cử tri Nguyễn Thị Mai Thủy - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng quy định về hình thức thực hiện dân chủ chưa được xác định rõ, đề nghị bổ sung 1 điều luật quy định về hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm hình thức dân chủ trực tiếp trong các cơ quan và dân chủ đại diện.

Đại biểu đồng tình dự thảo Luật được xây dựng công phu, bố cục chặt chẽ, khoa học, kế thừa Pháp lệnh 34/2007, Nghị quyết số 55/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản liên quan. Nhiều quy định đáp ứng yêu cầu đổi mới, phù hợp với quan điểm của Đảng.

Đại biểu thống nhất với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp tương ứng với các loại hình cơ sở khác (xã, phường, thị trấn và cơ quan, đơn vị). Việc quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp trong dự thảo bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Cử tri Nguyễn Văn Sơn - Nguyên Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị quy định trách nhiệm của HĐND cấp xã trong việc xử lý các ý kiến của Nhân dân do Mặt trận và các Đoàn thể chuyển đến (theo Điều 65).

Đại biểu đề nghị bổ sung các quy định về hình thức kiểm tra, giám sát, nội dung kiểm tra, giám sát, hiệu lực và việc thực hiện các kiến nghị sau kiểm tra, giám sát của người dân; nghiên cứu bổ sung, cụ thể hóa cơ chế “dân thụ hưởng” tại mỗi loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Làm rõ vai trò, trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam, tổ chức công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác trong bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở theo đúng chủ trương “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ”.

Cử tri Trần Danh Vinh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thạch Hà: Tại khoản 4, Điều 29 đề nghị sửa thành “Nhân dân thực hiện giám sát, kiểm tra thông qua MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội và thông qua đại diện các tổ chức khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân”.

Đại biểu đề nghị quy định trách nhiệm của HĐND cấp xã trong việc xử lý các ý kiến của Nhân dân do MTTQ và các đoàn thể chuyển đến (theo Điều 65); bổ sung một khoản để quy định về phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị (Điều 66).

Bổ sung một khoản quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động trong thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp “Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động” (Điều 67).

Cử tri Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc đề nghị tại điểm c, khoản 1, Điều 20 “cộng đồng dân cư thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ”, cần quy định rõ tỷ lệ % cộng đồng dân cư...

Ngoài ra, đại biểu cũng đưa ra các ý kiến góp ý về vấn đề liên quan đến nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; các hành vi bị nghiêm cấm; xử lý vi phạm; các hình thức, thời điểm công khai thông tin để Nhân dân biết.

Thẩm quyền đề xuất nội dung để cộng đồng dân cư bàn và quyết định; chủ thể có thẩm quyền bàn và quyết định; những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; tổ chức hội nghị đối thoại với Nhân dân...

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia tiếp thu ý kiến của các đại biểu.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia ghi nhận, tiếp thu ý kiến tâm huyết của đại biểu. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ các nội dung nhằm tiếp tục góp ý, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội trong kỳ họp tới, từ đó, tạo khuôn khổ pháp lý để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, phát huy tối đa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Chủ đề ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HĐND CÁC CẤP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói