Công dân còn có thể thực hiện đăng ký khai sinh, khai tử, nộp hồ sơ hay các thủ tục khác tại bất cứ đâu.
Làm thủ tục cấp mã số định danh cho trẻ sơ sinh ở phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh
Vợ sinh con trai đầu lòng, anh Nguyễn Đình Dũng (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) đến phường làm thủ tục khai sinh cho con. Được cán bộ tư pháp phường hướng dẫn kê khai và giải thích cặn kẽ về việc cấp số định danh cá nhân, anh Dũng tỏ ra rất phấn khởi. “Vậy là những công dân thế hệ mới như con trai tôi được “số hóa” thông tin cá nhân ngay từ khi mới chào đời. Đây là đòi hỏi tất yếu của một xã hội điện tử, hiện đại, là đảm bảo cơ bản nhất về quyền định danh của mỗi công dân trong trong thế giới phẳng về thông tin” – anh Dũng chia sẻ.
Mã số định danh cá nhân gồm 22 nội dung thông tin cơ bản về một người như: ảnh, họ tên, giới tính, dấu vân tay, nhóm máu... |
Không chỉ anh Nguyễn Đình Dũng, những người đi làm khai sinh cho trẻ đều cảm thấy rất phấn khởi khi con mình có số định danh cá nhân riêng. Cán bộ tư pháp phường Tân Giang Trần Thị Dung cho biết: “Việc đăng ký khai sinh cùng với cấp số định danh cho trẻ khá thuận lợi, nhanh chóng, chỉ mất 5 phút là hoàn thành. Hiện tại, toàn phường đã có 81 trẻ em được cấp số định danh cá nhân”.
Thực hiện Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân, Nghị định 123 và Nghị định 137 của Chính phủ, bắt đầu từ ngày 1/1/2016, tại 5 tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai cấp số định danh cá nhân cho trẻ mới khai sinh. Số định danh cá nhân là gồm 12 chữ số, xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp cho mỗi công dân Việt Nam từ khi đăng ký khai sinh và gắn với họ đến suốt cuộc đời. Đây là “số gốc” để truy nguyên chính xác về công dân trong các cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực, bảo đảm thống nhất thông tin. Mã số định danh cá nhân sẽ là “chìa khóa” để giải quyết các thủ tục hành chính sau này mà không phải mất nhiều loại thủ tục, giấy tờ đi kèm. Khi giải quyết các thủ tục hành chính cho công dân, các cơ quan quản lý chỉ cần dựa vào số định danh cá nhân để khai thác, tra cứu các thông tin cơ bản của công dân mà không cần công dân phải cung cấp các giấy tờ khác.
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Tư pháp Lê Viết Hồng cho biết: Mặc dù không phải là địa phương được Bộ Tư pháp chọn làm thí điểm ứng dụng phần mềm hộ tịch điện tử trong đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân, nhưng nhận thấy những thế mạnh, ý nghĩa to lớn của chương trình này nên Hà Tĩnh đã sớm đề nghị được triển khai. Bắt đầu từ tháng 10/2016, việc đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh được triển khai thực hiện. Nhìn chung, hoạt động này diễn ra rất thuận lợi và từng bước đi vào nền nếp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn gặp một số khó khăn, nhất là việc trang bị máy vi tính cho cán bộ tư pháp - hộ tịch ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Trước tình hình đó, Sở Tư pháp đã rà soát, đề nghị UBND tỉnh trang cấp hệ thống máy vi tính, máy in… cho 65 xã đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều địa bàn có thể bố trí trang bị máy tính riêng chuyên thực hiện việc đăng ký hộ tịch.
Sau hơn 5 tháng triển khai, việc đăng ký số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh đã đạt được nhiều kết quả khả quan, tạo thuận lợi cho nhân dân khi thực hiện thủ tục cũng như cho các đơn vị chức năng trong quản lý. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 11.000 trẻ sơ sinh được cấp mã số định danh cá nhân.