Hơn 600 lao động ở Hà Tĩnh tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp

(Baohatinh.vn) - 622 lao động tại một số doanh nghiệp Hà Tĩnh thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách do ảnh hưởng dịch COVID-19 đã tự nguyện không nhận hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp để chung tay phòng chống dịch.

Hơn 600 lao động ở Hà Tĩnh tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Người lao động có thể nộp hồ sơ hưởng chế độ theo Nghị quyết 116/NQ-CP trực tiếp tại các phòng giao dịch của BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thị...

Từ ngày 1/10/2021, Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, chi trả theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh sự mong chờ, niềm vui của đông đảo người lao động được nhận hỗ trợ, có nhiều lao động, người sử dụng lao động đã tự nguyện không nhận nguồn hỗ trợ này để chia sẻ khó khăn với những đối tượng khác.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Hà Tĩnh II hiện có 269 cán bộ, nhân viên. Trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn, cũng như các ngân hàng trong hệ thống Agribank, đơn vị đã ban hành văn bản và quán triệt nghiêm các quy định phòng, chống dịch đến toàn thể cán bộ, nhân viên, khách hàng.

Nhờ đó, giao dịch của Agribank Hà Tĩnh II không bị gián đoạn, việc làm, thu nhập của người lao động được đảm bảo; đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe được quan tâm.

Hơn 600 lao động ở Hà Tĩnh tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Agribank đảm bảo giao dịch thông suốt, công việc và thu nhập ổn định cho cán bộ, nhân viên trong thời kỳ dịch bệnh.

Khi có kết quả giải quyết hồ sơ chi trả theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, 100% người lao động của Agribank Hà Tĩnh II đã tự nguyện không nhận nguồn hỗ trợ này.

Ông Trần Sỹ Thu - Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Agribank Hà Tĩnh II cho biết: “Lãnh đạo ngân hàng và Ban Chấp hành Công đoàn đã tuyên truyền đến đoàn viên, người lao động tại 7 công đoàn cơ sở thành viên và tất cả đều tự nguyện không nhận khoản hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Thay vào đó, công đoàn sẽ chi quỹ phúc lợi để hỗ trợ người lao động, tuy nhiên, 100% người lao động cũng thống nhất không nhận khoản tiền này mà ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19”.

Hơn 600 lao động ở Hà Tĩnh tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Việc làm, thu nhập được đảm bảo nên 100% cán bộ, nhân viên của Agribank Hà Tĩnh II tự nguyện không nhận hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Tại Agribank chi nhánh Hà Tĩnh, 346 cán bộ, nhân viên của đơn vị cũng tự nguyện không nhận nguồn hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Được biết, phần lớn đoàn viên, người lao động của hơn 180 công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Agribank Việt Nam đều tự nguyện hưởng ứng chủ trương chung này. Việc làm này đã thể hiện được tinh thần, trách nhiệm vì cộng đồng xã hội của lãnh đạo, cán bộ, nhân viên đang làm việc trong hệ thống Agribank.

Chị Đặng Thị Thanh Long - giao dịch viên Phòng Kế toán - Ngân quỹ Agribank Hà Tĩnh II chia sẻ: “Chúng tôi may mắn có công việc, thu nhập ổn định trong thời kỳ dịch bệnh nên sẵn sàng nhường khoản hỗ trợ đó cho những người bị ảnh hưởng nhiều hơn về việc làm, thu nhập”.

Hơn 600 lao động ở Hà Tĩnh tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Chị Đặng Thị Thanh Long vui vẻ nhường lại số tiền được hỗ trợ của mình để dành cho các trường hợp khó khăn khác.

Ngoài số lao động của hai đơn vị trên, có 3 giám đốc của 3 doanh nghiệp tư nhân và 4 người trong Ban Giám đốc Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh cũng tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Được biết, số tiền 622 lao động và chủ sử dụng lao động được thụ hưởng chính sách do ảnh hưởng dịch COVID-19 khoảng gần 1,7 tỷ đồng.

Là chủ một công ty chuyên về thiết kế, thi công các công trình dân dụng trên địa bàn, ông Trần Văn Tiến - Giám đốc Công ty CP Kiến trúc Art House (TP Hà Tĩnh) đã chủ động liên hệ BHXH tỉnh để trình bày nguyện vọng không nhận số tiền hỗ trợ dành cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Ông Tiến chia sẻ: “Trong đại dịch, chính quyền các cấp, ngành đã làm rất tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm lo đời sống cho người dân. Bản thân tôi tự nguyện không nhận khoản hỗ trợ đó để góp một phần nhỏ chia sẻ khó khăn với Chính phủ. Chỉ mong dịch bệnh được kiểm soát, đẩy lùi để doanh nghiệp, người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường, ổn định sản xuất, kinh doanh”.

Hơn 600 lao động ở Hà Tĩnh tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Cán bộ, nhân viên BHXH tỉnh thường xuyên phải tăng ca để đảm bảo giải quyết công việc kịp tiến độ.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tính đến nay, BHXH tỉnh đã chi trả cho 40.775 lao động với tổng số tiền hơn 98,6 tỷ đồng. Còn hơn 8.000 lao động sẽ được giải quyết hưởng chế độ trong thời gian tới. Việc nhiều người lao động, chủ sử dụng lao động tự nguyện không nhận nguồn hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ góp phần chia sẻ với Chính phủ trong giai đoạn khó khăn.

Trưởng phòng Quản lý thu BHXH tỉnh Hà Tĩnh Bùi Hồng Nhật

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Hà Tĩnh chú trọng công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội

Hà Tĩnh chú trọng công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội

Những năm qua, công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội luôn được cấp ủy, chính quyền các địa phương Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm, tổ chức triển khai bằng nhiều chủ trương, chính sách hiệu quả, nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Xóa nhà tạm – động lực để người nghèo Hương Khê vươn lên

Xóa nhà tạm – động lực để người nghèo Hương Khê vươn lên

Là huyện miền núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn lại thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai nên Hương Khê là địa phương có số nhà tạm, nhà dột nát cần phải xóa nhiều nhất Hà Tĩnh. Với quyết tâm: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, huyện đã huy động các nguồn lực và bằng nhiều cách làm sáng tạo đã về đích chương trình sớm hơn so với kế hoạch đề ra.
Đức Thọ hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát

Đức Thọ hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cách làm quyết liệt, đến nay huyện Đức Thọ đã hoàn thiện xây dựng 67/67 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Những ngôi nhà mới khang trang, kiên cố được hỗ trợ xây dựng đã tạo động lực cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện vươn lên thoát nghèo, phát triển cuộc sống mới.
Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội

Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội

Hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, thời gian qua, Hà Tĩnh đang nỗ lực mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc nhằm đảm bảo an sinh cho người dân.
Những chính sách mới có hiệu lực trong tháng 5/2025

Những chính sách mới có hiệu lực trong tháng 5/2025

Chính sách mới hỗ trợ trẻ em vùng khó khăn, quy định mức phạt vi phạm hành chính, và giới hạn sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại TCTD Việt Nam... là những điểm mới trong các chính sách sẽ có hiệu lực từ 1/5.