Chiều 8/5, UBND huyện Hương Khê tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021; triển khai đề án sản xuất vụ hè thu, kế hoạch khuyến nông năm 2021.
Năm 2020, tình hình thiên tai trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, khó lường. Lũ lụt trong tháng 10/2020 khiến 6 xã bị ngập, chia cắt; có 366 hộ nhà bị ngập. Trên 800 ha bưởi Phúc Trạch bị ngập, ảnh hưởng (trong đó 10 ha bị thiệt hại hoàn toàn); 300 ha cam bị ngập, ảnh hưởng; 230 ha ngô và 113 ha rau bị thiệt hại.
Năm 2021 đã ghi nhận tình hình thời tiết bất thường tại Hương Khê, gây thiệt hại lớn đến diện tích cây trồng vụ xuân. Trong ảnh: lãnh đạo huyện Hương Khê kiểm tra thiệt hại trong đợt mưa lớn cuối tháng 4/2021.
Mưa lũ khiến nhiều tuyến đường giao thông và cầu qua sông bị ngập; một số công trình bị xói lở nghiêm trọng; nhiều khu vực bị sạt lở đất ảnh hưởng đến nhà ở, đời sống của người dân; nhiều đập, bờ sông Ngàn Sâu bị sạt lở nghiêm trọng. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2020 ước tính trên 132 tỷ đồng.
Sau lũ lụt, các đơn vị đã tích cực triển khai giải pháp khắc phục thiệt hại, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê Lê Quang Vinh báo cáo phương án phòng chống thiên tai, kế hoạch khuyến nông năm 2021...
Năm 2021, Hương Khê xác định huy động mọi nguồn lực và cả hệ thống chính trị triển khai hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai năm 2021, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Thực hiện nguyên tắc “chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả” và quán triệt phương châm “4 tại chỗ trong phòng chống thiên tai. Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa và cộng đồng nhằm phát huy ý thức tự giác, chủ động của cộng đồng dân cư.
Ông Nguyễn Bá Tuấn - Phó Giám đốc Nhà máy Thủy điện Hố Hô: Nhà máy đang lên kế hoạch diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, dự kiến tổ chức vào tháng 7/2021.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phan Kỳ: Các địa phương nên lựa chọn các giống ngắn ngày, xây dựng mô hình điểm sản xuất hè thu ở những vùng đang bỏ hoang để người dân nhân rộng.
Tham gia góp ý tại hội nghị, đại diện lãnh đạo, cán bộ nông nghiệp các xã đồng tình cao với phương án của UBND huyện đồng thời chia sẻ một số khó khăn về cơ sở hạ tầng, tình hình dịch bệnh, hiện tượng thiên tai thời tiết bất thường ảnh hưởng lớn kế hoạch sản xuất.
Các địa phương cũng cho rằng, huyện cần phối hợp với các đơn vị thuỷ điện để có phương án xả lũ hợp lý, giảm thiểu ảnh hưởng đến vùng hạ du; xem xét, bố trí kinh phí nâng cấp, sửa chữa một số công trình thuỷ lợi hư hỏng, xuống cấp; các địa phương chủ động kiểm tra thuyền, máy móc đảm bảo an toàn, phục vụ hoạt động hỗ trợ, cứu nạn trong lũ lụt.
Chủ tịch UBND huyện Ngô Xuân Ninh: Các địa phương cần tập trung rà soát các điểm xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất...; tuyên truyền, cảnh báo người dân có phương án ứng phó kịp thời với tình huống bất lợi khi thiên tai xảy ra.
Với quan điểm: đảm bảo "ăn chắc” né tránh thiên tai, lấy giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích làm tư tưởng chỉ đạo thực hiện, vụ hè thu 2021, Hương Khê phấn đấu sản xuất 2.100 ha lúa, 1.000 ha đậu, 750 ha ngô, 250 ha vừng, 270 ha rau màu… |