Israel sợ ông Biden chiến thắng bầu cử Mỹ

Đại sứ Israel tại Mỹ Ron Dermer đã đẩy mạnh vận động hành lang với quan chức trong chính quyền Trump, các nghị sĩ bảo thủ Cộng hòa và nhiều nhân vật ảnh hưởng tại Washington D.C trong những tuần gần đây.

Israel sợ ông Biden chiến thắng bầu cử Mỹ

Đại sứ Israel tại Mỹ Ron Dermer. Ảnh: Getty Images

Mục đích là để thuyết phục số này ủng hộ Israel sáp nhập một số khu vực ở Bờ Tây trước thời điểm diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2020, do lo sợ ông Joe Biden sẽ đánh bại Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.

Theo đó, Thủ tướng Minister Benjamin Netanyahu cùng cộng sự thân cận nhất của ông là Dermer lo ngại nếu ông Biden giành chiến thắng, chính sách của Mỹ đối với Israel và Palestines sẽ có thay đổi bước ngoặt. Đó là lý do Israel cần phải tạo ra “sự đã rồi” trước bầu cử Tổng thống Mỹ.

Theo kênh truyền hình Channel 13 của Israel, trong các cuộc gặp không được quyền ghi chép mới đây với giới học giả, nghị sĩ và phóng viên, ông Dermer phát đi thông điệp “Israel buộc phải sáp nhập vào thời điểm hiện nay, vì không biết điều gì sẽ xảy ra trong cuộc bầu cử và ông Biden có thể giành chiến thắng. Giờ là lúc Israel có cơ hội và cần tận dụng”.

Mạng tin Axios dẫn nguồn thạo tin tại Mỹ và Israel cho biết, ông Dermer đang tăng cường nỗ lực vận động hành lang, muốn có được sự ủng hộ càng sớm càng tốt, do ông nhận thấy một số quan chức trong chính quyền Trump tỏ ra chần chừ trong việc bật đèn xanh để Israel sáp nhập một số khu vực ở Bờ Tây.

Trả lời phỏng vấn qua điện thoại trước giới phóng viên Israel hôm 16/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết ý định sáp nhập một phần Bờ Tây của Israel cần phải nằm trong khuôn khổ thảo luận giữa Israel với chính quyền Palestines được nêu ra trong Kế hoạch hòa bình Trung Đông mà Mỹ mới công bố.

Thái độ chần chừ đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đó là tiếng nói phản đối mà Jordan, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) chuyển tới Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ. Kế đến, Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz và Ngoại trưởng Israel Ashkenazi tỏ ra e ngại kế hoạch sáp nhập đơn phương trong các cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Jerusalem hồi tuần trước. Cùng lúc, ông Trump hiện dồn phần lớn thời gian cho cuộc chiến chống COVID-19.

Kế hoạch gây tranh cãi

Theo thỏa thuận liên minh được ký kết giữa đảng Likud của Thủ tướng Benjamin Netanyahu với đảng Xanh và Trắng của ông Benny Gantz, thủ tướng có thể đưa kế hoạch sáp nhập ra bỏ phiếu tại Quốc hội hoặc nội các trước ngày 1/7/2020. Nếu nhận được ủng hộ của Quốc hội, ông Netanyahu có quyền thực thi kế hoạch mà không cần tới sự ủng hộ của đảng Xanh và Trắng.

Thỏa thuận cũng quy định, việc sáp nhập sẽ được thực hiện thông qua sự điều phối với Mỹ, đối thoại quốc tế liên quan đến vấn đề này, cùng lúc bảo đảm an ninh và lợi ích chiến lược của Nhà nước Israel, trong đó có nhu cầu duy trì ổn định khu vực, giữ các hiệp ước hòa bình đã ký kết và hướng đến các hiệp định hòa bình trong tương lai.

Các nước trong khu vực như Saudi Arabia, UAE, Jordan phản đối kế hoạch sáp nhập. Vua Jordan Abdullah tuyên bố sẽ hủy hiệp ước hòa bình ký với Israel nếu chính quyền Bejamin Netanyahu sáp nhập Bờ Tây, cảnh báo một cuộc xung đột quy mô lớn nếu điều này thành hiện thực.

Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ quan ngại sâu sắc về kế hoạch của Israel, khẳng định không chấp nhận Israel đơn phương sáp nhập Bờ Tây. Trong tuyên bố ngày 18/5, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell nói rằng EU không chấp nhận bất kỳ thay đổi nào về đường ranh giới so với bản đồ năm 1967, coi giải pháp hai nhà nước là cách thức duy nhất để có được hòa bình và an ninh tại khu vực.

Tại Mỹ, Tony Blinken - cố vấn cấp cao về chính sách đối ngoại của ông Joe Biden - hồi tháng trước nói rằng ứng cử viên đảng Dân chủ trong cuộc đua ghế tổng thống năm 2020 phản đối việc đơn phương sáp nhập một phần lãnh thổ Bờ Tây.

Trả lời phỏng vấn báo giới Israel hồi đầu tháng này, cá nhân ông Biden tuyên bố tiến trình hòa bình Trung Đông cần hướng vào việc khôi phục đối thoại với Palestines, gây sức ép để Israel không có hành động đơn phương đặt dấu chấm hết cho giải pháp hai nhà nước. Ông cho biết, nếu thắng cử sẽ mở cửa trở lại Lãnh sự quán Mỹ ở Jerusalem và phái bộ của Tổ chức giải phóng Palestines (PLO) ở Washington.

Về phía đảng Dân chủ, ngày 5/5, 30 cựu quan chức chuyên về chính sách đối ngoại của đảng, nhiều trong số này từng làm việc dưới thời ông Obama, đã hối thúc Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) đưa vào cương lĩnh tranh cử 2020 phần nội dung phản đối Israel sáp nhập bờ Tây.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Không có 'tuần trăng mật'

Không có 'tuần trăng mật'

Nội các mới của nữ Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đã chính thức được Nhà vua Thái Lan phê chuẩn, mở đường cho vị thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử “đất nước Chùa Vàng” bắt tay vào thực thi trọng trách của mình với cả thuận lợi cùng vô vàn thách thức đan xen, như chính bà Paetongtarn thừa nhận rằng Chính phủ mới sẽ không có “tuần trăng mật”.