Khi đàn ông đi chợ, vào bếp

(Baohatinh.vn) - Nhiều người vẫn quan niệm, việc đi chợ, vào bếp chỉ phụ nữ mới làm được, nhưng thực tế, nhiều người đàn ông làm việc này cũng xuất sắc không kém.

Từ ngày nghỉ hưu, ông Thanh (phường Nam Hà - TP Hà Tĩnh) thay vợ đảm nhận việc đi chợ mua sắm vật dụng, thức ăn hằng ngày cho gia đình. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, ông thường xuyên bị mua “hớ”, giá mỗi món hàng có khi bị đội lên gấp rưỡi, gấp đôi, chất lượng thực phẩm cũng không ổn.

Khi đàn ông đi chợ, vào bếp

Đàn ông đi chợ cũng là cách chia sẻ gánh nặng việc nhà với vợ. Ảnh minh họa internet.

Sau nhiều lần được vợ dẫn đi, hướng dẫn cách mua hàng và giới thiệu những mối hàng quen, ông Thanh đã thành thạo công việc này chẳng kém gì vợ. Ông vui vẻ chia sẻ: “Đi chợ thực ra không khó như mình nghĩ đâu, chỉ cần một chút kỹ năng. Đàn ông thường ngại việc mua bán, trả giá, tay xách nách mang hàng hóa nên giao hết cho vợ, nhưng tôi nghĩ, chúng tôi cũng nên san sẻ với vợ, nhất là khi sức khỏe vợ không được tốt”.

Ngày vài lượt chở vợ đi chợ, ông Tứ (phường Trần Phú - TP Hà Tĩnh) khá mệt mỏi khi phải chờ đợi. Ông luôn cảm thấy, vợ đi chợ lâu hơn thời gian cần thiết và ông quyết định thử “trải nghiệm” công việc này. Từ những lóng ngóng ban đầu, lâu dần thành quen, ông còn được vợ khen đi chợ nhanh, mua hàng chuẩn, không ôm đồm nhiều mặt hàng không cần thiết.

Khi đàn ông đi chợ, vào bếp

Đàn ông cùng vào bếp với vợ khiến tình cảm gia đình thêm gắn kết. Ảnh minh họa internet.

Không quá thành thạo việc đi chợ nhưng anh Phú (huyện Thạch Hà) lại có tay nghề nấu ăn khá ổn. Công việc kinh doanh bận rộn nên việc cơm nước hằng ngày vẫn do vợ và con gái đảm nhận, nhưng khi có thời gian rảnh rỗi, anh Phú sẽ trổ tài nấu ăn cho cả gia đình. Một điều đặc biệt là những hôm gia đình, họ hàng có giỗ tết, công chuyện phải làm nhiều mâm cỗ thì anh Phú chính là người lên thực đơn, chia mâm, thậm chí đứng bếp chế biến những món ăn khó. Nhìn cách anh Phú vào bếp, nhiều người phải thay đổi quan điểm “việc bếp núc chỉ là việc của chị em phụ nữ”.

Anh Phú chia sẻ: “Tôi rất thích nấu ăn nên hay vào bếp lúc rảnh. Việc này cũng không mất quá nhiều thời gian mà lại đỡ đần được vợ con việc nhà, gia đình thêm gắn kết. Tôi cũng dạy con trai tập làm những việc vặt trong nhà, chia sẻ với chị và mẹ. Tôi nghĩ, đàn ông hay phụ nữ trong gia đình thì đều nên có trách nhiệm như nhau”.

Khi đàn ông đi chợ, vào bếp

Tay nghề nấu ăn của nhiều người đàn ông khiến mọi người phải thay đổi suy nghĩ “việc bếp núc chỉ là việc của chị em phụ nữ”.

Quan điểm truyền thống của người phương Đông vốn có tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, nhưng ngày nay, tư tưởng đó cũng đã dần được thay đổi trong chính mỗi gia đình. Nhiều người đàn ông đã biết tự hào khi vợ mạnh mẽ, tự tin khẳng định mình trong công việc xã hội, thì ở chiều ngược lại, sau mỗi ngày mệt mỏi trở về, người phụ nữ cũng cảm thấy ngọt ngào, ấm áp khi được nương tựa vào người chồng thấu hiểu, biết chia sẻ việc nhà.

Việc đàn ông đi chợ, vào bếp tưởng chuyện nhỏ nhưng nó lại thể hiện sự thay đổi trong nhận thức, trách nhiệm của phái mạnh đối với gia đình. Nền tảng của một gia đình hạnh phúc đều được xây dựng từ những yêu thương, sẻ chia, thấu hiểu của mỗi thành viên.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast