“Triệu phú” ốc bươu ở xã ngoài đê La Giang

(Baohatinh.vn) - Với hơn 2 ha mặt nước ao hồ vùng chiêm trũng, anh Trần Song Anh ở xã Liên Minh (Đức Thọ - Hà Tĩnh) đã cải tạo để nuôi ốc bươu đen. Qua 3 năm vừa nuôi, vừa đúc rút kinh nghiệm, mô hình đã đưa lại lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/năm.

Video: Anh Trần Song Anh giới thiệu mô hinh nuôi ốc bươu đen

Năm 2018, trong một lần “tìm hướng làm ăn”, anh Trần Song Anh (SN 1985, ở xã Liên Minh) thấy ở một số tỉnh như Thái Bình, Nam Định, Hà Nam… có nhiều mô hình nuôi ốc bươu đen tương đối dễ và cho thu nhập khá cao. Nhận thấy ở vùng quê mình đang còn một số vùng ao hồ bỏ hoang, anh quyết tâm học hỏi kỹ thuật nuôi và về quê xin đấu thầu vùng đất hơn 2 ha thuộc thôn Thọ Ninh để nuôi ốc.

Anh Trần Song Anh cho biết: "Từ vùng đồng chiêm trũng bỏ hoang cuối thôn, tôi đầu tư gần 800 triệu đồng thuê máy móc đắp lại bờ, phân chia ra các ao nhỏ, mỗi ao khoảng 500-1.000 m2. Cùng với đó là xây dựng hệ thống bể ương giống, màng lưới che nắng và máy bơm nước.

“Triệu phú” ốc bươu ở xã ngoài đê La Giang

Do thời tiết ở Hà Tĩnh vào mùa hè nắng nóng, nhiệt độ nước tăng cao nên cần thiết kế giàn che cho ốc

“Vụ đầu tiên, tôi thả nuôi thí điểm 30 vạn con giống trên một phần diện tích ao hồ. Thức ăn của ốc chủ yếu là các loại thực vật sẵn có như: Thân, lá cây mướp, cây mùng phơi khô, bèo cám, bèo tai tượng và sinh vật phù du. Sau 4 tháng tuân thủ quy trình kỹ thuật, đặc biệt là đảm bảo nguồn nước sạch nên ốc lớn rất nhanh, cho thu hoạch gần 6 tấn ốc thương phẩm” – anh Anh chia sẻ.

Theo anh Anh, con ốc bươu đen dễ nuôi, hầu như không bị dịch bệnh. Chỉ cần nguồn nước sạch và cho ăn đầy đủ ốc sẽ tăng trọng nhanh. Do thời tiết ở Hà Tĩnh vào mùa hè nắng nóng, nhiệt độ nước tăng cao nên cần thiết kế giàn che cho ốc. Cùng với đó, trên mặt nước cần thả thêm một ít bèo tây để vừa làm nơi cho ốc bươu đen sinh sản, vừa tạo bóng mát. Để chăm sóc 2 ha nuôi ốc chỉ cần 2-3 lao động.

“Triệu phú” ốc bươu ở xã ngoài đê La Giang

Thức ăn của ốc chủ yếu là thân, lá cây mướp, cây mùng phơi khô, bèo cám, bèo tai tượng và sinh vật phù du.

“Sau thành công lứa đầu, năm 2019 -2020, tôi thả nuôi hơn 60 vạn con giống trên toàn bộ diện tích 2 ha. Năm 2019 cho thu hoạch 10 tấn và năm 2020 cho thu hoạch 12 tấn ốc thương phẩm. Giá ốc trên thị trường tại thời điểm các năm bình quân 60.000 đồng/kg, đã cho thu hoạch 600 đến hơn 700 triệu đồng. Trừ chi phí thuê nhân công, thức ăn cho ốc, còn lãi ròng trên 400 triệu đồng/năm” - anh Anh cho biết.

Không chỉ xây dựng thành công mô hình cho riêng mình, anh Trần Song Anh còn vận động và hỗ trợ kỹ thuật cho 2 hộ dân trong xã có sẵn diện tích ao hồ, điều kiện nguồn nước đảm bảo cùng tham gia nuôi ốc. Đến nay, các hộ dân này đã phát triển tốt nghề nuôi ốc và cho thu nhập bình quân 50-100 triệu đồng/năm.

“Triệu phú” ốc bươu ở xã ngoài đê La Giang

Theo anh Anh, chi phí đầu tư cho thức ăn hầu như rất ít vì ốc chủ yếu là ăn các loại bèo cám, bèo tai tượng thả trong ao cùng với các loại cây cỏ sẵn có trong vườn.

Đặc biệt, việc đầu tư con giống chỉ lần đầu, còn những lần sau ốc tự sinh sản tại chỗ.

“Triệu phú” ốc bươu ở xã ngoài đê La Giang

Bể ương nuôi ốc giống

Từ hoạt động nuôi ốc thương phẩm, anh Trần Song Anh đã thành lập Công ty TNHH Anh Xuân Hà Tĩnh để tư vấn kỹ thuật và thu mua sản phẩm.

Hiện tại, công ty đã ký hợp đồng liên kết, tư vấn kỹ thuật cho 26 mô hình nuôi ốc trong và ngoài tỉnh, trong đó bao tiêu sản phẩm cho 12 mô hình. Đây là yếu tố quan trọng để các hộ nuôi yên tâm đầu tư, tạo nguồn thu nhập hiệu quả.

“Triệu phú” ốc bươu ở xã ngoài đê La Giang

Từ vùng đồng chiêm trũng bỏ hoang nằm cuối thôn, anh Trần Song Anh đã cải tạo để nuôi ốc bươu đen cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm

Ông Nguyễn Quốc Hoạt - Chủ tịch UBND xã Liên Minh cho biết: “Mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Trần Song Anh là một trong những mô hình kinh tế điểm trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Qua thời gian đi vào hoạt động cho thấy mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế, tạo sự lan tỏa trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở địa phương”.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast